Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự linh hoạt và nhịp nhàng trong điều hành chính sách tiền tệ
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:00, 24/01/2023
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn FiinGroup |
Phóng viên: Thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam đã đi qua năm 2022 đầy thách thức. Thời điểm này, khi nhìn lại thị trường, ông có đánh giá như thế nào?
Ông Lê Xuân Đồng: Theo tôi, diễn biến của thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam năm 2022 có thể chia thành 2 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động thị trường khá ổn định, việc điều hành chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ khá nhịp nhàng và linh hoạt. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục thể hiện sự chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, giúp kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Trong giai đoạn này, mặt bằng lãi suất tương đối thấp và NHNN cũng điều hành theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Giai đoạn thứ hai, trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 8/2022, thị trường có nhiều biến động hơn do những tác động tiêu cực từ bên ngoài và các yếu tố nội tại trong nước. Ở bên ngoài, diễn biến kinh tế thế giới tiếp tục khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu tăng, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine chưa có hồi kết…). Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 6 lần tăng lãi suất liên tiếp (tính đến đầu tháng 12/2022) với các mức tăng tương đối mạnh (0,75%/lần). Điều này đã dẫn đến việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất điều hành để giảm áp lực lạm phát trong nước cũng như giữ giá trị đồng nội tệ của họ.
Nếu không có ự điều tiết tốt của NHNN, tôi cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 khó đạt được mức khoảng 8% như công bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vừa qua.
- Ông Lê Xuân Đồng (CFA), Giám đốc Điều hành, Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư Vấn, FiinGroup -
Tại thị trường trong nước, thanh khoản đối với USD gia tăng do sự tăng giá mạnh của USD trên thị trường thế giới, dòng kiều hối có dấu hiệu giảm sút, xuất hiện hoạt động tích trữ USD từ phía người dân và doanh nghiệp. Thanh khoản VND cũng gặp áp lực do tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động vốn và tốc độ tăng cung tiền M2. Việc NHNN bán lượng ngoại tệ ra thị trường dẫn đến việc hút khỏi hệ thống lượng VND lớn, trong khi đó, lượng tiền bơm trở lại hệ thống ngân hàng lại hạn chế. Ngoài ra, sau các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các ngân hàng thương mại giảm cho nhau vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Các yếu tố này đã dẫn đến mặt bằng lãi suất huy động vốn VND tăng cao trên cả thị trường 1 và thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh cả về giá trị và khối lượng giao dịch; một số vụ việc vi phạm pháp luật và khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn trong lĩnh vực trái phiếu đã làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào các thị trường này.
Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài, bảo vệ giá trị VND và hỗ trợ thanh khoản, NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tỷ giá, như: bán ngoại tệ, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua các hoạt động mua bán tín phiếu NHNN trên thị trường mở, tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng (2 lần)... Dù đâu đó vẫn có lúc còn bị động và chưa được khéo léo nhưng nhìn chung NHNN đã đóng góp quan trọng ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tóm lại, việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt đã được NHNN thể hiện rõ ràng trong năm 2022 vừa qua. Sự linh hoạt và nhịp nhàng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã góp phần quan trọng giúp ổn định thị trường trong những lúc khó khăn, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Nếu không có sự điều tiết tốt của NHNN, tôi cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 khó đạt được mức khoảng 8% như công bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Phóng viên: Qua các hoạt động phân tích dữ liệu tài chính, phân tích ngành, xếp hạng tín nhiệm, ông và FiinGroup đánh giá như thế nào về sức khỏe của các doanh nghiệp Việt hiện nay?
Ông Lê Xuân Đồng: Về sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, tôi tạm thời chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hoặc có vay nợ ngoại tệ nhiều hoặc hoạt động trong các nghành có tính chu kỳ cao (như doanh nghiệp trong các nghành bất động sản, xây dựng, thép, khai khoáng, chứng khoán…); và Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp trong các nghành nghề phòng thủ, sử dụng đòn bẩy thấp, mô hình kinh doanh và dòng tiền ổn định (như nước sạch, năng lượng, dược phẩm, thực phẩm…).
NHNN đã đóng góp quan trọng ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch |
Chúng tôi sử dụng số liệu tài chính của các doanh nghiệp niêm yết để làm đại diện phân tích. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp của cả 2 nhóm tương đối tốt. Tuy nhiên, bước sang quý II và III/2022, kết quả kinh doanh đã có sự phân hóa. Các doanh nghiệp thuộc Nhóm 1 bị ảnh hưởng nặng bởi các yếu tố đầu vào như lãi suất VND và tỷ giá VND/USD tăng mạnh, việc tiêu thụ sản phẩm suy giảm do mặt bằng lãi suất tăng cao, nhu cầu thị trường nội địa giảm. Ngoài ra, đối với một số doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng về dệt may, da giầy, điện tử... cũng gặp khó khăn do đơn hàng từ thị trường xuất khẩu giảm. Đối với các doanh nghiệp Nhóm 2 (ít sử dụng đòn bảy tài chính, dòng tiền ổn định) cho thấy sức khỏe tài chính và kết quả kinh doanh ổn định trong suốt năm qua.
Sự phục hồi của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhìn vào động thái điều chỉnh chính sách của FED trong thời gian tới, chỉ khi nào FED ngừng tăng lãi suất thì cầu tiêu dùng toàn cầu mới bắt đầu phục hồi. Có một điểm đáng lưu ý đó là lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu giảm, FED cũng đã phát đi thông điệp sẽ tăng lãi suất điều hành chậm lại, với bước tăng nhỏ hơn so với mức 0,75% vừa qua. Để FED bước sang giai đoạn không tăng lãi suất hoặc giảm lãi suất sẽ phải mất ít nhất là 6 tháng. Do đó, từ nay đến hết quý II/2023, các doanh nghiệp ngành nghề phòng thủ sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tốt; còn các doanh nghiệp hoạt động theo tính chu kỳ/sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ vẫn còn rất khó khăn.
Phóng viên: Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thưa ông?
Ông Lê Xuân Đồng: Theo tôi, có hai việc mà các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay:
Đối với hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nên đa dạng hoá thị trường và tệp khách hàng mục tiêu |
Một là, đối với hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường và tệp khách hàng mục tiêu. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia khoảng 15 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, khách hàng và tránh lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống có thể đang gặp khó khăn.
Hai là, đối với vấn đề nguồn vốn, thời điểm này các doanh nghiệp cũng không nên trông chờ những “gói cứu trợ” từ Chính phủ như trước đây. Bởi lẽ, để có một gói cứu trợ triển khai trong thực tế sẽ mất rất nhiều thời gian xây dựng, thảo luận và phê duyệt. Để chờ đợi được dòng vốn này có lẽ doanh nghiệp đã mất đi các cơ hội khác, thậm chí là phá sản. Do vậy, doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy lớn, có dư nợ vay ngân hàng hoặc dư nợ vay bằng trái phiếu doanh nghiệp lớn, đang gặp khó khăn về thanh khoản cần phải tự cứu lấy mình trước bằng cách chủ động và rốt ráo trong việc đàm phán với các chủ nợ (gồm các ngân hàng, đại diện chủ sở hữu trái phiếu…) để giãn, hoãn thời hạn trả nợ, giảm nghĩa vụ trả nợ, tái cấu trúc và thu gọn lại hoạt động kinh doanh, bán dự án để lấy tiền trả nợ, chuyển đổi khoản nợ vay thành vốn cổ phần hoặc gán nợ bằng các tài sản của doanh nghiệp như sản phẩm nhà ở…. Đây là giải pháp được nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc thực hiện khá thành công. Đến nay, khoảng hơn 70% các khoản nợ bằng trái phiếu gặp khó khăn về khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang được xử lý ngoài tòa án theo các hình thức trên.
Về phía chính phủ, các cơ quan quản lý, cần nhanh chóng khoanh vùng các doanh nghiệp có số dư nợ (nợ vay ngân hàng và nợ trái phiếu) lớn, gặp khó khăn thanh khoản để hỗ trợ các doanh nghiệp và các chủ nợ và/hoặc đại diện chủ nợ ngồi xuống đàm phán, giải quyết các khoản nợ trên một cách có trật tự và có tổ chức, tránh gây nên các bất ổn xã hội từ việc mất khả năng thanh toán đến các nhà đầu tư cá nhân đã mua trái phiếu. Việc khoanh vùng và hỗ trợ cũng áp dụng tương tự với các ngân hàng có khăn về thanh khoản. Đặc biệt, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đây là điều rất quan trọng giúp tránh đóng băng các tài sản, giúp doanh nghiệp chủ động xử lý các tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ và phục hồi hoạt động kinh doanh.
Phóng viên: Với những diễn biến năm 2022 và những dự cảm cho năm 2023, ông có dự báo như thế nào về hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…? Để vượt qua những khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp như thế nào từ Chính phủ, các bộ, ngành và từ chính các doanh nghiệp?
Ông Lê Xuân Đồng: Các diễn biến thị trường trong nước và thế giới cho thấy, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn và đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng.
Với hệ thống ngân hàng, chúng tôi nhận định vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, có thể kể đến như: áp lực thanh khoản vẫn căng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng đến hết quý II/2023; mặt bằng lãi suất khó giảm ngay; áp lực mất giá tiền đồng VND vẫn còn, tuy nhiên, sẽ không mất giá lớn như năm 2022 (dự báo tiền đồng sẽ mất giá khoảng 5 – 6% trong năm 2023)… Hơn nữa, tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhu cầu thị trường thế giới giảm, cộng thêm lãi suất tăng trong năm 2022 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này khiến nợ xấu sẽ tăng lên trong năm 2023.
Dẫu còn nhiều khó khăn/ thách thức nhưng tôi tin rằng, với nền tảng đã xây dựng được qua các năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua năm 2023 với những kết quả ấn tượng.
- Ông Lê Xuân Đồng (CFA), Giám đốc Điều hành, Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư Vấn, FiinGroup -
Bên cạnh đó, với Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn mỏng so với các nước trong khu vực, do vậy, để đảm bảo mức đệm an toàn vốn cũng như đáp ứng tốt hơn các kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, việc nâng cao CAR là nhiệm vụ bắt buộc với các ngân hàng trong thời gian tới. Thị trường ngân hàng năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu còn nhiều khó khăn, việc tăng vốn của các ngân hàng sẽ là thách thức lớn.
Dẫu còn nhiều khó khăn/thách thức nhưng tôi tin rằng, với nền tảng đã xây dựng được qua các năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua năm 2023 với những kết quả ấn tượng.
Với thị trường chứng khoán, đây là “hàn thử biểu của nền kinh tế”, do vậy, các tín hiệu trên thị trường này thường đi trước nền kinh tế thực từ 3 đến 6 tháng. Với kịch bản tốt nhất chúng tôi đưa ra, đó là: kinh tế toàn cầu khởi sắc vào cuối quý II/2023 hoặc trong cuối quý III/2023, khi lạm phát tại các quốc gia lớn bắt đầu giảm, FED tăng lãi suất chậm dần hoặc dừng tăng, sức cầu mua sắm hàng hóa trên thế giới tăng trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi vào cuối quý I/2023 hoặc trong quý II/2023.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi cho rằng thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Bởi lẽ, để xử lý các vấn đề nội tại hiện nay của thị trường sẽ cần nhiều thời gian. Chỉ khi nào niềm tin quay trở lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới hồi phục. Do vậy, việc đàm phán và xử lý nợ trái phiếu giữa các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và đại diện chủ sở hữu trái phiếu (như đã nói ở trên) cần phải diễn ra nhanh và quyết liệt hơn. Khi các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 được xử lý ổn thỏa, có trật tự cộng với việc hành lang pháp lý cho thị trường được hoàn thiện thì niềm tin của các đầu tư trái phiếu quay trở lại. Khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi.
Về kinh tế vĩ mô nói chung, với độ mở của nền kinh tế rất lớn nên năm 2023 kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với các tác động tiêu cực từ bên ngoài (điều chỉnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cầu tiêu dùng suy giảm, xung đột địa chính trị kéo dài…), điều này sẽ khiến cho việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội giao ở mức 6,5% sẽ là một thách thức lớn. Do đó, để đạt được chỉ tiêu GDP đặt ra cho năm 2023, tôi cho rằng, Chính phủ cần giải quyết tốt 3 trụ cột: giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!