Mai xuân

Văn hóa - Ngày đăng : 16:00, 22/01/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mai vàng năm cánh trồng phổ biến ở các khu vực nông thôn từ miền Trung đến Nam Bộ nhờ khí hậu nhiệt đới ấm nóng quanh năm. Giống mai vàng năm cánh có thể phân thành hai loại là mai tứ quý và mai xuân. Ngoài ra còn có loại mai trắng thường gọi là bạch mai chỉ thấy xuất hiện ở các đình chùa, miếu mạo, ít thấy trồng tại gia đình …

 

Mai thuần chủng

Mai vàng năm cánh có kích cỡ nụ hoa, số cánh, số tầng và màu sắc thường không đẹp bằng các giống mai hiện có như mai Huỳnh Tỷ, mai Giảo, mai Bình Định, mai Cửu Long... Tuy nhiên, giống mai vàng thuần chủng chưa lai ghép lại có ưu điểm là sống lâu năm, có thể to lớn thành mai cổ thụ, chúng sinh trưởng rất mạnh, ít bị sâu bệnh tấn công…

Giống mai năm cánh có thể sống được hơn một trăm năm tuổi, nếu được chăm sóc tốt và môi trường sống phù hợp. Với những cây mai cổ thụ như vậy, bộ gốc lớn và cao đến 4 - 5 mét, trông giống cây cổ thụ lưu niên và không ẻo lả như tên gọi của nó. Đến mùa xuân hoa vàng rực cả một góc trời …

Chính vì muốn đón xuân vui Tết với một khối vàng rực rỡ đó nên ngày xưa ở các vùng thôn quê, nhiều gia đình có những cây mai hằng trăm năm tuổi. Vào mùa xuân hoa mai nở vàng rực khắp xóm làng, hương vị ngày tết tăng thêm gấp nhiều lần... Giống mai vàng năm cánh, suốt năm tán lá xanh tốt, chỉ đến tháng chạp thì lá trên cây mới trở nên vàng úa và rơi rụng hết. Đó cũng là mùa thay lá của hoa mai, là tín hiệu Xuân về, Tết đến...

Giống mai sẻ

Mai Sẻ là giống hoa có năm cánh vàng lợt. Tuy hoa nhỏ, màu sắc không đẹp, nhưng có ưu điểm được ưa thích vì nở rất nhiều hoa vào mùa xuân. Cành nhánh nào cũng ra chi chít những hoa. Nhiều gia đình nông thôn thích trồng giống mai này. Ngày nay, mai Sẻ vẫn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn nước ta (trừ miền Bắc).

Người miền Nam rất thích hoa mai nở nhiều vào dịp đầu năm mới. Họ cho rằng như vậy mới “hên” và nhiều may mắn. Đầu năm được chúc “tiền vô như nước, hoặc “hạnh phúc tràn đầy” thì chắc chắn ai ai cũng thích. Tương tự xuân mới mà được ngắm những cành mai ngập hoa vàng thì đó là điềm lành.

Giống mai Sẻ còn có ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi, ít bị sâu bệnh và sống lâu đến cả trăm năm tuổi. Nếu gặp môi trường sống tốt, có thể giống mai này trở thành mai cổ thụ rất quý.

Giống mai trâu

Mai Trâu có hoa vàng năm cánh như mai Sẻ, tuy nhiên mai Trâu có ưu điểm nổi bật hơn là đóa hoa to gấp rưỡi hoa của cây mai Sẻ. Hoa mai Trâu cánh vừa lớn vừa dày, màu sắc vàng nghệ, tươi tắn hơn mai Sẻ. Bên cạnh ưu điểm đó, mai Trâu trổ ít hoa hơn mai Sẻ. Hai giống mai trồng cùng thời điểm khi ra hoa mai Trâu chỉ bằng khoảng một nửa hoa mai Sẻ.

Giống mai Trâu được nhiều người thích trồng, vì tuy hoa không nhiều nhưng lại rất đẹp. Hoa nào ra hoa nấy, nhìn rất thích. Mai Trâu cũng dễ trồng và cũng sống “thọ” như giống mai Sẻ. Khi đặt tên giống mai, có lẽ các cụ nhà ta đã nhắm vào kích cỡ hoa của mỗi giống. Hai giống mai vàng năm cánh trên được coi là giống lâu đời nhất và được nhiều người thích trồng.

Với tiến bộ khoa học trồng trọt hiện nay, trên thị trường nước ta xuất hiện nhiều giống mai vàng năm cánh lai ghép như: hoa mai cánh tròn và hoa mai cánh dún. Mai cánh tròn có đóa hoa lớn như mai Trâu, màu vàng rực, vừa to vừa tròn, tạo được nét đặc trưng khác lạ. Mai cánh dún cũng có đóa to và màu sắc giống mai cánh tròn. Điều khác lạ đối với giống mai này là cả năm cánh hoa không trơn láng, ngoài rìa dún dợn sóng như lá rau diếp trông hấp dẫn, lạ mắt ...

Hoa mai Giảo

Khoảng vài chục năm trở lại đây, nhờ vào kỹ thuật nhân giống, lai tạo của nhiều thế hệ người trồng hoa kiểng tài hoa, chúng ta đã có thêm nhiều giống mai quí hiếm như: mai Giảo, mai Huỳnh Tỷ, mai Cửu Long, mai An Nhơn Bình Định.... Những giống mai này tuy cũng là hoa mai vàng nhưng tùy giống mà nụ hoa có số lượng cánh hoa nhiều hay ít, cánh hoa xếp thành nhiều tầng khác nhau. Mai Giảo Thủ Đức, hoa có 12 cánh, xếp thành hai tầng. Mai Huỳnh Tỷ là do nghệ nhân hoa kiểng Huỳnh Văn Tỷ có công lai tạo ra. Hoa mai Huỳnh Tỷ có đến 24 cánh. Xếp thành ba tầng theo đúng thứ lớp đều đặn rất khéo léo. Còn mai Cửu Long xuất xứ tại tỉnh Tiền Giang, mỗi đóa có 24 cánh, và cũng được xếp thành 3 tầng. Mai Cúc có xuất xứ tại Quận Thủ Đức Sài Gòn, mỗi đoá có 24 cánh và cũng được lấp thành 3 tầng. Có điều đặc biệt của giống mai này là những cánh hoa xếp ở tầng trên cùng đều tạo những nếp xoăn giống như hoa cúc và màu hoa cũng vàng lợt như màu hoa cúc. Vì có những đặc điểm như vậy nên giống mai lai tạo này được gọi là mai Cúc. Có thể nói, hiện ở nước ta có nhiều giống hoa mai rất đẹp, rất lạ lẫm, thế nhưng khi nói đến mai xuân, mọi người Việt Nam đều hình dung bông “hoa mai vàng năm cánh”.

Bạch mai (hoa mai trắng)

Nước ta có một số giống mai nổi tiếng đẹp và lạ, nhưng lại ít được gieo trồng. Một trong các giống mai ấy là Bạch Mai. Đúng như tên gọi, cây Bạch Mai trổ hoa màu trắng, xuất hiện từ lâu đời. Theo những tài liệu sách báo xưa còn lưu lại thì cách đây khoảng 67 năm tại khuôn viên Phụng Sơn Tự còn gọi là chùa Gò ở miệt Phú Lâm (thuộc Sài Gòn) còn sót lại mấy cây Bạch Mai cổ thụ đến mùa ra hoa rất đẹp. Có một số nhà sư từ các chùa xa gần đến thu nhặt một số hạt giống mang về ươm, nhưng kết quả không nơi nào được như ý, vì thế chúng bị ít dần và có nguy cơ tiệt giống…

Theo tâm linh tín ngưỡng của người Việt thì màu trắng, đen, xám... đều ít được sử dụng trong ngày Tết. Chỉ có màu đỏ, màu vàng (mà phải là vàng sậm tươi tắn) mới được mọi người ưa chuộng, cho là màu đem lại sự may mắn trong ba ngày Xuân…

Nguyễn Tấn Tuấn