Xuân về và dấu ấn kiều hối
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:38, 21/01/2023
Kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHTW. Tuy nhiên, đây là nguồn lực từ tích lũy, từ tiết kiệm và thu nhập của kiều bào, của người lao động nước ngoài gửi về. Vì vậy, ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối; về lao động nước ngoài; về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc.
Những khó khăn do đại dịch, do khủng hoảng kinh tế, do xung đột địa chính, do lạm phát… trên thế giới được phản ánh rất rõ qua sự biến động của nguồn kiều hối chuyển về qua từng năm. Theo đó năm 2022, lượng kiều hối chuyển về chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 6,603 tỷ USD (số liệu chính thức), giảm 6,67% so với năm 2021. Nguyên nhân chính chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế… tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể và đặt trong mối liên hệ so sánh hằng năm, cũng như lượng kiều hối của cả nước – kiều hối chuyển về thành phố TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 vẫn là con số ấn tượng; kiều hối chuyển về chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố. Đây là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2022, năm phục hồi sau đại dịch.
Về mặt quy mô so với cả nước, kiều hối chuyển về thành phố TP. Hồ Chí Minh trong năm chiếm trên 50% so với cả nước. Đây cũng là con số ấn tượng, ngoài yếu tố kiều bào có quê hương, gia đình ở thành phố, thì môi trường đầu tư, việc đang là trung tâm tài chính năng động và lớn nhất của cả nước, cùng với tiện ích và hiệu quả của hệ thống chi trả kiều hối… cũng trở thành động lực chính thu hút kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm.
Kiều hối ở nước ta có đặc điểm mang yếu tố giá trị tinh thần, giá trị nhân văn to lớn, thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước và tình cảm gia đình, là nội lực ý nghĩa và không giới hạn để kiều bào người dân gửi ngoại tệ về nước. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao: cả chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn Tết. Chẳng hạn, riêng công ty kiều hối Sacombank thống kê trong thời điểm gần tết, lượng kiều hối chuyển về (cả doanh số và số món) tăng mạnh so với cùng kỳ tết âm lịch năm 2022, tăng trên 50%. Đây là con số ấn tượng. Bên cạnh đó, trong những ngày qua, các cửa khẩu, sân bay quốc tế luôn chật kín người về quê ăn tết, là một niềm vui, một cảm xúc dâng trào, Không chỉ là niềm vui sum họp, niềm vui ngày Tết mà cùng với đó, cảm xúc mùa xuân cũng được lan tỏa gắn với ý nghĩa kinh tế từ nguồn lực kiều hối mà kiều bào mang trực tiếp về. Đây cũng là nguồn lực không nhỏ mỗi khi dịp Tết đến xuân về.
Kiều hối chuyển về mỗi dịp Xuân về là những tinh cảm gửi gắm từ trái tim của mỗi người dân gốc Việt, của kiều bào và người lao động ở nước ngoài gửi về cho nhân thân, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang ý nghĩa kinh tế , từ đây nguồn kiều hối góp phần xây dựng thành phố, xây dựng đất nước. Chúng ta tự hào và tiếp tục phát huy tinh thần đó, cùng với sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.