Hiệp hội Ngân hàng sát cánh cùng các tổ chức hội viên vượt qua thách thức năm 2023
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 09:05, 22/01/2023
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng |
Phóng viên: Năm 2022 đã đi qua, thời điểm này khi nhìn lại hoạt động của các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng trong năm, ông có những chia sẻ gì?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Năm qua, ngành Ngân hàng đối diện nhiều khó khăn, thách thức với diễn biến phức tạp khó lường ở cả trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, tăng vốn điều lệ, chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro.... Chính vì vậy, năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố, chất lượng quản trị điều hành từng bước được nâng cao tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Đến nay đã có 20 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn Basel II, trong đó có 16 ngân hàng đã công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị hướng tới chuẩn Basel III. Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu. Đặc biệt, khi thị trường vốn có vấn đề các TCTD vẫn đảm bảo thanh khoản, giữ được niềm tin của người gửi tiền.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2022, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng khách hàng doanh nghiệp khác nhau, như: giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới với mức giảm lãi suất từ 0,1 - 3,0%.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi cho vay với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm; ngoài ra thực hiện kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã cam kết đồng thuận lãi suất huy động VND không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 2%/năm tùy từng khả năng tài chính của các TCTD để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Trong năm 2022, các TCTD cũng tập trung vốn cho vay các khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đồng thời, triển khai nghiêm túc Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước….
Phóng viên: Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Ngân hàng đã thể hiện vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Với vai trò cầu nối, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đã kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh để góp ý, xây dựng, kiến nghị sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp với các TCTD hội viên nhằm đồng thuận lãi suất huy động, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh |
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về giảm mặt bằng lãi suất, cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong các ngày 7/12/2022 và ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các TCTD hội viên để cùng thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đồng thuận thực hiện nghiêm túc cam kết và thông báo công khai việc điều chỉnh giảm mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm và giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5% so với trước, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm theo như cam kết.
Hiệp hội Ngân hàng cũng tích cực và có trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần đưa các quy định của cơ quan quản lý nhà nước sát hơn với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các tổ chức hội viên trong quá trình thực hiện. Các ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng được các cơ quan quản lý quan tâm, coi trọng, nhiều ý kiến đã được tiếp thu.
Trong năm qua, Hiệp hội Ngân hàng luôn đồng hành cùng các tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng -
Hiệp hội cũng thường xuyên có tiếng nói khách quan với các cơ quan có thẩm quyền trong các bản án/quyết định chưa phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hội viên; đồng thời, chủ động phối hợp Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp,… tổ chức thành công các hội thảo trao đổi về vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD và tìm ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD.
Có thể nói trong năm qua, Hiệp hội Ngân hàng luôn đồng hành cùng các các tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, song cũng kêu gọi hội viên nói chung và các ngân hàng nói riêng tuân thủ theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Phóng viên: Với những nền tảng đã đạt được, cùng với những dự báo kinh tế trong và ngoài nước, ông có nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng nói chung, các tổ chức hội viên của Hiệp hội nói riêng trong năm 2023?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Bước sang năm 2023, ngành Ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Hơn nữa, ngành Ngân hàng đối diện với những khoản nợ tái cơ cấu khi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nợ xấu có thể tăng cao, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các dự báo đều chỉ ra rằng, kinh tế thế giới nói chung sẽ gặp nhiều thách thức bởi tình trạng lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Trong nước, đơn đặt hàng của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm mạnh. Những yếu tố này đều tác động đến ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng.
Các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn có hiệu quả |
Trước tình hình đó, tôi cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường huy động vốn, tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế phát sinh nợ xấu. Có như vậy, mới đảm bảo được an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Để tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức hội viên, xin ông chia sẻ những định hướng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2023?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Như đã nêu ở trên, năm 2023 dự báo sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhiều rủi ro hiện hữu. Để cùng các tổ chức hội viên vượt qua thách thức, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực tập trung tham gia góp ý hoàn thiện các cơ chế chính sách như: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); kiến nghị ban hành Luật Xử lý nợ xấu hoặc bổ sung các điều khoản trong các quy định có sẵn để đảm bảo cho hoạt động xử lý nợ xấu…
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; rà soát, làm rõ các thông tư liên quan đến hoạt động ngân hàng để đảm bảo các tổ chức hội viên hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả; tiếp tục tham gia, đóng góp bổ sung sửa đổi các luật như: Luật đất đai; Luật kinh doanh nhà ở; phối hợp tổ chức triển khai khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thông qua...
Để cùng các tổ chức hội viên vượt qua thách thức, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực tập trung tham gia góp ý hoàn thiện các cơ chế chính sách.
- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng -
Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức/liên kết tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách gặp phải trong quá trình hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông qua các kênh truyền thông chính thức của Hiệp hội.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức chuyên ngành; phổ biến các chính sách mới, đặc biệt là các thông tư, nghị định, các tình huống thực tiễn trong hoạt động...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!