Quyết liệt thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 08:40, 27/01/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách, đặc biệt là các chính sách tài khóa, thuế phí, tiền tệ... qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

233 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đó đặc biệt chú ý các chính sách tài khóa, thuế phí. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Sau đó, Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định cụ thể chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói trên, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn để có cơ sở triển khai sớm các chính sách hỗ trợ trong năm 2022.

Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Dự kiến giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.

Đi cùng chính sách tài khóa, thuế phí không thể không nhắc tới vai trò của chính sách tiền tệ. Theo đó, ngành Ngân hàng đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống; tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, tham gia triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại một số tỉnh, thành phố. Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trong đó tập trung vào khách hàng mua nhà để ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà thương mại giá rẻ đáp ứng nhu cầu thực của người dân...

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đó đặc biệt chú ý các chính sách tài khoá, thuế phí

Cùng với những chính sách hỗ trợ, Chính phủ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Luôn ưu tiên chú trọng cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.

Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính liên tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc, với  99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử. Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt; đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Qua đó, đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số mạnh mẽ.

Được biết, 100% thủ tục hành chính liên quan thuế, hải quan thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao.

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân

Trong quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đã làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhằm thông tin về các thay đổi chính liên quan chính sách và thủ tục hành chính trong hai ngành thuế và hải quan, trao đổi và tìm giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Sự đối thoại giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp tạo ra cơ hội chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.

Năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Chính phủ cần theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp, tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí sắp được ban hành trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao tay nghề cho người lao động, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật và các cam kết trong các FTA Việt Nam tham gia, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khai thác các cam kết, tận dụng tốt các cơ hội và chuẩn bị hiệu quả hơn trước các thách thức từ các FTA. Đồng thời, kết nối mở các thị trường mới cho hàng xuất khẩu, trợ giúp doanh nghiệp hội nhập…

Bùi Trang (ghi)