Cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong năm 2023
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:36, 29/01/2023
|
Năm 2022 - một năm đầy biến động đối với nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng Việt Nam nói riêng với những gam màu sáng và trầm đan xen. Khởi đầu năm, kinh tế toàn cầu có những hiệu ứng tích cực từ việc mở cửa nền kinh tế hậu COVID, tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo theo một loạt ảnh hưởng lên thị trường thế giới, như: giá dầu và lương thực gia tăng, lạm phát tăng nhanh khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và hầu hết các ngân hàng trung ương các nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều này đã khiến nhiều nền kinh tế giảm tăng trưởng và đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Kinh tế Việt Nam năm qua cũng không tránh khỏi sức ép từ các biến động kinh tế toàn cầu đó, với việc gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Tuy nhiên, với sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ linh hoạt từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kinh tế Việt Nam chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và được nhận định là một điểm sáng trong khu vực, với tăng trưởng năm 2022 ở mức 8,02%. Trong bối cảnh kinh tế chung nhiều thách thức, ngành Ngân hàng Việt Nam với sự quản lý và điều hành của NHNN cùng khả năng thích ứng nhanh chóng của các ngân hàng thương mại đã tiếp tục tăng trưởng về quy mô hoạt động và năng lực tài chính, tín dụng gia tăng trở lại do nhu cầu tiêu dùng được khôi phục lại sau đại dịch, tiếp sức bởi chính sách hỗ trợ lãi suất theo các định hướng của Chính phủ. Bên cạnh đó, năm 2022 cũng ghi nhận sự bùng nổ của hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, khối lượng giao dịch ngân hàng trực tuyến và thanh toán điện tử gia tăng mạnh, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc có kế hoạch xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Ngoài ra, các vấn đề như tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển nguồn nhân lực hướng tới các kỹ năng của tương lai, thực hành các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng là các chủ đề được quan tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022.
Bên cạnh những điểm tích cực, trong nửa cuối năm 2022, ngành Ngân hàng cũng phải đương đầu với các thách thức đáng kể về thiếu hụt thanh khoản thị trường do lãi suất được điều chỉnh tăng để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, cũng như hiệu ứng của việc xử lý một số vụ việc vi phạm liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp. Điều này khiến cho NIM và đà tăng trưởng của các ngân hàng đang có xu hướng chững lại, đồng thời tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Ở mỗi ngân hàng cụ thể, những thách thức này là phép thử đối với độ vững vàng của khung quản trị doanh nghiệp, mức độ chuyên nghiệp trong công tác quản lý rủi ro và chất lượng an toàn vốn.
Cơ hội và thách thức nào chờ đón ngành ngân hàng trong năm 2023?
Năm 2023 được dự đoán tiếp tục là một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, trước tiên chúng ta hãy nhìn vào các cơ hội mà các ngân hàng có thể nắm bắt:
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt với động thái nới room tín dụng vào ngày 5/12/2022 của NHNN lên 1,5 - 2% cũng như việc tiếp tục thực hiện Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 của Quốc hội và Chính phủ .
Thứ hai, dòng chảy vốn nhàn rỗi tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thực dương, trong khi các kênh đầu tư khác có nhiều thách thức về niềm tin của nhà đầu tư.
Thứ ba, năng lực số hóa của các ngân hàng có nhiều tiềm năng tiếp tục được cải thiện thông qua khả năng khai thác các ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất như: AI, máy học, điện toán đám mây, Blockchain, không ngừng góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy các sản phẩm tài chính mới.
Phát triển bền vững thông qua ESG sẽ là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam |
Cuối cùng, phát triển bền vững thông qua chương trình ESG sẽ là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam, minh chứng thông qua dòng vốn đầu tư đổ vào các doanh nghiệp có xây dựng các tiêu chuẩn ESG mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện các quy định để triển khai các tiêu chuẩn ESG.
Đi kèm các cơ hội sẽ là những thách thức chính đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải nhận diện và quản trị hiệu quả:
Thứ nhất, tín dụng khởi sắc tiềm ẩn nguy cơ tăng trưởng nóng đi kèm rủi ro nợ xấu gia tăng và hiệu quả thấp do dự phòng rủi ro tăng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (124% vào cuối năm 2021, mức cảnh báo tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô).
Thứ hai, gia tăng các rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng ưa thích của tội phạm công nghệ với tần suất, quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn.
Thứ ba, áp lực về tăng vốn vẫn tiếp tục trong ngành Ngân hàng để đảm bảo các chỉ số an toàn trong khi các điều kiện tăng vốn không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế đang còn trong quá trình phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo chậm lại ở mức 6,0 – 6,5%, thách thức về tỷ giá và lãi suất vẫn còn lớn.
Cuối cùng, tốc độ phát triển nhanh chóng của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (công ty Fintech cung cấp hoặc hợp tác cung cấp các hoạt động ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng…) có thể tạo ra các thách thức trong công tác giám sát của cơ quan quản lý như: vấn đề đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi người tiêu dùng, nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố… cũng như vấn đề đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng truyền thống và công ty Fintech do khung pháp lý toàn diện, cụ thể để quản lý hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đang còn trong quá trình xây dựng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trở thành vấn đề cốt lõi của các ngân hàng trong năm 2023 và các năm tiếp theo
Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, cơ hội bứt phá sẽ dành cho những ngân hàng năng động và dám đương đầu. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trở thành vấn đề cốt lõi của các ngân hàng trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Các ngân hàng có thể cân nhắc tập trung hành động vào 4 lĩnh vực sau:
Tiếp tục xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số: Chuyển đổi số vẫn là yếu tố trọng tâm và điều kiện bắt buộc trong chiến lược định vị thương hiệu hướng tới khách hàng và cải thiện năng lực cạnh tranh của bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, các ngân hàng cần xác định chuyển đổi số là chiến lược dài hạn và cần nguồn lực đầu tư lớn, vì vậy, cần sự chuẩn bị kỹ càng và thiết lập các yếu tố nền tảng như kiến trúc kỹ thuật, dữ liệu, chuyển đổi quy trình vận hành, chuyển đổi nguồn nhân lực để đảm bảo thành công và hiệu quả.
Tăng cường năng lực quản trị rủi ro và vốn toàn diện: Chuyển đổi số mang đến cho các ngân hàng cơ hội tập hợp một lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích, xây dựng các mô hình thuật toán dựa trên dữ liệu nhằm dự báo và ước tính các giá trị phục vụ cho việc ra quyết định như cho vay, định giá, đo lường rủi ro… Tuy nhiên, đi cùng quá trình này, rủi ro an toàn CNTT, dữ liệu cá nhân cũng ngày càng gia tăng đồng thời cũng dẫn đến phát sinh những rủi ro mới nổi như rủi ro mô hình trong việc ứng dụng mô hình hóa dữ liệu, rủi ro chiến lược, rủi ro uy tín…. Vì vậy, cùng với hành trình chuyển đổi số, các ngân hàng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện khung quản trị rủi ro công nghệ, khung quản trị rủi ro mô hình, khung quản trị dữ liệu và tích hợp hiệu quả các năng lực này trong công tác quản lý rủi ro toàn hàng.
Ngoài ra, việc đảm bảo kế hoạch vốn và bộ đệm an toàn vốn phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có những rủi ro tiềm ẩn từ thị trường tài chính và sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng là một khía cạnh trọng tâm trong chiến lược của các ngân hàng, không chỉ cho mục đích tuân thủ mà còn cho mục đích quản trị nội bộ, tăng cường khả năng ứng phó với các điều kiện bất lợi của thị trường.
Tiên phong trong xây dựng và triển khai chương trình ESG: Đưa các tiêu chuẩn quản trị ESG vào khuôn khổ cấp tín dụng và quản lý tín dụng, cơ cấu lại danh mục tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm năng lượng xanh, tạo ra các sản phẩm tín dụng mới gắn với phát triển bền vững tại các doanh nghiệp vay vốn và hướng tới các nguồn vốn mới như trái phiếu xanh, không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tương lai. Việc công bố các báo cáo phát triển bền vững cũng như việc ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình làm giảm mức tiêu thụ carbon, các cam kết về chống lãng phí năng lượng… trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thể hiện trách nhiệm cộng đồng, từ đó giúp tăng cường niềm tin của khách hàng với những ngân hàng đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực với các kỹ năng của tương lai: Cùng với quá trình chuyển đổi số cũng như triển khai các chương trình phát triển bền vững, việc xây dựng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ để thực thi chiến lược và vận hành thành công nên là ưu tiên trong chương trình hành động của các ngân hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi các kỹ năng chuyên biệt như quản trị dữ liệu và phân tích dữ liệu, quản trị rủi ro công nghệ, an ninh mạng, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, rủi ro mô hình, ESG….
Để đương đầu với các thách thức và nắm bắt các cơ hội tốt hơn không thể thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN thông qua các biện pháp điều tiết nền kinh tế và tạo lập hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả đối với một số nội dung sau:
Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động Fintech: Sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, chịu giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm và có cơ chế phòng ngừa hạn chế rủi ro phát sinh các quy định này được kỳ vọng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như đảm bảo các vấn đề an ninh mạng, quyền riêng tư dữ liệu.
“Xanh hóa” ngành tài chính ngân hàng: Đưa ra các quy định về ESG trong quản trị ngân hàng, phát triển các công cụ tài chính như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cung cấp các biện pháp khuyến khích đối với cả phía ngân hàng cấp tín dụng và doanh nghiệp vay vốn về thực thi các cam kết ESG với các báo cáo ESG minh bạch, khuyến khích các sản phẩm ngân hàng sáng tạo hướng tới một thị trường tài chính xanh.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về giám sát hoạt động ngân hàng theo các chuẩn mực tiên tiến của Basel và các thông lệ quốc tế: Trong đà đổi mới các quy định về giám sát ngân hàng những năm gần đây, việc hoàn thiện những quy định an toàn và quản trị rủi ro theo các chuẩn mực tiên tiến hơn trong các lĩnh vực như tính toán vốn theo phương pháp nâng cao; các chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản theo Basel III (LCR, NSFR), quản trị dữ liệu, khung quản trị rủi ro CNTT, và khung quản trị rủi ro mô hình sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đổi mới công tác quản trị rủi ro hỗ trợ thực thi chiến lược chuyển đổi số, trong một môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi.