FED theo hướng tăng lãi suất vừa phải vào tháng 2 tới
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 07:24, 24/01/2023
Các quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chuẩn bị bàn luận việc giảm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp thứ hai liên tiếp và tranh luận về việc tăng lãi suất bao nhiêu sau khi có thêm niềm tin rằng lạm phát sẽ giảm hơn nữa trong năm nay.
Họ có thể bắt đầu thảo luận trong 2 ngày, 31/1 và 1/2 sau khi thu thập các số liệu về tình hình lao động, chi tiêu và lạm phát trước khi quyết định ngừng tăng lãi suất.
Trong các tuyên bố và phỏng vấn công khai gần đây, các quan chức FED đã nói rằng việc giảm tốc độ tăng lãi suất xuống theo mức truyền thống là 0,25 điểm sẽ giúp họ có thêm thời gian để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất cho đến thời điểm trước khi quyết định điểm dừng.
Các quan chức kêu gọi chú ý đến việc cần có thời gian như thế nào để có được tác động đầy đủ từ việc lãi suất cao hơn nhằm hạ nhiệt hoạt động kinh tế khi giảm xuống mức tăng lãi suất 0,5 điểm vào tháng 12, sau 4 lần tăng liên tiếp 0,75 điểm.
Phó Chủ tịch FED Lael Brainard cho biết trong bài phát biểu tuần trước: “Logic đó rất có thể áp dụng cho hiện nay. Việc tăng lãi suất theo từng bước nhỏ hơn “cho chúng tôi khả năng tiếp thu nhiều dữ liệu hơn... và có lẽ sẽ tốt hơn ở mức đủ hạn chế”.
Để chống lại lạm phát cao vào năm ngoái, FED đã thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980, nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên 4,25 điểm phần trăm. Mức tăng một phần tư điểm vào tháng tới (nếu được quyết định như vậy) sẽ đưa lãi suất này lên khoảng từ 4,5% đến 4,75%.
Hầu hết các quan chức của FED hồi tháng 12 vừa rồi đều dự đoán lãi suất sẽ tăng lên mức cao nhất trong khoảng từ 5% đến 5,25%. Điều đó có nghĩa là sẽ có 2 lần tăng thêm 1/4 điểm nữa sau đợt tăng có thể xảy ra vào tháng tới. Theo CME Group, các nhà đầu tư trên thị trường tương lai kỳ vọng FED sẽ thực hiện hai lần tăng 1/4 phần tư điểm — tại cuộc họp sắp tới và một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo của FED vào giữa tháng 3.
Fed đã tăng lãi suất 7 lần vào năm ngoái. Quyết định có khả năng phê duyệt một mức tăng nhỏ hơn vào tháng 2 phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các quan chức rằng nền kinh tế đang đáp ứng những nỗ lực của họ nhằm kiềm chế nhu cầu và giảm lạm phát.
Trong những tuần gần đây, dữ liệu của chính phủ và các cuộc khảo sát kinh doanh đã chỉ ra sự sụt giảm mạnh hơn trong hoạt động sản xuất và các đơn đặt hàng mới cho các công ty trong lĩnh vực dịch vụ cũng như sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa.
Việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương nhằm mục đích làm chậm lạm phát bằng cách giảm nhu cầu, “và có nhiều bằng chứng cho thấy đây chính xác là những gì đang diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh,” Thống đốc FED Christopher Waller, người ủng hộ cho việc tăng lãi suất sớm và mạnh vào năm ngoái cho biết ông sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất một phần tư điểm trong cuộc họp sắp tới.
Bộ Thương mại sẽ công bố trong tuần này số liệu tháng 12 về chỉ số giá chi tiêu cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của FED. Không bao gồm giá lương thực và năng lượng, cái gọi là chỉ số PCE cốt lõi có khả năng tăng 4,5% so với một năm trước đó và ở mức 3,1% tính theo năm.
Tại cuộc họp sắp tới, các quan chức có thể cân nhắc về hai câu hỏi quan trọng: Mất bao lâu để tác động đầy đủ của việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động và nhu cầu kinh tế tổng thể? Và lạm phát có thể chậm lại bao nhiêu do các yếu tố khác như giảm bớt tắc nghẽn chuỗi cung ứng hoặc giảm chi phí nhiên liệu và các hàng hóa khác?
Một số quan chức có thể kêu gọi trì hoãn việc tạm dừng tăng lãi suất nếu nền kinh tế không suy yếu nhiều trong những tháng tới. Họ cho rằng khoảng thời gian từ khi FED tăng lãi suất đến khi làm chậm lại nền kinh tế là tương đối ngắn và nền kinh tế sẽ sớm cảm thấy tồi tệ nhất do bất kỳ sự suy giảm nào do chính sách gây ra.
Những người khác có thể tranh luận về việc tạm dừng sớm hơn một chút, tin rằng các hiệu ứng mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng hoặc có thể mạnh mẽ hơn.
Đã có những sự chia rẽ về quan điểm. Chủ tịch FED tại St. Louis, James Bullard gần đây cho biết ông muốn tăng lãi suất nửa điểm trong cuộc họp sắp tới vì ông không nghĩ rằng lãi suất đủ cao để vượt qua lạm phát một cách triệt để.
Một số đồng nghiệp của ông đã lập luận về sự linh hoạt hơn để xem liệu việc nới lỏng các gián đoạn liên quan đến đại dịch và chiến sự có khiến lạm phát giảm nhanh hơn hay không.
Các quan chức FED từ lâu đã kỳ vọng lạm phát sẽ giảm khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và gián đoạn thị trường hàng hóa giảm bớt, nhưng thay vào đó, lạm phát lại tăng trong nửa đầu năm 2022 trước khi đi ngang.
Lạm phát đã giảm trong ba tháng qua một phần do giá nhiên liệu và giá hàng hóa giảm, chẳng hạn như mặt hàng ô tô đã qua sử dụng. Có những dấu hiệu cho thấy giá thuê nhà tăng vọt và các chi phí nhà ở khác sẽ hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh nhu cầu giảm mạnh, mặc dù điều đó sẽ không xuất hiện trong các số liệu lạm phát chính thức cho đến cuối năm nay.
Do đó, Chủ tịch FED Jerome Powell và một số đồng nghiệp gần đây đã chuyển trọng tâm chú ý sang một nhóm nhỏ hơn các dịch vụ sử dụng nhiều lao động bằng cách loại trừ giá thực phẩm, năng lượng, chỗ ở và hàng hóa. Lạm phát trong danh mục đó là khoảng 4,4% trên cả cơ sở 12 và 3 tháng, tăng từ mức trung bình khoảng 2,3% trong giai đoạn 2010-2019.
Các quan chức tin rằng, danh mục đó có thể tiết lộ liệu chi phí tiền lương cao hơn có chuyển sang giá tiêu dùng hay không.
Nếu lạm phát dịch vụ cao bởi vì tiền lương đang tăng lên cùng với giá cả, như đã xảy ra trong những năm 1970, thì các quan chức FED sẽ muốn thấy việc tuyển dụng chậm hơn.
Nhưng nếu giá các dịch vụ như ăn uống tại nhà hàng, bảo hiểm xe hơi và vé máy bay tăng lên thay vì phản ánh gợn sóng hay tác động “truyền dẫn”, thì lạm phát dịch vụ có thể giảm nhanh hơn và không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường lao động đang suy yếu.
Sự suy giảm lạm phát gần đây, cùng với tác động có độ trễ của việc tăng lãi suất của FED có thể tiếp tục làm chậm nền kinh tế, “có thể mang lại một số đảm bảo rằng chúng ta hiện không trải qua vòng xoáy giá cả và tiền lương kiểu những năm 1970.
Các quan chức FED tháng trước đã điều chỉnh dự báo lạm phát trong năm nay cao hơn một phần do lo ngại rằng tăng trưởng tiền lương đang ở mức quá cao. Kể từ đó, các dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương đang chậm lại có thể là yếu tố nổi bật trong cuộc tranh luận về thời điểm tạm dừng.
Các quan chức sẽ có hai tháng nữa để xem xét một số chỉ số kinh tế được theo dõi rộng rãi, bao gồm cả việc tuyển dụng và lạm phát, trước cuộc họp ngày 21-22/3. Thước đo chi tiết về bồi thường cho người lao động, được gọi là chỉ số chi phí việc làm, sẽ được công bố vào ngày 31/1. Báo cáo có thể củng cố xác nhận rằng tăng trưởng tiền lương đã chậm lại vào cuối năm ngoái.