IMF điều chỉnh nâng dự báo kinh tế toàn cầu lên 2,9%

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 17:15, 01/02/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo mới công bố vào ngày 31/1/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh nâng dự báo kinh tế toàn cầu thêm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022. Dù vậy, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn trầm lắng và lạm phát tăng cao.

Nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu là do các ngân hàng trung ương (NHTW) phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục kìm hãm các hoạt động kinh tế.

Tại báo cáo này,  IMF đã xác định những yếu tố định hình triển vọng kinh tế, bao gồm:

Thứ nhất, nỗ lực kiềm chế lạm phát, xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc đã cản trở các hoạt động kinh tế năm 2022. Riêng hai yếu tố đầu sẽ tiếp tục chi phối tình hình kinh tế năm 2023.

Thứ hai, mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng GDP thực tế tại nhiều quốc gia đã tăng cao trở lại trong quý III/2022, bao gồm: Mỹ, khu vực đồng euro, các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) hàng đầu. Động lực của kết quả phục hồi kinh tế chủ yếu bắt nguồn từ những chuyển biến trên thị trường trong nước; bao gồm, tiêu dùng và đầu tư trong khu vực tư nhân tăng cao hơn kỳ vọng, trong khi thị trường lao động thắt chặt và các nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tài khóa.

Thứ ba, các hộ gia đình mở rộng hầu bao để đảm bảo nhu cầu hàng ngày, thôi thúc các doanh nghiệp tăng đầu tư để đáp ứng xu hướng phục hồi nhu cầu. Về phía cung, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và chi phí vận tải giảm dần đã góp phần giảm áp lực giá cả đầu vào, cho phép phục hồi những khu vực kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian trước đây như công nghiệp ô tô. Thị trường năng lượng thích ứng nhanh hơn so với kỳ vọng, mặc dù đời sống sinh hoạt đảo lộn và cuộc chiến tại Ukraine đã gây cú sốc rất lớn, nhất là tại các nước châu Âu.

Thứ tư, tuy nhiên, bước sang quý IV/2022, động lực phục hồi kinh tế tại nhiều nền kinh tế chủ chốt bắt đầu phai nhạt dần. Riêng kinh tế Mỹ vẫn phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng, do người dân tiếp tục mở rộng chi tiêu phần tiền đã được dành dụm trong thời kỳ Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp trong lịch sử, và có nhiều cơ hội việc làm. Trái lại, các chỉ số kinh tế cơ bản tại những nước khác nhìn chung đều có dấu hiệu giảm dần.

Thứ năm, trong quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm do COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ tại hầu hết các thành phố lớn và khu vực tập trung dân cư, đầu tư nhà đất tiếp tục sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng trầm lắng. Khó khăn kinh tế tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và giá cả trên toàn cầu.

Thứ sáu, mặc dù các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ đã bắt đầu gây tác động giảm nhu cầu và lạm phát, nhưng tác động đầy đủ của chính sách tiền tệ rất khó trở thành hiện thực trước năm 2024. Trong khi đó, lạm phát cơ bản dường như đã đạt đỉnh trong quý III/2022. Kể từ đó, giá năng lượng và các mặt hàng phi năng lượng có xu hướng hạ nhiệt; rõ nhất là tại Mỹ, khu vực đồng euro, Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, lạm phát lõi vẫn chưa lập đỉnh tại hầu hết các nước trên thế giới và vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Xu hướng lạm phát đã buộc các NHTW phải đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, và có nhiều khả năng phải tiếp tục tăng lãi suất chính sách thêm một thời gian.

Tại một số quốc gia (như Brazil) đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ, lạm phát lõi bắt đầu giảm dần. Các thị trường tài chính tương đối nhạy cảm trước những thông tin về lạm phát, với thị trường chứng khoán phục hồi sau khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các NHTW sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Do lạm phát cơ bản tại Mỹ đã đạt đỉnh và một số NHTW tăng lãi suất, giá USD bắt đầu giảm dần từ tháng 9/2022, mặc dù vẫn cao hơn so với năm trước. 

Thứ bảy, mặc dù cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra nhiều khó khăn chồng chất, nhưng kinh tế châu Âu năm 2022 vẫn tăng cao hơn kỳ vọng. Đà tăng này phản ánh tác động của chính sách tài khóa tại Liên minh châu Âu với mức trợ giá khoảng 1,2% GDP dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động của khủng hoảng năng lượng, cũng như động lực bắt nguồn từ các nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế. Giá khí đốt giảm sâu hơn kỳ vọng, mặc dù thiếu nguồn khí hóa lỏng và đường ống khí đốt từ CHLB Nga không còn hoạt động.

Tuy nhiên, tác động của các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế dường như đang phai nhạt dần, với dấu hiệu rõ rệt là công nghiệp chế tạo và hoạt động dịch vụ lại gặp nhiều khó khăn trong quý IV/2022, niềm tin của người tiêu dùng và tâm trạng kinh doanh có vẻ kém lạc quan hơn trước. Với mức lạm phát trên 10% tại Anh và một số nước châu Âu, tiềm lực tài chính của các hộ gia đình vẫn rất eo hẹp. Do các NHTW châu Âu đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ và tài chính, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và kéo theo những khu vực kinh tế khác.

Theo dự báo, GDP toàn cầu sẽ giảm từ kết quả tăng 3,4% trong năm 2022 xuống mức tăng trưởng 2,9% trong năm nay, sau đó phục hồi lên mức tăng 3,1% vào năm 2024. So với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022, GDP toàn cầu năm 2023 tăng thêm 0,2%, phản ánh sức chịu đựng đáng ghi nhận của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dự báo GDP toàn cầu năm 2023-2024 vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 3,8% trong giai đoạn 2000-2019. 

Kinh tế năm 2023 tăng thấp phản ánh tác động của các động thái tăng lãi suất để chống lạm phát tại các quốc gia trên thế giới, và cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra hàng loạt khó khăn cho các nước phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tại EMDEs được cho là đã chạm đáy trong năm 2022, riêng kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng tốc khi quốc gia này tái mở cửa nền kinh tế từ năm 2023. Trên toàn cầu, triển vọng kinh tế lạc quan từ năm 2024 phản ánh xu hướng phục hồi kinh tế sau tác động của cuộc chiến tại Ukraine và lạm phát giảm dần. Cùng với xu hướng sụt giảm nhu cầu, trao đổi thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến giảm xuống mức tăng 2,4%, mặc dù mức độ tắc nghẽn nguồn cung giảm dần, trước khi phục hồi lên mức tăng 3,4% vào năm 2024.

Khái quát về triển vọng kinh tế toàn cầu (%)

 

Thực tế và dự báo

Điều chỉnh (1)

 

2021

2022

2023

2024

2023

2024

GDP toàn cầu

6,2

3,4

2,9

3,1

0,2

-0,1

Các nước phát triển (AEs)

5,4

2,7

1,2

1,4

0,1

-0,2

Mỹ

5,9

2,0

1,4

1,0

0,4

-0,2

Khu vực đồng euro

5,3

3,5

0,7

1,6

0,2

-0,2

CHLB Đức

2,6

1,9

0,1

1,4

0,4

-0,1

CH Pháp

6,8

2,6

0,7

1,6

0,0

0,0

Italy

6,7

3,9

0,6

0,9

0,8

-0,4

Tây Ban Nha

5,5

5,2

1,1

2,4

-0,1

-0,2

Nhật Bản

2,1

1,4

1,8

0,9

0,2

-0,4

VQ Anh

7,6

4,1

-0,6

0,9

-0,9

0,3

Canada

5,0

3,5

1,5

0,0

-0,1

2,3

Những AEs khác (2)

5,3

2,8

2,0

2,4

-0,3

-0,2

Các EMDE

6,7

3,9

4,0

4,2

0,3

-0,1

Các EMDE châu Á

7,4

4,3

5,3

5,2

0,4

0,0

Trung Quốc

8,4

3,0

5,2

4,5

0,8

0,0

Ấn Độ

8,7

6,8

6,1

6,8

0,0

0,0

Các EMDE châu Âu

6,9

0,7

1,5

2,6

0,9

0,1

CHLB Nga

4,7

-2,2

0,3

2,1

2,6

0,6

Mỹ Latinh và Caribê

7,0

3,9

1,8

2,1

0,1

-0,3

Brazil

5,0

3,1

1,2

1,5

0,2

-0,4

Mêhicô

4,7

3,1

1,7

1,6

0,5

-0,2

Trung Đông và Trung Á

4,5

5,3

3,2

3,7

-0,4

0,2

Arập Xê út

3,2

8,7

2,6

3,4

-1,1

0,5

Cận Sahara châu Phi

4,7

3,8

3,8

4,1

0,1

0,0

Nigeria

3,6

3,0

3,2

2,9

0,2

0,0

CH Nam Phi

4,9

2,6

1,2

1,3

0,1

0,0

Liên minh châu Âu

5,5

3,7

0,7

1,8

0,0

-0,3

ASEAN-5 (3)

3,8

5,2

4,3

4,7

-0,2

-0,2

Trung Đông và Bắc Phi

4,1

5,4

3,2

3,5

-0,4

0,2

EMDEs trung bình (4)

7,0

3,8

4,0

4,1

0,4

0,0

Các nước thu nhập thấp

4,1

4,9

4,9

5,6

0,0

0,1

Thương mại toàn cầu (5)

10,4

5,4

2,4

3,4

-0,1

-0,3

Thương mại tại AEs

9,4

6,6

2,3

2,7

0,0

-0,4

Thương mại tại EMDEs

12,1

3,4

2,6

4,6

-0,3

0,0

Giá dầu (tính theo USD) (6)

65,8

39,8

-16,2

-7,1

-3,3

-0,9

Giá hàng hóa khác

26,4

7,0

-6,3

-0,4

-0,1

0,3

Giá tiêu dùng thế giới (7)

4,7

8,8

6,6

4,3

0,1

0,2

Tại AEs

3,1

7,3

4,6

2,6

0,2

0,2

Tại EMDEs (7)

5,9

9,9

8,1

5,5

0,0

0,2

Nguồn: IMF tháng 01/2023

  • (1) Tăng/giảm so với dự báo tháng 10/2022
  • (2) Không kể các nước G7 và khu vực đồng euro
  • (3) Bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan
  • (4) Bao gồm các nước mới nổi và thu nhập trung bình
  • (5) Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình
  • (6) Giá trung bình Brent, Dubai Fateh, và WTI
  • (7) Không tính Venezuela

Tại các nước phát triển, GDP được dự báo sẽ giảm từ kết quả tăng 2,7% trong năm 2022 xuống mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2023, trước khi phục hồi lên mức tăng 1,4% vào năm 2024. Đối với các EMDE, GDP được dự báo sẽ tăng nhẹ từ kết quả tăng 3,9% trong năm 2022 lên mức tăng trưởng 4,0% trong năm 2023 và tăng 4,2% vào năm 2024.

Mặc dù rủi ro đối nghịch đã giảm nhẹ từ tháng 10/2022, nhưng nguy cơ tăng trưởng thấp vẫn hiện hữu, chi phí đời sống quá cao. Điều này đòi hỏi các nước phải tập trung các biện pháp chống lạm phát, triển khai các công cụ thận trọng vĩ mô và củng cố khung khổ tái cơ cấu nợ. Để kiềm chế rủi ro nợ nần, các nước cần thu hẹp dần chính sách tài khóa mở rộng theo hướng chi tiêu có chọn lọc, tập trung trước hết vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.Tăng cường các nỗ lực hợp tác đa phương nhằm duy trì những thành quả đã đạt được trong hệ thống kinh tế đa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xuân Thanh