FED nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, báo hiệu sẽ chưa dừng lại

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 07:55, 02/02/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau cuộc họp chính sách định kỳ kéo dài hai ngày 30/1-1/2, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đồng thời không đưa ra dấu hiệu cho thấy lộ trình thắt chặt tiền tệ này sắp đi đến hồi kết.

Phù hợp với kỳ vọng của thị trường, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% đưa lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. 

Động thái này đánh dấu đợt nâng lãi suất lần thứ tám trong lộ trình thắt chặt tiền tệ bắt đầu từ tháng 3/2022. Bước tăng này theo sau mức 0,5% trong tháng 12 /2022 và bốn lần tăng 0,75% trước đó.

FED nâng lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 4,5-4,75%

FED kiên trì với quyết định tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980 tại Mỹ, bất chấp tình hình lạm phát có những dấu hiệu chậm lại gần đây.

Trong tuyên bố đưa ra sau quyết định nâng lãi suất, FOMC cho biết, “lạm phát đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn còn ở mức cao” và việc nâng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để đạt được chính sách tiền tệ đủ hạn chế để đưa lạm phát trở lại mức 2% theo thời gian. Đã có một chút điều chỉnh khi trong những tuyên bố trước đây, các quan chức sử dụng từ “tăng cao” để nói về tình hình lạm phát. Điều này cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng tin tưởng rằng áp lực giá cả đã đạt đỉnh.

“Thật hài lòng khi thấy lạm phát đang hạ nhiệt và chúng tôi tiếp tục nhận được dữ liệu thị trường lao động mạnh mẽ. Tuy nhiên, sẽ cần thêm nhiều bằng chứng để tin chắc rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”, Chủ tịch FED Jerome Powell nói trong cuộc họp báo sau quyết định.

Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo sau quyết định nâng lãi suất

Có thể thấy, các quan chức FED vẫn đang kiên quyết tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát, mặc dù số liệu gần đây cho thấy áp lực có thể đã giảm bớt. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước đó và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Con số này giảm từ mức đỉnh 9% hồi mùa hè, nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu của FED.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của FED, ghi nhận tăng 5% trong tháng 12, thấp hơn so với mức 5,5% ghi nhận trong tháng 11/2022. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Một dữ liệu khác về thị trường mới được công bố hôm 31/1 cho thấy chi phí lao động (ECI) của Mỹ - thước đo về tiền lương và phúc lợi, tăng 1% trong quý IV/2022, chậm hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Điều này tiếp tục cho thấy nhu cầu đã hạ nhiệt trong 3 tháng cuối cùng của năm 2022.

Hầu hết các thị trường tập trung vào cuộc họp chính sách tuần này để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy FED sẽ sớm kết thúc lộ trình tăng lãi suất, tuy nhiên hầu như không có tín hiệu nào cho kỳ vọng này.

Mặt khác, các nhà hoạch địch chính sách cho biết thêm, họ sẽ xác định “mức độ” tăng lãi suất trong tương lai dựa trên các yếu tố như tác động của các đợt tăng lãi suất cho đến nay, độ trễ chính sách và diễn biến của các điều kiện tài chính cũng như nền kinh tế. 

Tại cuộc họp định kỳ tháng 12, 17 trong số 19 thành viên FOMC dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 5% hoặc cao hơn trong năm nay. Không có dự báo mới nào được công bố lần này, nhưng có thể ông Powell sẽ coi những dự báo trước đó là kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách đối với mức lãi suất phù hợp.

Về nền kinh tế, FED đánh giá tăng trưởng vẫn đang “khiêm tốn”, dù vậy tỷ lệ thất nghiệp “vẫn ở mức thấp”. Đánh giá về thị trường việc làm đã loại bỏ cụm từ ám chỉ tăng trưởng việc làm “mạnh mẽ”. Các phần còn lại của tuyên bố vẫn giữ lại từ ngữ của các thông điệp trước đó.

Tăng trưởng việc làm được dự báo sẽ chậm lại còn 190.000 việc làm mới được tạo ra vào tháng trước từ mức 223.000 vào tháng 12 trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 3,5% lên 3,6%. Báo cáo chính xác sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 3/2.

Bên cạnh quyết định nâng lãi suất, FED cũng tiếp tục giảm số dư nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán. Kể từ tháng 6/2022, danh mục này đã giảm 445 tỷ USD khi FED thực hiện "hút bớt" khoảng 95 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) khỏi bảng cân đối kế toán mỗi tháng.

Quỳnh Dương