Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trong ngành giao thông
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 07:00, 04/02/2023
Chỉ thị nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Trong bối cảnh đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn. Kế hoạch vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước tới nay: 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022.
Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công được giao cho Bộ GTVT lớn nhất từ trước tới nay, đạt 94.161 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022. |
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2022; quán triệt thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhằm triển khai các dự án. Mục tiêu đáp ứng tiến độ, chất lượng, giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, bảo đảm công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị cần có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, đồng thời chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng các dự án ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án, báo cáo về Bộ qua Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Vụ Kế hoạch-Đầu tư để theo dõi, chỉ đạo.
Khẩn trương triển khai phân bổ dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án tại Quyết định số 1797 ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT theo đúng tiến độ yêu cầu.
Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng được yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ qua Vụ Kế hoạch-Đầu tư trong tháng 1/2023 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới. Đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Cùng đó, chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng...
Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện-giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực.
“Đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng công trình, coi việc bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án. Giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, phấn đấu đạt mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1513/2022 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Tại Chỉ thị 02, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư khẩn trương tham mưu Bộ giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đáp ứng đủ điều kiện giao kế hoạch.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (về trình tự, thủ tục triển khai kế hoạch, trình tự thủ tục thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn...) đối với các dự án phát hiện có vướng mắc, trì trệ trong công tác giải ngân.
Bên cạnh đó, chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch.
Đối với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (như dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, cầu Đại Ngãi...) và các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm. Nội dung kiểm tra gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kiểm điểm kết quả giải ngân kế hoạch của từng dự án, gói thầu.
Kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương, bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu vượt thẩm quyền xử lý của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Vụ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ quyết toán và chủ trì tham mưu quyết toán các dự án hoàn thành, làm cơ sở giải ngân đối với phần vốn chờ quyết toán. Phối hợp với Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan tham mưu khác của Bộ như Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện các thủ tục có liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư về đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng, khung tiêu chuẩn, thẩm định an toàn giao thông...