Nợ xấu tăng do đâu

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:13, 15/02/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, trong khi cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19 đã hết hiệu lực từ cuối tháng 6/2022.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu đang có chiều hướng tăng. Nợ xấu của Saigonbank tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12% cuối năm 2022. Tương tự, tại VietCapital Bank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022. Có ngân hàng tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% khi kết thúc năm 2022...

Việc nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, trong khi cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19 đã hết hiệu lực từ cuối tháng 6/2022.

no xau tang do dau

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều cơn gió ngược từ cả bên trong lẫn bên ngoài, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo, nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng. Cụ thể, nợ xấu nội bảng có thể ở mức trên 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng, theo TS. Lực, là do kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khó khăn hơn do đơn hàng giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp nhất là dệt may, da giày, điện tử, gỗ… dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

CTCK Yuanta Việt Nam cũng nhận định năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành sẽ tăng nhẹ lên 1,65% một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến việc thị trường bất động sản trầm lắng, các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt; và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.

Chung quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, nợ xấu chắc chắn tăng. Bởi, thứ nhất, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nên suy giảm khả năng trả nợ. Trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, rõ ràng hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu, vì vậy càng tác động tiêu cực lên khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Một số khoản nợ được tái cơ cấu do dịch Covid-19 có thể chuyển nhóm nợ xấu sẽ diễn ra rất nhanh, nếu như kinh tế chuyển biến tiêu cực. Thứ hai là gánh nặng lãi vay cao cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Trước đây lãi suất vay chỉ từ 8 đến 10%/năm giờ lên cao hơn sẽ làm vỡ kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả khó có thể chịu được mức lãi suất cho vay mới, đồng nghĩa với hoạt động sẽ càng thêm khó khăn và đứng trước nguy cơ không thể trả nợ cũ đúng hạn.

Trong bức tranh nợ xấu, bên cạnh ngân hàng có xu hướng tăng thì cũng có ngân hàng vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp dưới 1%, có thể kể đến Vietcombank, MB, ACB, Techcombank, BacABank, TPBank. Nhìn chung, bức tranh nợ xấu có sự phân hóa khá mạnh.

Cũng dự báo được kịch bản nợ xấu gia tăng nên nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Về vấn đề này, lợi thế thuộc về các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, tài chính tốt, có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank… Theo đánh giá của FiinRatings, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay NIM bị ảnh hưởng.

Nhưng với các ngân hàng tiềm lực tài chính khiêm tốn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng khó có thể cao được. Theo đó, khả năng xử lý nợ xấu cũng sẽ hạn chế. Để hạn chế nợ xấu phình ra, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng cần đánh giá lại các khoản vay để xem xét các ngành nghề và doanh nghiệp đang có vấn đề, cũng như thường xuyên cập nhật tình hình trả nợ khách hàng để có phương án xử lý kịp thời tránh bị động.

Ông Ngô Hoàng Hà – Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp Techcombank cũng thừa nhận, trong quý IV dư nợ nhóm 2 của Techcombank tăng do khách hàng có khó khăn tạm thời về dòng tiền. Tuy nhiên, với kế hoạch trả nợ mới và xu hướng dòng tiền thì Techcombank tin rằng khách hàng sẽ trả nợ theo đúng thời hạn mới và khoảng nợ này sẽ chuyển về nhóm 1 trong năm 2023.

Riêng trong hoạt động quản lý nợ xấu lĩnh vực bất động sản, đại diện ngân hàng cho biết, Techcombank làm việc với các doanh nghiệp phát triển bất động sản có tiềm lực mạnh, chủ động quản lý dòng tiền từ chủ đầu tư đến người mua cuối cùng, nên sẽ biết rõ khi nào khách hàng có dòng tiền về và trả nợ được bao nhiêu. Do đó, Techcombank không bị động trong việc khách hàng có trả nợ được hay không. “Điều quan trọng là Techcombank đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng cũng liên tục đưa ra các kịch bản của nền kinh tế về lãi suất, thanh khoản, những ảnh hưởng toàn cầu, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời”, ông Hà nói thêm.

P.V