Ủy ban Chính sách họp triển khai công tác trọng tâm năm 2023 với phương châm: Chủ động - Thiết thực - Hiệu quả
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 17:23, 16/02/2023
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại cuộc họp |
Tham dự cuộc họp có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA); ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách; cùng các thành viên Ủy ban.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Trần Phương cho biết, trong năm qua, Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, Ủy ban đã tích cực tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội, cũng như hỗ trợ Cơ quan Thường trực VNBA trong việc giải quyết những vấn đề có tính chất chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan hoạt động ngân hàng.
Cũng theo ông Trần Phương, cuộc họp nhằm ghi nhận đánh giá các kết quả công tác năm 2022 trong bối cảnh chính sách pháp luật và môi trường kinh doanh có nhiều thách thức. Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Ủy ban với vai trò tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội triển khai các định hướng lớn về chính sách, hỗ trợ Hội đồng Hiệp hội có tiếng nói tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm này, ông Trần Phương nhấn mạnh phương châm hoạt động trong năm 2023 là: Chủ động - Thiết thực - Hiệu quả.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và chương trình hoạt động năm 2023 của Ủy ban Chính sách (Ủy ban) tại cuộc họp cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ủy ban đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm để sớm triển khai, thực hiện. Trong năm 2022, Ủy ban đã tổ chức một số hội thảo, tọa đàm chuyên môn, trong đó nổi bật là Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - những khuyến nghị về khuôn khổ pháp lý” với sự tham gia của gần 400 đại biểu, trong đó có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng; cùng một số vụ, cục thuộc NHNN; các hội viên Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị trực thuộc .
Tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, như: tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất và dự thảo Thông tư của NHNN hướng dẫn thực hiện cho vay theo Nghị định nói trên; góp ý chuyên đề Cho vay có trách nhiệm của Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN; tham dự cuộc họp về SMS Banking; tham gia ý kiến đối với dự thảo thông tư thay thế Thông tư 07/2015/TT-NHNN và Thông tư 13/2017/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng...
Ủy ban cũng đã có Văn bản số 10/HHNH-UBCS báo cáo kết quả Tọa đàm về xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 gửi Tòa án nhân dân Tối cao, NHNN, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan; đề xuất các giải pháp có liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14...
Đồng thời, có báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, đánh giá thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và sự cần thiết Luật hóa xử lý nợ xấu. Rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách xây dựng Luật xử lý nợ xấu; có ý kiến đối với dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc báo chí nêu về hoạt động của công ty tài chính; xây dựng Báo cáo tổng hợp vướng mắc về ngân hàng số và đề xuất, kiến nghị...
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách tại cuộc họp |
Về phương hướng hoạt động năm 2023, Ủy ban Chính sách cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức Tọa đàm về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật TCTD và đề xuất các nội dung chỉnh sửa Luật TCTD; Tọa đàm trao đổi đề xuất các nội dung sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,tọa đàm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ; tọa đàm trao đổi về hoạt động tín dụng xanh theo định hướng phát triển bền vững; đề xuất xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng…
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Ủy ban đến từ: Vietcombank, Techcombank, Standard Chatered, VPBank, HDBank, FE Credit, VNPay… đều thống nhất với các nội dung báo cáo. Đồng thời đề nghị, trong năm 2023, Ủy ban nên tập trung ưu tiên cho những chuyên đề lớn (Tọa đàm về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật TCTD và đề xuất các nội dung chỉnh sửa Luật TCTD; Tọa đàm/hội thảo liên quan đến tháo gỡ vướng mắc và xây dựng cơ chế trong xử lý nợ xấu...), hay các vấn đề liên quan đến: Tín dụng xanh, ngân hàng xanh, xây dựng Khung quản trị rủi ro ESG...
Ngoài ra, các ý kiến cũng nêu lên một số vướng mắc trong cơ chế chính sách như: thanh toán quốc tế; định danh khách hàng điện tử (eKYC)... Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, các ý kiến cho rằng, cần có sự chia sẻ dữ liệu giữa các hội viên, cũng như có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ủy ban Chính sách; đồng thời đề nghị Ủy ban tiếp tục phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả và có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các Ban chuyên môn của VNBA để đồng hành, hỗ trợ tốt cho các ngân hàng, tham gia đóng góp tích cực với cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức hội viên.
Về trọng tâm hoạt động của Ủy ban trong năm 2023, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Ủy ban triển khai theo kế hoạch, phối hợp với Cơ quan Thường trực tổ chức tọa đàm, hội thảo về chủ đề, lĩnh vực liên quan, như: Sửa đổi Luật Các TCTD; sửa đổi Thông tư 39; hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thanh toán; hành lang pháp lý cho Fintech; phát triển thẻ nội địa; góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)... để có sức lan tỏa và có hiệu quả cao trong cộng đồng.
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Phương đã khái quát một số định hướng, Ủy ban sẽ triển khai trong năm 2023, gồm: Chủ động tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội VNBA trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các lĩnh vực liên quan khác; Tập trung thảo luận, tham mưu về ổn định và phát triển thị trường tài chính tiền tệ, các xu hướng mới (Tập trung vào các lĩnh vực về tài chính xanh, ngân hàng xanh và ESG); tập trung nghiên cứu tăng năng lực phòng ngừa rủi ro các các tổ chức tài chính...; tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban với Cơ quan thường trực VNBA, Hội đồng VNBA, các đơn vị bên ngoài để phát huy hiệu quả, kịp thời tham mưu với Hội đồng VNBA.