Nắm bắt, phối hợp để triển khai thực hiện Nghị định 99 về đăng ký biện pháp bảo đảm đồng bộ, hiệu quả
Chính sách mới - Ngày đăng : 17:48, 16/02/2023
Nghị định 99 khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập trong các quy định trước đó
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc tập trung hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật một cách hiệu quả các quy định liên quan đến biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Kể từ khi Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015 với nhiều quy định mới về biện pháp bảo đảm, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc. |
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế, từ việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm; thường xuyên rà soát, cải thiện và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh, hiệu quả, qua đó cắt giảm chi phí tiếp cận vốn và sản xuất kinh doanh; thường xuyên nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực tế thi hành các quy định pháp luật cụ thể; lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp để có những điều chỉnh về thể chế, chính sách phù hợp.
Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tham gia tổng kết thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và quá trình xây dựng Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023 (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017).
Theo Thứ trưởng, việc ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký, hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc. |
Trình bày những điểm mới cốt lõi của Nghị định 99, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều (trong đó 23 điều được sắp xếp lại thành 8 điều); thêm phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định bổ sung các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản; cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm về tài sản theo quy định pháp luật và theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; quy định ngoại lệ về chứng khoán đã đăng ký tập trung, quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển, đăng ký trực tuyến đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển, tàu bay, tàu biển; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Về nguyên tắc đăng ký, Nghị định 99 đã quy định tách bạch rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan đăng ký với trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký, xác định các trường hợp cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm đối với việc đăng ký.
Về các trường hợp đăng ký, Nghị định 99 bổ sung hoặc cụ thể hoá, tách bạch hồ sơ đăng ký liên quan, cụ thể: các trường hợp đăng ký đối với quyền sử đụng dất, tài sản gắn liền với đất đã được cấp giấy chứng nhận, tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở đã hình thành không phải đăng ký quyền sở hữu và chưa có giấy chứng nhận, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, chuyển tiếp đăng ký thế chấp, dự án đầu tư, tàu bay, tàu biển, động sản, cây hằng năm, công trình tạm…
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc. |
Bên cạnh đó, Nghị định 99 xác định cụ thể hơn căn cứ phát sinh, căn cứ chấm dứt hiệu lực của đăng ký; bổ sung hoặc làm rõ hơn cơ chế xác định hiệu lực của đăng ký liên quan đến chứng khoán, hàng hóa, vật tư, chuyển tiếp thế chấp đối với quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; Làm rõ hơn về hiệu lực của đăng ký trong trường hợp có đăng ký thay đổi, chỉ điều chỉnh một phần nội dung đã được đăng ký; bổ sung cơ chế xác định hiệu lực của đăng ký trong trường hợp hủy đăng ký, đăng ký trùng lặp, chỉnh lý thông tin có sai sót; bổ sung hiệu lực của đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm.
Nghị định 99 cũng phân tách cụ thể diện người yêu cầu đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi và xóa đăng ký; bổ sung hoặc hoàn thiện hơn quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin. Ngoài ra, hồ sơ đăng ký được nộp qua hệ thống đăng ký trực tuyến thì có thể được thay thế bằng chữ ký điện tử, con dấu điện tử; hồ sơ đăng ký trực tuyến có giá trị pháp lý như hồ sơ đăng ký bằng bản giấy.
Ngoài 2 cơ quan đăng ký trước đây là Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản, Nghị định 99 bổ sung quy định về cơ quan đăng ký đối với chứng khoán đã lưu ký là Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, đối với tàu bay là Cục Hàng không Việt Nam, đối với tàu biển là Cục Hàng hải Việt Nam…
Đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng
Chia sẻ về tác động của Nghị định 99 đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), khẳng định, Nghị định 99 ra đời đã góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm, quy định rõ ràng và cụ thể hơn một số phạm trù, khái niệm về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, cho thấy sự quan tâm lắng nghe, tiếp thu ghi nhận của Chính phủ, Ban soạn thảo Nghị định đối với ý kiến đóng góp của các tổ chức tín dụng nói riêng, các cá nhân tổ chức có liên quan đến hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc. |
Bà Nguyễn Thị Phương nêu rõ những nội dung cụ thể mà Nghị định 99 tác động tới hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng, bao gồm: đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; sửa đổi tiêu đề của hợp đồng bảo đảm trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm; ghi nhận tư cách của chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm bằng tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân; áp dụng hồ sơ điện tử trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai; đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng; hủy đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bên cạnh đó, đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng cũng chỉ ra một số điểm còn vướng mắc tại Nghị định 99, như về giải thích một số từ ngữ; nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực đăng ký trong trường hợp bổ sung tài sản hoặc chỉnh lý thông tin do có sai sót; loại hình của văn bản về việc pháp nhân giao nhiệm vụ cho chi nhánh; nghĩa vụ thanh toán cước phí dịch vụ bưu chính; việc thỏa thuận về công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm trong trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho các bên thứ ba;...
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Hội nghị đã tập trung làm rõ những điểm mới cốt lõi của Nghị định 99. Cùng với đó, những ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan hiểu đúng, tổ chức thực hiện tốt Nghị định 99, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn và môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành chức năng và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng nắm bắt các nội dung, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định; ghi nhận và phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để tiếp tục tập huấn, đào tạo…