Chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm: Đúng thời điểm và mục tiêu hướng tới

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:00, 17/02/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) -Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ví như một mũi tên trúng nhiều đích.

Tóm tắt: Thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở giai đoạn điều chỉnh mạnh, với những phiên nhào lộn tự do, nằm ngoài mọi dự đoán không những đối với các nhà đầu tư không chuyên mà cả đối với những đơn vị kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp. Thị trường vàng, bất động sản... cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh, khó tiên lượng, khó dự báo đối với các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, việc chính sách mới về lãi suất ra đời, Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ví như một mũi tên trúng nhiều đích, (i) vừa gia tăng quá trình thực thi chính sách tiền tệ thận trọng, an toàn, hiệu quả, (ii) vừa góp phần thực thi đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát thế giới tăng cao đang có dấu hiệu đe dọa đến nền kinh tế Việt Nam, (iii) vừa là cứu cánh, là lực đỡ cho các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.      

Từ khóa: chính sách lãi suất tiết kiệm, tiền gửi, lãi suất, ngân hàng

Savings deposit interest rate policy: Right time, right target

Abstract: The stock market in Vietnam witnessed strong correction recently, with tumbling sessions, beyond all expectations not only for amateur investors but also for professional securities companies. The gold and real estate markets are also in a period of strong correction, difficult for investors to forecast. In that context, the issuance of a new interest rate policy, Circular 04/2022/TT-NHNN dated June 16, 2022 providing for the application of interest rates upon premature withdrawal of deposits from credit institutions and foreign bank branches is considered an arrow reaching multi targets, (i)  enhancing the implementation process of prudent, safe and effective monetary policy, (ii) contributing to the synchronous and effective implementation of fiscal policy and monetary policy in the context of rampant inflation globally, posing inflation threat to Vietnam’s economy, (iii) a lifeline and a support for investors  at the current stage.

Keywords: interest rate policy on savings, deposits, interest rates, banking

1. Gia tăng quá trình thực thi chính sách tiền tệ thận trọng, an toàn, hiệu quả

Chính sách tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam được thực hiện theo Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của NHNN về quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng, trong đó thông tư quy định như sau: “Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng), cá nhân theo quy định tại Khoản 13 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng”. Theo quy định này, người gửi tiền tiết kiệm bất kể ở kỳ hạn nào: 1 tháng, 3 tháng, 12 tháng, 36 tháng…, nếu rút trước hạn, dù là rút trước 1 ngày, rút 1 đồng trong tổng số tiền gửi tiết kiệm... cũng trở về hưởng lãi suất không kỳ hạn. Chính sách lãi suất này nhằm hạn chế các tổ chức và cá nhân rút tiền trước hạn, gây tác động lớn đến quá trình cân đối nguồn vốn huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, quy định này được coi là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ, hoàn toàn phù hợp với giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch COVID đã được khống chế, cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường, nền kinh tế bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, trong khi quy định về sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sắp giảm dần từ mức 37% xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022 theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2022,  thì Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2022) ra đời thay thế cho Thông tư 04/2011/TT-NHNN năm 2011 về áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng là một liều thuốc bổ, vừa góp phần ổn định nguồn tiền gửi nói chung, vừa góp phần khơi thông dòng chảy vốn trung và dài hạn vào hệ thống ngân hàng, vừa giúp các nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư mới trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 của NHNN quy định cụ thể như sau: (1) Về hình thức tiền gửi rút trước hạn: Thông tư áp dụng đối với 4 hình thức tiền gửi rút trước hạn, đó là: tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

(2) Về áp dụng lãi suất tiền gửi rút trước hạn, Thông tư quy định như sau: Thứ nhất, trường hợp rút toàn bộ tiền gửi: áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. Thứ hai, trường hợp rút một phần tiền gửi: (i) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn: áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. (ii) Đối với phần tiền gửi còn lại: áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi khách hàng rút trước hạn một phần.

Rõ ràng so với quy định hiện hành, Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi trong trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi. Quy định mới này giúp khách hàng được linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn, không cần phải rút toàn bộ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định cụ thể về việc rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay. 

Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2022 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thì các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây: (a) Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; (b) Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; (c) Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; (d) Từ ngày 1/10/2023: 30%. Như vậy, việc đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 37% xuống còn 34% kể từ ngày 1/10/2022 trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng đang chịu nhiều áp lực, huy động vốn trung dài hạn hiện nay vẫn rất khó khăn là một thách thức cho các ngân hàng. Chính vì vậy, việc Thông tư 04/2022 ra đời với quy định mới như đề cập trên sẽ góp phần quan trọng giúp cho các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn vốn huy động trung và dài hạn trong thời gian tới, qua đó góp phần kìm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Góp phần thực thi đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Thế giới vừa trải qua đại dịch COVID, toàn bộ chuỗi cung ứng vẫn đang bị gián đoạn và tê liệt chưa được hàn gắn lại, thì lại tiếp tục đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng về năng lượng và lương thực do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.... Tất cả đang đẩy thế giới bước vào vòng xoáy khủng hoảng mới đó là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao ở các nước vốn có kinh tế hùng mạnh bậc nhất thế giới: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Canada, các nước châu Âu. Ngày 13/7/2022, Mỹ thông báo chỉ số CPI vượt mức kỷ lục 9,1%, cao nhất trong vòng 40 năm qua... và lạm phát đang có dấu hiệu đe dọa đến các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Giá xăng dầu không ngừng tăng, kéo theo toàn bộ hoạt động của nền kinh tế có liên quan đến xăng dầu cũng tăng theo. Để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, ngày 6/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, và ngày 11/7, giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh giảm khá sâu, dao động bình quân từ mức 2.000đ - 3.000 đ/lít; tiếp đó ngày 21/7, giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh, từ 1.100 - 3.600 đ/lít, qua đó góp phần hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Rõ ràng giảm thuế bảo vệ môi trường về xăng dầu sẽ tác động ngay lập tức đến chính sách tài khóa (vì thuế là công cụ của chinh sách tài khóa). Do đó việc kết hợp hài hòa, đúng lúc giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ góp phần to lớn giúp cho các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, vừa chống lạm phát, vừa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đứng về phía chính sách tiền tệ, kể từ ngày 1/8/2022, chính sách lãi suất tiền gửi theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 chính thức có hiệu lực thi hành. Có thể nói, lãi suất là công cụ điều hành hết sức nhạy cảm của chính sách tiền tệ, một thay đổi nhỏ về lãi suất có thể tác động ngay lập tức lên toàn bộ nền kinh tế, chẳng hạn lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng sẽ tác động ngay đến các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp... có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Điều đó có nghĩa là chính sách lãi suất có tác động ngay lập tức đến các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trong đó có chính sách tài khóa, nếu Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh một trong các công cụ của chính sách tiền tệ.

Hiện tại, Chính phủ đang thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định (2% lãi suất bằng 40.000 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước, tức thuộc chính sách tài khóa). Theo ước tính, hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sẽ được giải ngân từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong 2 năm 2022 – 2023, tương đương với 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được giải ngân từ hệ thống ngân hàng. Như vậy, NSNN hỗ trợ 2% lãi suất bằng 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, đây được coi là "vốn mồi", còn hệ thống ngân hàng phải đảm bảo cân đối nguồn vốn gần 2 triệu tỷ đồng.

Rõ ràng, nếu lượng tiền gửi tăng cao trong hệ thống ngân hàng vào thời gian tới nhờ vào chính sách lãi suất mới theo Thông tư 04 thì ngân hàng sẽ cân đối được nguồn vốn, giảm được lãi suất cho vay, qua đó khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn NH, đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành gói hỗ trợ lãi suất này. Có thể nói, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng NSNN có quy mô rất lớn, được triển khai đồng bộ cùng lúc giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.  Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn NSNN là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), gói hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6 - 6,5% của Chính phủ.

3. Chính sách mới, lực đỡ mới cho nền kinh tế và các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay

Quy định cũ theo Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011

 Nếu trước thời điểm ngày 1/8/2022,  người dân A gửi 500 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng (ví dụ từ ngày 1/7/2021-1/7/2022), lãi suất 12 tháng là 7%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm..; nhưng do nhu cầu chi tiêu đột xuất, đến tháng 6/2022, người dân A buộc phải rút trước hạn 100 triệu đồng thì toàn bộ 500 triệu đồng tự động quay về lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 0,1%/năm, mặc dù sau đó người dân A vẫn gửi lại 400 triệu đồng trong ngân hàng. Như vậy, người dân A mất 35 triệu đồng tiền lãi nếu đến hạn rút (tức đến ngày 1/7/2022) và chỉ còn nhận được hơn 458.333 đồng sau gần 1 năm gửi tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, với quy định này, các tổ chức tín dụng vẫn tạo điều kiện cho người dân có thể nhận được khoản lãi 35 triệu đồng vào ngày 1/7/2022 bằng cách cho phép người dân có thể thế chấp “sổ tiết kiệm” tại ngân hàng để vay 100 triệu đồng với một mức lãi suất nào đó tùy vào chính sách của từng ngân hàng, ví dụ 9%/năm, tương đương 0,75%/tháng, rồi đến ngày sổ tiết kiệm đến hạn, rút toàn bộ 500 triệu đồng, người dân hưởng 35 triệu đồng tiền lãi, trả ngân hàng 100 triệu đồng tiền gốc, trừ 750.000 đồng tiền lãi vay, còn dôi ra 34,250 triệu đồng tiền lãi. Ví dụ này được đưa ra với giả thiết sát ngày đến hạn, còn nếu người dân A chỉ mới gửi được vài tháng, hay nhiều hơn, nhưng qua tính toán lãi suất tiền vay phải trả NH so với lãi suất tiết kiệm được hưởng đến hạn mà không đủ bù đắp hoặc không có chút lợi nhuận nào thì người dân A phải quay về hưởng lãi suất không kỳ hạn với mức 0,1%/năm. Nói chung, người dân A chấp nhận thiệt thòi hoàn toàn nếu rút trước hạn mà không có bất cứ phương án nào thay thế theo quy định này.

Quy định mới theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022

Theo quy định mới, cũng số tiền, kỳ hạn gửi như trên, nếu đến ngày 1/6/2022, người dân chỉ rút 100 triệu đồng trước hạn thì ngân hàng chỉ tính 100 triệu đồng theo lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm, số còn lại 400 triệu đồng, nếu người dân vẫn gửi lại NH đến hết ngày 1/7/2022 thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất 7%/năm khi đến hạn mà không phải làm động tác thế chấp sổ tiết kiệm để vay ngân hàng nhằm có được mức lợi nhuận như kỳ vọng (tức 28 triệu đồng tiền lãi với số tiền gốc 400 triệu đồng). Rõ ràng quy định mới này đã góp phần tháo gỡ khó khăn không những cho người vay mà cho cả ngân hàng, cụ thể:

(i) Về phía khách hàng:  Theo quy định mới, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn, với rất nhiều kỳ hạn gửi tiết kiệm khác nhau, đặc biệt là khách hàng có thể lựa chọn gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn có mức lãi suất cao nhất. Giả sử nếu có phát sinh chi tiêu đột xuất trong năm, người gửi tiền phải rút trước hạn một phần, thì phần còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất mà khách hàng đã lựa chọn với kỳ vọng về mức lợi nhuận thu được như mong muốn ban đầu. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, khi mà thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh, khó dự báo, thì tiết kiệm ngân hàng vẫn là sự lựa chọn an toàn. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác như: bất động sản, vàng... cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh, khó dự báo, khó kiếm lời... thì kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm ngân hàng không những trong giai đoạn này, mà lâu dài vẫn luôn là kênh trú ẩn an toàn cho tất cả các nhà đầu tư. Như vậy, Thông tư 04/2022 đã mở ra cho các nhà đầu tư một kênh lựa chọn mới: vừa linh hoạt, vừa an toàn, vừa có lợi nhuận trong bất cứ hoàn cảnh nào.

(ii) Về phía Ngân hàng: Theo dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới do lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh trong 2 năm đại dịch 2020, 2021. Hơn nữa dòng tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng dưới hình thức tiết kiệm trong thời gian qua chậm lại do lực hút của TTCK và thị trường bất động sản bùng nổ trong 2 năm đại dịch. Nay dịch bệnh đã được kiểm soát, TTCK và thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhò và vừa... tăng mạnh trở lại, vì thế, xu hướng tăng lãi suất huy động để hút tiền nhàn rỗi trong dân, đảm bảo khả năng thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là vốn trung và dài hạn là tất yếu khách quan. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN, đến ngày 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng sẽ phải giảm từ mức 37% xuống mức 34%. Vì thế, cuộc đua huy động vốn thông qua công cụ lãi suất giữa các ngân hàng sẽ nóng lên, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, nhất là đối với kỳ hạn dài trên 1 năm để cân đối lại nguồn vốn. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo Thông tư 08/2020 là cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào thị trường bất động sản khi mà dòng vốn vào lĩnh vực này chủ yếu vẫn là vốn trung, dài hạn.

Rõ ràng, nếu hệ thống ngân hàng cứ tiếp tục sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn mà không có biện pháp nào thay thế hữu hiệu sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản cho hệ thống, chính vì vậy Thông tư 04/2022 là một giải pháp quan trọng, kịp thời, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình đầu tư tiền gửi của mình, vừa góp phần gia tăng nguồn huy động vốn tại ngân hàng trong thời gian tới; đặc biệt là góp phần tích cực vào quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước “… phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng...”.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay, giảm phí... gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng hay nói cách khác đó chính là giảm một phần lợi nhuận của chính các TCTD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, như Thống đốc NHNN đã giải thích đó chính là “doanh nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp”. Hơn thế nữa, trong gần 3 năm đại dịch, theo quan sát của chúng tôi, có những thời khắc thị trường chứng khoán giảm sâu, hàng loạt cổ phiếu mất thanh khoản, thì ngược lại toàn bộ các mã cổ phiếu ngân hàng lại trở thành trụ đỡ cho thị trường tiếp tục đứng vững và phát triển ổn định. Chính vì vậy, chúng ta có thể tự hào vì sự đóng góp không ngừng của toàn hệ thống ngân hàng, mà trong đó các chính sách tiền tệ luôn phát huy đúng thời điểm, đúng mục tiêu cần hướng tới.

Tài liệu tham khảo:

1-Thông tư  04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2-Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3-Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

4-Thông tư 03/TT-NHNN ngày 20/5/2022 về hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

5-Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

6-thitruongtaichinhtiente.vn số ra các ngày 8,9,10/1/2022.

7-Bản tin tài chính trên VTV1 ngày 13, 14/7/2022, và các trang Web có liên quan.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2022

 

TS. Tôn Thanh Tâm, Huỳnh Thị Lâm Phương