Giao thương nông sản Việt- Trung: Cần được nhìn ở góc độ rộng hơn
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 11:06, 17/02/2023
Vẫn còn nhiều khó khăn…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan |
Tại Hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu (XK) của Việt Nam XK sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc song số lượng sản phẩm được XK còn rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam.
Nguyên nhân được chỉ ra là do các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói và các chính sách mới của phía Trung Quốc, đặc biệt toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm XK đi Trung Quốc đều phải đăng ký mã số XK với Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8/1/2023, khi Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch COVID-19 tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có quy định phương thức cắt nối moóc như lúc dịch khiến chi phí phát sinh cao. Bên cạnh đó, lái xe Việt Nam khi lái phương tiện XK sang Trung Quốc vẫn phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu…
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Thống nhất với nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường lưu ý, để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, DN cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023. Đặc biệt, DN cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính |
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, ông Đạt nêu một số thay đổi của thị trường này như: Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); Yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; Quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói…
Lãnh đạo Cục BVTV cũng chỉ rõ những khó khăn của ngành sản xuất trong nước như: Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để XK; Các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.
Với riêng Lệnh 248, 249, ông Đạt đánh giá yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, DN trong nước cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP. Ngoài ra, hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với DN Việt Nam.
Để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của Trung Quốc, Cục BVTV đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao. Kêu gọi các bên chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam, Cục BVTV hy vọng các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, đồng thời tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; Phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân.
Chính phủ Việt Nam luôn đề cao thị trường Trung Quốc
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, qua các dịp tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Trung Quốc là một đối tác lịch sử, truyền thống và mang tính định hướng lâu dài.“Doanh nhân mang sứ mệnh hết sức to lớn trong bối cảnh mới. Chúng ta cần làm tốt công tác giao thương thương mại, bởi điều ấy góp phần nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, giúp định hình, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt - Trung”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dẫn câu nói của Hồ Tuyết Nham, một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ 19, rằng “Nếu tầm nhìn trong thiên hạ, chúng ta có thể buôn bán trong cả thiên hạ”, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: Buôn có bạn bán có phường; Một lần bất tín vạn lần bất tin; Trăm người bán vạn người mua…
“Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài,,,”- Bộ trưởng Hoan bày tỏ.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp cùng đặc biệt lưu ý, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.
Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, DN. Để làm được, ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý. “DN có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới”, ông chia sẻ.
Mượn bí quyết thành công của tỷ phú Lý Gia Thành - “không dạy kinh doanh mà dạy làm người” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành phố cả nước nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.