Tăng cường ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 19:11, 22/02/2023
Tham dự hội nghị, về phía NHNN có: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị liên quan.
Về phía Bộ Công an có: Ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các đơn vị có liên quan của Bộ Công an (Cục Cảnh sát hình sự; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh kinh tế; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...).
Ngoài ra, hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của 15 ngân hàng thương mại hàng đầu trong việc ứng chuyển đổi số trong hoạt động.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo của NHNN cung cấp tại hội nghị cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mô hình doanh nghiệp số, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã trở thành đích đến của nhiều quốc gia, tổ chức. Đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi cấu trúc các dịch vụ tài chính, mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại trên không gian mạng, giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính - không chỉ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác như tiết kiệm, bảo hiểm, vay vốn… với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống.
Với định hướng phát triển chuyển đổi số, xã hội số và kinh tế số của Chính phủ và giao Bộ Công an tham mưu xây dựng và triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) đã mang lại cơ hội mới cho ngành Ngân hàng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trước nguy cơ phát triển của tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là qua các hệ thống của ngân hàng, việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo môi trường kinh doanh điện tử thuận tiện và hiệu quả. Do đó, để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06, các bên cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và đầu tư hệ thống công nghệ phù hợp với từng đơn vị, từng lĩnh vực để làm sao thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu |
Về phía ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng rất quan tâm đến Đề án 06. Điều đó được minh chứng là ngay sau khi Chính phủ ban hành Đề án 06, NHNN đã có Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06; và Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với 2 nhóm nhiệm vụ chính: (i) Kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước; (ii) Kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ngành Ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, để triển khai có hiệu quả Đề án 06, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai và đạt được một số kết quả tích cực như: (i) NHNN là một trong các bộ ngành đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo an toàn kết nối CSDLQGvDC; (ii) từng bước triển khai làm sạch có sở dữ liệu (CSDL) thông tin tín dụng khách hàng; (iii) hoàn thành thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực khách hàng điện tử qua căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi thực hiện giao dịch với ngân hàng;…
Báo cáo của NHNN cho biết, một số đơn vị trong ngành Ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch nộp, rút tiền tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, một số TCTD đã tích cực phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an nghiên cứu thử nghiệm một số giải pháp để cung cấp dịch vụ trong thời gian tới như: (i) mở tài khoản cho công dân trên ứng dụng Mobile Banking thông qua định danh khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip; (ii) kết nối tài khoản VNeID của công dân phục vụ chi trả an sinh xã hội;…
Tại hội nghị, đại diện của các ngân hàng BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank đã có những chia sẻ về những kết quả đạt được trong triển khai một số dịch vụ như: định danh khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip; (ii) kết nối tài khoản VneID; cho vay tín chấp trên môi trường giao dịch điện tử…
Dù đang mang lại những kết quả tích cực, song đại diện các ngân hàng đều cho biết quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, để đạt được được hiệu quả cao, cũng như đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, tránh được những rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao, các ngân hàng đề nghị: Bộ Công an cho phép được sử dụng dữ liệu/hoặc kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu VneID; cho phép khách hàng trên 16 tuổi được phép mở tài khoản bằng eKYC; đồng thời, NHNN cần đẩy nhanh việc sửa đổi hành lang pháp lý có liên quan… Bên cạnh đó, với chi phí làm sạch kho dữ liệu đang ở mức cao, các ngân hàng cũng đề nghị Bộ Công an và NHNN xem xét trình chính phủ giảm phí này để hỗ trợ ngân hàng.
Toàn cảnh hội nghị |
Trước những kiến nghị của ngành Ngân hàng tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định lại một lần nữa, chuyển đổi số là tất yếu và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Để giúp các giao dịch trong nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng an toàn và tốt hơn, trong Đề án 06 đề ra không chỉ kết nối dữ liệu với ngân hàng, mà còn kết nối với các doanh nghiệp thuộc ngành/lĩnh vực khác như: thuế, bảo hiểm… Như vậy, một cá nhân muốn tham gia vào vay tín dụng, sẽ có các căn cứ kết nối, để biết doanh nghiệp đó, cá thể đó khỏe hay yếu.
“Chúng ta không cầu toàn, mà làm từng bước, chắc chắn. Sau từng bước, các cơ sở pháp lý sẽ hoàn thiện, rồi đầu tư các hệ thống công nghệ, mà mỗi đơn vị kinh doanh sẽ ứng dụng để thực hiện có hiệu quả nhất. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Công an sẽ phối hợp để thực hiện. Ngành Công an sẽ sớm hoàn thiện trung tâm dữ liệu, tham gia với ngân hàng để tổ chức tập huấn, triển khai, phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin để kiểm tra, hoàn thiện hạ tầng công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ.
Với các đề xuất của ngành Ngân hàng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ những vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để khắc phục, trên tinh thần làm sao để hoàn thành sớm nhất, hiệu quả nhất mục tiêu của Đề án 06, tạo nên môi trường kinh doanh điện tử thuận tiện nhất cho người dùng trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị sau cuộc họp các đơn vị chức năng của NHNN và Bộ Công an tiếp tục phối hợp, triển khai nhanh các công việc đang thực hiện. Về phía các đơn vị chức năng thuộc NHNN, Thống đốc yêu cầu đẩy nhanh việc sửa đổi hành lang pháp lý, nhất là Thông tư 39/2016/TT-NHNN....
Về phía Bộ Công an, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, sau cuộc họp, Bộ Công an lựa chọn thêm một số ngân hàng phối hợp với Bộ để thực hiện làm sạch dữ liệu khách hàng. Bởi hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng, cũng như đẩy lùi tín dụng đen. Sau khi triển khai thành công sẽ ban hành Quy trình làm sạch dữ liệu để áp dụng trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC, đặc biệt trong thời gian tới khi CSDLQGvDC được làm giàu thông tin từ các CSDL của các bộ, ngành sẽ là nguồn thông tin tốt để các tổ chức tín dụng xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội,…) từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen. Trên cơ sở đó, Thống đốc cũng đề nghị Bộ Công an, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngành Ngân hàng triển khai kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ các nghiệp vụ của ngành Ngân hàng hoàn thành đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.