Vietcombank chuyển mình mạnh mẽ với “Thanh toán số”
Tin hội viên - Ngày đăng : 08:32, 03/03/2023
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 11 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị so với 11 tháng đầu năm 2021.
Nắm bắt được xu hướng và điều kiện tại thời điểm đó, từ năm 2020 Vietcombank đã bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ thể hiện qua sản phẩm, dịch vụ, hệ thống quản trị nội bộ… và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong suốt lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển, Vietcombank luôn là ngân hàng tiên phong, đi đầu trong việc nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong dịch vụ ngân hàng và đã thực hiện số hóa sản phẩm dịch vụ từ rất sớm, đặc biệt trong những năm gần đây Vietcombank đầu tư mạnh vào hiện đại hóa công nghệ, số hóa sản phẩm dịch vụ.
Ban lãnh đạo Vietcombank giới thiệu về sản phẩm tại ngày hội “Chuyển đổi số” |
Cụ thể:
Năm 2020: Vietcombank ra mắt Ngân hàng số VCB Digibank đồng nhất mang đến cho khách hàng cá nhân trải nghiệm liền mạch, đồng thời, tạo tiền đề rút ngắn thời gian số hóa các sản phẩm bán lẻ và mở rộng kết nối hệ thống hợp tác đối tác phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mỗi ngày, các kênh số của Vietcombank xử lý thông suốt từ 2,5-3,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 51 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch.
Đối với các dịch vụ hành chính công, Vietcombank là ngân hàng duy nhất được Thủ tướng biểu dương là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho người dân. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là ngân hàng đi đầu trong việc mở rộng liên kết đối tác trong lĩnh vực công như thanh toán Bảo hiểm xã hội, Cảng biển, Kho bạc nhà nước, bệnh viện, giao thông, logistic...
Năm 2021: Vietcombank tiếp tục ra mắt nền tảng số đa kênh trên VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng SMEs, hộ kinh doanh gia đình với trải nghiệm đồng nhất, xuyên suốt, liền mạch, mô hình lập - duyệt lệnh đơn giản, hạn mức linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Còn đối với khách hàng bán buôn đặc biệt cho Khách hàng Doanh nghiệp lớn có nghiêp vụ phức tạp và khối lượng giao dịch lớn, Vietcombank cho ra mắt nền tảng số Cashup – Nền tảng được đánh giá hiện đại nhất trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở đó, Vietcombank tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại trong các việc cung ứng sản phẩm dịch vụ thông qua nền tảng số nhằm nâng cấp, cải thiện trải nghiệm người dùng như eKYC, Smart OTP, tin nhắn OTT, QR Code; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân - Bộ Công an triển khai thành công ứng dụng căn cước công dân gắn chip (CCCD gắn chip) trong các giao dịch ngân hàng tại khu vực tự phục vụ (ATM) cũng như giao dịch tại quầy.
Nền tảng VCB Digibank ra mắt người tiêu dùng |
Năm 2022: Vietcombank đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua chương trình hành động chuyển đổi tới năm 2025 với sự hỗ trợ của đối tác tư vấn uy tín nhằm mục tiêu liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình nội bộ, hiện đại hóa nền tảng hạ tầng, thay đổi mô hình làm việc theo định hướng Agile,…Bên cạnh việc đó, Vietcombank luôn chú trọng nâng cao năng lực an toàn, bảo mật theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thông qua đầu tư triển khai các dự án hạ tầng an ninh thông tin, hoàn thành triển khai dự án PCI DSS. Chủ động rà soát, đánh giá để phòng bị và có giải pháp lường trước với các rủi ro về An ninh thông tin.
Nhận thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, Vietcombank cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số trong thời gian tới. Cam kết này thể hiện ở các Nghị quyết của Vietcombank đã ban hành năm 2021 liên quan tới kế hoạch hành động chuyển đổi số đến năm 2025.
Kế hoạch hành động này được xây dựng dựa trên thực trạng và mục tiêu của Vietcombank, đồng thời bám sát các mục tiêu đề ra của Ngân hàng nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Một số hành động có thể kể đến như:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo định hướng khách hàng là trọng tâm.
Ứng dụng robot thông minh để tự động hóa, tối ưu hóa quy trình nội bộ.
Xây dựng mô hình hoạt động mới theo hướng Agile.
Tập trung phát triển hệ sinh thái số.
Hoàn thiện chính sách nội bộ đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thực hiện truyền8 thông, đào tạo về chuyển đổi số nhằm nâng cao hiểu biết và chất lượng của nhân sự.
Tiếp tục chú trọng đến đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.