Hướng dẫn về ủy thác tư pháp thi hành án

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 10:30, 06/03/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành Công văn số 606 /VKSTC-V11 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính trong đó hướng dẫn về ủy thác tư pháp trong thi hành án.

 

Quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự (THADS) và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có sự chồng chéo về thẩm quyền ủy thác tư pháp về thi hành án, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Về vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP không có sự chồng chéo với quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS về thẩm quyền ủy thác tư pháp về thi hành án.

Điều 35 Luật THADS quy định thẩm quyền thi hành án, xác định thẩm quyền thi hành ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thi hành án; trong đó, tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS quy định Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành đối với bản án, quyết định mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.

Còn hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc trong giai đoạn Cơ quan THADS cấp huyện đang tổ chức thi hành án mà cần có yêu cầu tương trợ tư pháp thì Cơ quan THADS cấp huyện có thể lập hồ sơ ủy thác tư pháp và gửi Cơ quan THADS cấp tỉnh để thực hiện việc ủy thác tư pháp, sau đó tiếp tục tổ chức việc thi hành án theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật THADS thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ủy thác thi hành án cho Cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trường hợp sau khi Cơ quan THADS nhận ủy thác ban hành quyết định thi hành án, tiến hành xác minh thì người phải thi hành án mặc dù có đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống và không có tài sản tại địa phương hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn, sau đó đã chuyển đến địa phương khác để sinh sống nhưng không làm thủ tục chuyển, cắt khẩu; khi tiến hành xác minh thì chính quyền cấp xã cung cấp thông tin về địa chỉ chỗ ở mới của người phải thi hành án, nhưng xác định người này không đăng ký hoặc chỉ sống chung với hộ gia đình khác, không có tài sản... Vậy căn cứ nào để thu hồi quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác tiếp?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, theo quy định tại Mục 1 khoản 3 Điều 9 Luật số 03 ngày 01/3/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, thì Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau: “... Trường hợp đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án”.

Như vậy, đối với trường hợp Cơ quan THADS nhận ủy thác đã ra quyết định thi hành án, tiến hành xác minh, xác định người phải thi hành án mặc dù có đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống và không có tài sản tại địa phương hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn, sau đó đã chuyển đến địa phương khác để sinh sống nhưng không làm thủ tục chuyển, cắt khẩu; sau khi xác minh điều kiện của người phải thi hành án tại địa chỉ chỗ ở mới thì Thủ trưởng Cơ quan THADS nhận uỷ thác căn cứ quy định nêu trên để thu hồi quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác thi hành án (ủy thác tiếp) đến Cơ quan THADS nơi cư trú tại địa chỉ mới của người phải thi hành án. Cần căn cứ quy định của Điều 11, Điều 19 Luật Cư trú để làm cơ sở xác định nơi cư trú của đương sự trước khi thực hiện việc ủy thác thi hành án.

Bùi Trang