Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2023 - 2027

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 19:13, 06/03/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 6/3/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức Chương trình kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ký Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2023 – 2027.

Tham dự buổi ký kết có các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; Lãnh đạo NHNN cùng đại diện các vụ, cục thuộc NHNN và các ngân hàng tham gia trực tiếp trong hoạt động phối hợp giữa NHNN và Hội LHPN Việt Nam.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Ảnh: Đức Khanh

Trong không khí vui tươi kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, gửi lời những lời chúc mừng chân thành và tốt đẹp nhất tới Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liêp hiệp phụ nữ Việt Nam; các nữ lãnh đạo, đại biểu khách quý của Hội LHPN Việt Nam; các đại biểu lãnh đạo nữ ngành Ngân hàng.

Thống đốc cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, NHNN Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai các chương trình tín dụng. Ngày 23/6/2016, ba cơ quan gồm NHNN Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình, kết quả là: đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại chương trình, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đánh giá, thời gian qua, chị em phụ nữ ngành Ngân hàng đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, tích cực nghiên cứu và học tập nâng cao trình độ. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, đồng thời khẳng định vị trí vai trò quan trọng của cán bộ nữ đóng góp vào sự phát triển của ngành Ngân hàng.

"Thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng còn rất nặng nề, đòi hỏi mỗi chúng ta cần cố gắng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên mỗi cương vị công tác. Ban lãnh đạo NHNN mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng: chị em trong ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phấn đấu là những bông hoa đẹp đầy hương sắc tô điểm cho cuộc sống tươi vui của con người, mọi nhà, cho mùa xuân của đất nước", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện các nữ lãnh đạo tham gia chương trình nhận những bó hoa tươi thắm

Tại buổi ký kết, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và NHNN đều đánh giá việc ký Quy chế phối hợp nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa hai đơn vị. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được, được sự đồng ý của lãnh đạo hai cơ quan, các đơn vị tham mưu đã xây dựng Chương trình phối hợp giữa NHNN Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

"So với Chương trình phối hợp trước đây, tôi nhận thấy Chương trình phối hợp lần này có tính trực diện hơn và nội dung phối hợp toàn diện. Tôi đánh giá cao cách thức xây dựng Chương trình phối hợp: bên cạnh Chương trình phối hợp mang tính chất nguyên tắc chung, bộ phận tham mưu đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp đính kèm. Bản kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung phối hợp thành các nhiệm vụ cụ thể với yêu cầu chi tiết về: (i) Kết quả đầu ra; (ii) Phân công đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp của từng cơ quan; (iii) Yêu cầu tiến độ về thời gian và tần suất thực hiện. Đây là bản chỉ dẫn về các hoạt động phối hợp của hai bên để đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả trong việc triển khai các nội dung phối hợp trọng tâm của 2 cơ quan", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: với vị trí và chức năng của mình, việc ký kết và triển khai một cách thực chất, hiệu quả Chương trình phối hợp giữa NHNN Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam sẽ giúp ích cho cả hai tổ chức.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu - Ảnh: Đức Khanh

Về phía Hội LHPN Việt Nam, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, lễ ký kết đánh dấu sự hợp tác mới toàn diện hơn giữa hai cơ quan, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Bà Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, mặc dù chưa có ký kết phối hợp cấp trung ương nhưng đã có 21/63 tỉnh thành đã có văn bản ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHPN với NHNN. Hoạt động phối hợp bước đầu đạt hiệu quả, góp phần thực hiện các chính sách tài chính toàn diện và tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp tục phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đây chính là những kinh nghiệm quý báu cho việc ký kết chương trình phối hợp ở cấp trung ương và được triển khai rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

"Việc ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023 - 2027 là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết để cùng nhau chung tay tạo nên sức mạnh tổng hợp để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và tạo điều kiện cho phụ nữ cả nước tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn tín dụng an toàn và hiệu quả", bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2023 - 2027 - Ảnh: Đức Khanh

Báo cáo tại buổi lễ, ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN cho biết, kế thừa và phát triển từ Chương trình phối hợp số 01 giữa NHNN, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam từ năm 2016 về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023-2027 được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa NHNN và Hội LHPN trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHNN và Hội LHPN trong thực hiện các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp.

Theo đó, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023-2027 gồm 4 nhóm hoạt động chính:

(i) Phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác;

(ii) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen;

(iii) Nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030;

(iv) Tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông về hoạt động của hai Bên, công tác an sinh xã hội và các hoạt động phối hợp khác.

Toàn cảnh chương trình

Để triển khai hiệu quả chương trình phối hợp, ông Đặng Văn Tuyên cho biết, hai bên đã thống nhất các kế hoạch hành động. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung phối hợp thành các nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị có liên quan thuộc NHNN và Hội LHPN Việt Nam.

Một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong giai đoạn phối hợp như: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; Xây dựng đề án về hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính toàn diện, tài chính vi mô; Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, chia sẻ thông tin; Xây dựng hệ thống dữ liệu về hoạt động vay vốn của khách hàng là phụ nữ; Tìm kiếm và vận động hỗ trợ của tổ chức quốc tế để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp cận dịch vụ tài chính; Công tác an sinh xã hội (tập trung phụ nữ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) và công tác cán bộ nữ; Thực hiện sơ kết giữa kỳ, tổng kết cuối kỳ đánh giá giai đoạn 5 năm (2023 - 2027) việc thực hiện Chương trình phối hợp.

"Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong việc triển khai các nội dung phối hợp, NHNN và Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất về trách nhiệm chung, trách nhiệm cụ thể của các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động. Về phía NHNN, giao Vụ Tổ chức cán bộ - Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng và về phía Hội LHPN Việt Nam giao Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế làm đơn vị thường trực, thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo hai bên theo dõi, triển khai", ông Đặng Văn Tuyên cho biết.

Tại chương trình, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao tặng 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kinh phí tôn tạo Khu di tích Trung ương Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam

Để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị:

Với Các Vụ, Cục đơn vị thuộc NHNN: Đề nghị các đơn vị dành thời gian, nguồn lực để triển khai các nội dung theo phân công, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Trong đó, lưu ý vai trò đầu mối của Vụ Tổ chức cán bộ; các đơn vị phối hợp có liên quan chặt chẽ như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Truyền thông, Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Ngân hàng, Viện Chiến lược ngân hàng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp, đề nghị các đơn vị tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để xen kẽ, lồng ghép vào các hoạt động phối hợp qua đó lan tỏa, mở rộng phạm vi thụ hưởng cho đối tượng phụ nữ yếu thế trong xã hội. Ngoài các tổ chức quốc tế đã có kinh nghiệm và đang phối hợp với NHNN để triển khai hoạt động bình đẳng giới như ADB, IFC, Standard Chartered Bank....

Đối với các tổ chức tín dụng: Đề nghị Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng có liên quan nghiêm túc và tích cực thực hiện chính sách tín dụng, thỏa thuận ủy thác trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, chú trọng đối tượng là phụ nữ.

Thông qua các hoạt động này, các TCTD cũng thể hiện được cam kết hành động vì trách nhiệm xã hội; qua đó quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín và đảm bảo phát triển bền vững cho chính tổ chức mình.

Về phía Hội LHPN Việt Nam: NHNN rất mong lãnh đạo Hội sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện các hoạt động phối hợp; qua đó hai cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, với kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động dành cho cán bộ nữ và công tác bình đẳng giới, tôi mong rằng Hội LHPN sẽ hỗ trợ NHNN để góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Đối với nữ cán bộ ngành Ngân hàng, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, các thế hệ nữ cán bộ ngành Ngân hàng đã phát huy những phẩm chất tự nhiên vốn có: “Tự trọng - Tự tin - Đảm đang - Trung hậu để cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành. Trong thời gian qua cùng với lao động toàn ngành, lực lượng lao động nữ luôn nỗ lực, cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Dù công tác ở vị trí nào, phụ nữ Ngân hàng đều sẵn sàng hết mình vì công việc và đạt được những kết quả đáng khích lệ, có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị, vì sự an toàn và phát triển của Ngành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xã hội phát triển.

"Chúng tôi cũng ý thức vai trò quan trọng của các anh em nam giới. Các anh luôn là chỗ dựa tinh thần cho các chị em. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn anh em đã và trong thời gian tới sẽ tiếp tục chia sẻ khó khăn với chị em; đồng thời sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ chị em để chị em có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng đáng với danh hiệu “giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”", Thống đốc bày tỏ.

Ngô Hải