Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia nói gì?
Đồng tình với Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn cần nhiều chính sách khác đi kèm để tiến tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt…
Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó nội dung được nhiều người lao động quan tâm là quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần. Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nêu ra 2 phương án.
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu. Như vậy, với phương án này, người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và người lao động sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc đưa ra phương án 2 nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, vấn đề rút BHXH một lần được rất nhiều lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm và phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế. Do đó, điều 60 Luật BHXH năm 2014 phải tạm dừng thi hành.
Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm. Theo thống kê cho thấy, trong tổng số những người giải quyết bảo hiểm xã hội một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên.
Nguyên nhân của việc gia tăng số người rút BHXH một lần là họ gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm…Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế. và điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH lần này đã đề xuất rút thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và bảo lưu sẽ được một số quyền lợi liên quán đến bảo hiểm y tế…
Theo các chuyên gia, vẫn cần nhiều chính sách khác đi kèm để tiến tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt. Ảnh minh họa
Trao đổi về đề xuất rút bảo hiểm xã hội một lần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho hay, cả hai phương án đều có ưu điểm và nhược điểm.
Với phương án giữ nguyên, ông Lợi cho rằng sẽ tạo cơ cơ hội cho người lao động khi họ rất khó khăn cần thiết rút số tiền đó, về nguyên tắc đó là tiền của họ và họ có quyền được rút. Nhưng lợi thì ít, hại thì nhiều vì hệ thống an sinh xã hội thế hiện sự đảm bảo lâu dài khi người lao động không còn khả năng lao động, về hưu, lúc đó phải có nguồn để sống, không thể dựa vào Nhà nước hay nhờ con cái được.
Mặt khác, theo ông Bùi Sỹ Lợi, điều này thể hiện còn dựa trên quy định của hiến pháp, quyền con người “Công dân Việt Nam có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”, vậy an sinh xã hội đó thể hiện ở hai phía Nhà nước hỗ trợ và người lao động đóng góp, để làm sao không có xã hội chênh lệch giàu nghèo,và ai cũng có cuộc sống không bị bỏ lại phía sau. Do đó, bất lợi của việc rút một lần nhiều hơn là cái lợi mang lại trước mắt.
Đối với phương án 2, theo ông Lợi, có một ưu điểm cơ bản khi rất khó khăn, người lao động vẫn rút được 50% để giải quyết trước mắt, còn lại 50% bổ sung cho về già và trong quá trình phát triển, nếu có điều kiện, người lao động tiếp tục đóng thêm vào để khi về hưu vẫn có thu nhập về lương hưu cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu, so với phương án đã được tính toán trước đây về việc rút bảo hiểm xã hội một lần là người lao động chỉ được rút 8% (tỷ lệ người lao động đóng) và không được rút 14% (tỷ lệ người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, đây là phần thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động). “Do vậy, chúng ta nên lấy ý kiến của người lao động và người dân về việc này. Tuy nhiên, theo tôi, phương án hai có lẽ ưu việt hơn”- ông Lợi ý kiến.
Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, thực tế chính sách về giảm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu đã được khẳng định trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm tạo điều kiện để người lao động được thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hưu trí, đảm bảo tính an sinh lâu dài.
“Việc rút ngắn xuống 15 năm trong đề xuất là thuận lợi rất tốt cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng được thụ hưởng lương hưu. Đồng thời, có thể góp phần giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, lí do là nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí, phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần, như vậy giảm năm đóng là chính sách rất tốt”, ông Quảng phân tích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, cùng với giảm năm đóng sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, tựu chung lại là tiến tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt. Giảm năm đóng chỉ là điều kiện tối thiểu, còn vẫn cần khuyến khích người lao động có nhiều năm tham gia bảo hiểm xã hội thì mới có mức lương hưu cao.
“Dù có mức hưởng thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo hơn là không có chế độ an sinh nào của nhà nước. Tất nhiên chúng ta cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có một mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu”, ông Quảng nhấn mạnh.