Năm 2023, tiếp tục thực hiện công tác xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 09:25, 23/01/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, chú trọng công tác thu hồi tài sản…
Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong năm công tác 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại?

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi, cũng phát sinh nhiều khó khăn mới; trong những tháng đầu năm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền; tình hình tội phạm tiếp tục có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức phạm tội mới, đặc biệt là hiện tượng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại có chiều hướng gia tăng; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh cùng việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng và kinh tế lớn. Bên cạnh nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội giao; Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội còn tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội về phiên tòa xét xử trực tuyến....

Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Tòa án nhân dân tối cao, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và Thành phố; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức nên trong năm qua, công tác của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội tiếp tục gặt hái nhiều thành quả đáng ghi nhận, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đột phá đã được triển khai trong năm 2022.

Trong năm công tác 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 38.842 vụ việc, giải quyết 34.807 vụ việc, đạt tỷ lệ 90%. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 4.019 vụ việc (tăng 11,54%), số giải quyết tăng 7.294 vụ việc (tăng 26,51%).

Trong đó, đối với án dân sự thụ lý 7.086 vụ việc (tăng 665 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021), giải quyết 5.094 vụ việc (tăng 1.717 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021); đối với án kinh doanh thương mại thụ lý 2.971 vụ việc (tăng 160 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021), giải quyết 2.046 vụ việc (tăng 708 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021).

Đặc điểm lớn nhất của các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thủ đô là tính đa dạng, phức tạp liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nổi bật là dạng tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng, thuê, thế chấp, thừa kế... có tài sản là nhà, đất giá trị lớn; các vụ án về thừa kế, nhà thờ họ có đông người tham gia tố tụng, cư trú trong và ngoài nước;... nên việc xây dựng hồ sơ, giải quyết vụ án gặp rất nhiều khó khăn như việc tống đạt văn bản tố tụng; thu thập tài liệu, chứng cứ do các cơ quan lưu trữ; ủy thác tư pháp...

Trong quá trình giải quyết các loại án nói chung và án dân sự, kinh doanh thương mại nói riêng, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội luôn thực hiện việc tăng cường công tác hòa giải, tạo điều kiện để các đương sự thực hiện nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án.

Phóng viên: Đối với hoạt động nhằm thực hiện chuyển đổi số (CĐS), Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã triển khai đến đâu, việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến, số hóa hồ sơ… đạt kết quả ra sao? 

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển không ngừng của công nghệ số đã và đang làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án. Trong bối cảnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để xây dựng Tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án. Thực hiện chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân hai cấp thành phố Hà Nội luôn chủ động, tích cực trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện một số dịch vụ tư pháp thông qua nền tảng số như: Nộp đơn khởi kiện trực tuyến, đăng ký cấp sao án trực tuyến, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án…, cho đến các hoạt động tố tụng cũng trên nền tảng số như, xét xử trực tuyến, trợ lý ảo… Chỉ tính riêng năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã công bố được 21.848 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Tòa án, góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc tiếp cận công lý. Có thể nói, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới.

Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, mặc dù cơ sở vật chất còn rất khó khăn nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Công an Thành phố và UBND Thành phố triển khai xét xử được 228 vụ án hình sự và hành chính theo hình thức trực tuyến.

Đối với xét xử trực tuyến, hiện nay mới chỉ có Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bố trí được thí điểm tạm một phòng xử trực tuyến kết nối tới điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam số 01 Công an thành phố Hà Nội. Các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố thuộc Hà Nội đều chưa được trang bị phòng xử trực tuyến, các Trại Tạm giam cũng chưa được đầu tư kinh phí để lắp đặt điểm cầu thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai xét xử trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, Tòa án Hà Nội mong muốn được quan tâm hỗ trợ đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trụ sở các Tòa án nhân dân cấp huyện. Cũng như tiếp tục đầu tư trang thiết bị làm việc, hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác xét xử; kinh phí để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án, đặc biệt là việc đầu tư phòng xử trực tuyến. Tôi cũng mong Bộ Công an sớm chỉ đạo bố trí điểm cầu thành phần tại các Trại tạm giam thuộc Bộ Công an cũng như các Trại Tạm giam thuộc Công an thành phố Hà Nội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xét xử trực tuyến.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm công tác ra sao? Trong đó nhấn mạnh công tác nào?

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Trong năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; cũng như các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp mà đặc biệt là Nghị quyết số 96/2019/QH14 về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án”; các nhiệm vụ công tác trọng tâm Tòa án nhân dân năm 2023 do Tòa án nhân dân tối cao đề ra; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, các Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, phấn đấu kết thúc năm công tác 2023 sẽ giảm đáng kể án tồn đọng để kéo dài; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đề ra.

Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm; chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Trong công tác giải quyết án dân sự (theo nghĩa rộng), hành chính, khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Nâng tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật; nâng tỷ lệ đối thoại thành các khiếu kiện hành chính.

Cùng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Tòa án hai cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng; đầu tư xây dựng, củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và đẩy mạnh việc tổ chức xét xử trực tuyến.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!

Bùi Trang (thực hiện)