Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách lãi suất cực thấp trong cuộc họp cuối cùng của Thống đốc Kuroda
Ngày 10/3, trong cuộc họp cuối cùng do Thống đốc Haruhiko Kuroda chủ trì, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất cực thấp, duy trì chương trình kiểm soát đường cong lợi suất được cho là nguyên nhân bóp méo thị trường trái phiếu.
Kết thúc cuộc họp thiết lập chính sách kéo dài hai ngày, BOJ đã quyết định giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và hướng lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm xuống khoảng 0%, như dự đoán rộng rãi. Đồng đô la Mỹ đã tăng nhanh khoảng 1 USD “ăn” 137 Yên ngay sau khi kết quả được công bố.
Quyết định duy trì chính sách của hội đồng gồm 9 thành viên dựa trên quan điểm rằng lạm phát của Nhật Bản, hiện đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ, sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm nay. Quyết định này để lại tương lai nới lỏng tiền tệ thời ông Kuroda cho ông Kazuo Ueda, học giả sẽ đảm nhận chức vụ Thống đốc vào ngày 9/4 sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn.
Một tuyên bố sau cuộc họp cho biết, BOJ sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm với số lượng không giới hạn để bảo vệ mức trần 0,5% đối với lợi suất chuẩn.
Tăng trần hơn nữa vốn được coi là một động thái tiềm năng tiếp theo của BOJ sau quyết định đột ngột của hồi tháng 12 về việc nâng lợi suất chuẩn từ 0,25%, nhưng động thái này không làm cải thiện hoạt động của thị trường và thay vào đó làm dấy lên kỳ vọng BOJ sẽ chuyển hướng từ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng bất chấp cam kết mạnh mẽ duy trì chính sách này.
Thống đốc Kuroda sắp kết thúc nhiệm kỳ 10 năm của mình mà không đạt được lạm phát ổn định ở mức 2%, mục tiêu được Ngân hàng trung ương sử dụng để biện minh cho các quyết định chính sách đôi khi gây bất ngờ cho thị trường tài chính.
Lập trường kiên định về việc nới lỏng tiền tệ đã khiến BOJ trở thành một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn, vốn đang đẩy mạnh cuộc chiến kiềm chế lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Bất chấp cam kết mới của BOJ nhằm giữ chi phí đi vay ở mức cực thấp trong một thời gian, lợi suất trái phiếu Nhật Bản dự kiến sẽ phải đối mặt với áp lực tăng giá và đồng Yên yếu hơn có thể tiếp tục tồn tại sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu hồi đầu tuần về khả năng tăng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn trong bối cảnh lạm phát cao vẫn còn dai dẳng.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết: “BOJ đã buộc phải mua mạnh trái phiếu chính phủ để duy trì đường cong lợi suất, đây sẽ là mối quan tâm lớn nhất của họ trong thời điểm hiện tại".
Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị của BOJ, kỳ vọng ngân hàng trung ương dưới quyền Thống đốc tiếp theo, sẽ tăng thêm mức trần lãi suất trái phiếu 10 năm hoặc loại bỏ trần vào tháng 4 hoặc tháng 6 nhằm làm cho khuôn khổ nới lỏng tiền tệ hiện tại trở nên "linh hoạt" hơn.
Hiện tại, Ueda, Thống đốc sắp tới của BOJ, có cùng quan điểm với Thống đốc đương nhiệm Kuroda về sự cần thiết phải duy trì nới lỏng tiền tệ. Nhưng ông đã thừa nhận trách nhiệm nặng nề trong việc lãnh đạo ngân hàng trung ương khi không có chỗ cho "những phán đoán sai lầm", để ngỏ khả năng xem xét lại chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trong tương lai.
BOJ cho biết trong tuyên bố của mình rằng họ hy vọng cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn sẽ duy trì "ở mức hiện tại hoặc thấp hơn", cam kết thực hiện việc nới lỏng bổ sung, nếu cần.
Ông Kuroda đảm nhận vị trí Thống đốc BOJ vào năm 2013 khi Ngân hàng trung ương bị các chính trị gia chỉ trích vì chần chừ trong việc nới lỏng tiền tệ.
Trước khi đưa ra quyết định chính sách vào thứ Sáu (10/3), Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki đã đánh giá cao ông Kuroda vì sự dẫn dắt chính sách tiền tệ của ông trong thập kỷ qua đã tạo ra "thành quả lớn" và giúp Nhật Bản thoát khỏi "tình trạng giảm phát".
Tuy nhiên, các điều kiện tiền tệ quá lỏng lẻo đã không thể đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp và nâng cao năng suất, trong khi các tác dụng phụ của nó, đặc biệt là thị trường trái phiếu bị bóp méo và kỷ luật tài khóa lỏng lẻo hơn, đã trở nên rõ ràng hơn.
Cuộc họp chính sách hôm thứ Sáu cũng là cuộc họp cuối cùng của Phó Thống đốc Masayoshi Amamiya, nhân vật chủ chốt trong việc thiết kế khung chính sách trong những năm gần đây, bao gồm cả chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, người từng được coi là ứng cử viên sáng giá để kế nhiệm Kuroda. Phó Thống đốc khác, ông Masazumi Wakatabe, cũng sẽ rời BOJ cùng với ông Amamiya vào ngày 19/3.
(Nguồn: Kyodo News)