Luật Các TCTD (sửa đổi): Nên ưu tiên thứ tự thanh toán cho ngân hàng
Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ, nên ưu tiên thanh toán trước cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD.
Đây là quan điểm của các tổ chức tín dụng (TCTD) khi góp ý về quy định “Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm”, tại Điều 192 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trên thực tế, qua hơn 5 năm triển khai, các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói chung và quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nói riêng đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể: theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ đối với tổ chức tín dụng trước khi thanh toán nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm (bao gồm cả án phí).
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, việc lấy từ nguồn khác của bên bảo đảm gây khó khăn cho cơ quan thuế, cơ quan thi hành án dẫn đến ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước nên các cơ quan có thẩm quyền vẫn trích luôn số tiền thuế, án phí và cả các khoản nợ thuế khác của bên bảo đảm từ số tiền xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời, việc áp dụng quy định pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh của các cơ quan có liên quan trên thực tế là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Trên cơ sở các nội dung nêu trên, tại Điều 192, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), NHNN trình Chính phủ 2 phương án để xin ý kiến, cụ thể:
Phương án 1: Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ưu điểm của phương án này là quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ được áp dụng một cách hiệu quả, rõ ràng trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC. Đảm bảo số tiền thu được từ việc xử lý nợ xấu sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại TCTD, góp phần cho việc thu hồi nợ của TCTD đạt được hiệu quả tối ưu.
Còn về nhược điểm đó là sẽ gây khó khăn trong việc thu thuế, án phí khi số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không đủ để thanh toán cho các nghĩa vụ của bên bảo đảm.
Phương án 2: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán cho các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, án phí sau đó sẽ thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại TCTD. TCTD sẽ không phải nộp thay cho bên bảo đảm các khoản thuế, phí không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm (nợ thuế, phí khác của doanh nghiệp, cá nhân…).
Ưu điểm của phương án này sẽ bảo đảm việc thu thuế, án phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản không bị ảnh hưởng, đảm bảo việc thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhược điểm sẽ làm giảm số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm khi số tiền này không đủ để thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên vay/bên bảo đảm tại TCTD. Từ đó làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD.
Góp ý dự thảo Luật, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiến nghị, Luật cần quy định rõ: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD trước khi thanh toán các nghĩa vụ khác của bên bảo đảm (bao gồm cả các nghĩa vụ thuế, án phí, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm).
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 các ngân hàng nhận thấy có một số điểm cần chỉnh sửa, trong đó thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm cần phải được cụ thể hóa để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trước cho các TCTD. Qua đó, góp phần giúp cho công tác xử lý thu hồi nợ được nâng cao và rút ngắn thời gian thu hồi nợ xấu cho các TCTD, đồng thời, các TCTD thu hồi vốn nhanh và tái vòng đầu tư phục vụ vốn cho nền kinh tế.
“Tại Điều 12, Nghị quyết 42/2017/QH14 chưa xác định rõ ‘nghĩa vụ khác’ trong đó có bao gồm án phí hay không?. Do đó, trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) làm rõ được điều này sẽ giúp giải tỏa ách tắc cho các TCTD trong quá trình xử lý thu hồi nợ xấu”, đại diện Vietcombank nêu quan điểm.