Chuyên gia: Giảm lãi suất điều hành là bước đi sáng suốt và kịp thời
Quyết định giảm một số lãi suất điều hành từ ngày 15/3 của Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên môn đánh giá là bước đi sáng suốt và kịp thời.
Chiều ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên từ ngày 15/3, cụ thể:
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Nhận định về quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Chứng khoán (CTCK) SSI đánh giá, các yếu tố vĩ mô quốc tế đang ủng hộ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng của Việt Nam. Do đó, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là bước đi sáng suốt và kịp thời trong bối cảnh hiện tại và được kỳ vọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Kênh chứng khoán cực kỳ nhạy cảm và tương quan nghịch với lãi suất nên đây là thông tin cực kỳ tích cực cho nhóm ngân hàng”, CTCK SSI nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đánh giá: “giảm một số lãi suất điều hành là động thái đi tắt đón đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng là sự linh hoạt của cơ quan này trong điều hành chính sách tiền tệ”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quyết định giảm lãi suất có thể là phản ứng của NHNN với sự kiện 2 ngân hàng sụp đổ đang xảy ra ở Mỹ. Một trong những nguyên nhân khiến hai ngân hàng này sụp đổ là do lãi suất tăng, khiến họ phải bán trái phiếu ra với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều, dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Hiện tại trên thế giới, mọi người đều đang đặt vấn đề là liệu lãi suất có quá cao hay không?.
Bên cạnh đó, có thể Ngân hàng Nhà nước nhìn thấy rằng, lãi suất cao sẽ phá huỷ nền kinh tế nên đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong 6 chỉ tiêu trong mô hình CAMELS để đánh giá sức khoẻ ngân hàng thì có 2 chỉ tiêu các ngân hàng đang gặp thử thách, đó là Liquidity (thanh khoản) và Sensitivity (độ nhạy cảm với các rủi ro của thị trường).
“Vấn đề của Sensitivity hiện nay chính là lãi suất của chúng ta đang rất cao. Thời gian vừa qua, một số ngân hàng lớn cũng đã giảm lãi suất nhưng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề và cho biết thêm: “Lãi suất cao, tuy một mặt phục vụ cho kiểm soát lạm phát nhưng mặt khác đánh mạnh vào nền kinh tế, khiến nhiều thị trường rơi vào khó khăn. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ nền kinh tế thời gian tới”.
Với các bước giảm lãi suất khá mạnh, giới chuyên môn kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng dồi dào tính thanh khoản hơn. Tuy nhiên, điều này còn cần phải quan sát bởi thị trường còn nhiều biến động và thách thức. Bởi, vấn đề thiếu hụt thanh khoản thời gian qua còn một phần đến từ nợ xấu có xu hướng tăng lên do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Vậy nên lãi suất huy động vẫn còn cao, khiến lãi suất cho vay khó giảm mạnh.
Với quyết định giảm lãi suất lần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Về định hướng điều hành thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi; Tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.