Pháp luật - Nghiệp vụ

Vi phạm hành chính về kiểm toán nhà nước, phạt tối đa 100 triệu đồng

Bùi Trang 17/03/2023 08:47

Theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng; tổ chức là 100 triệu đồng.

cong-bo-phap-lenh.jpg

Ngày 16/3, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước giới thiệu một số nội dung chính về pháp lệnh. Theo đó, cơ cấu pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều.

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp lệnh này phải bị xử phạt hành chính.

Theo Điều 4 Pháp lệnh, đối tượng bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước gồm cá nhân và tổ chức được quy định tại pháp lệnh này.

Tuy nhiên, theo điều 3, pháp lệnh cũng quy định về trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về hình thức xử phạt, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong 2 hình thức gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền.

Pháp lệnh cũng quy định 2 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: “buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực”; “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước”.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng; tổ chức là 100 triệu đồng.

7 nhóm hành vi vi phạm là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế gồm: “vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ (Điều 8)”, “vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán (Điều 9)”, “vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán (Điều 10)”, “hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán (Điều 11)”, “hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của kiểm toán nhà nước” (Điều 12), “hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán (Điều 13), “vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến ngị kiểm toán của kiểm toán nhà nước (Điều 14)”.

Đặc biệt, theo Điều 12, trường hợp mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán (khoản 1) hoặc cản trở công việc của kiểm toán nhà nước và kiểm toán viên nhà nước (khoản 2) thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng.

Theo Điều 15 Pháp lệnh này, người có thẩm quyền lập biên bản gồm kiểm toán viên nhà nước, tổ chức tổ kiểm toán, phó trưởng đoàn kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán trưởng.

Trưởng đoàn kiểm toán và kiểm toán trưởng có thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 15 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt được quy định tại Điều 69 Luật Kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; quyền khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện được theo quy định Điều 69a của Luật Kiểm toán nhà nước.

Ông Nguyễn Quán Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên vẫn thiếu quy định về chế tài xử phạt. Do vậy, việc Quốc hội thông qua Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao tính hiệu lực, tính nghiêm minh của pháp luật.

phaplenhkiemtoan-16792172541931712826101(1).jpg

Bùi Trang