Luật Các TCTD (sửa đổi): Cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động kiểm toán
Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo nên có những quy định cụ thể, rõ ràng để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong các hoạt động kiểm toán.
Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại diện Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết, các quy định về kiểm toán nội bộ nếu không được làm rõ sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình thực thi Luật khi được ban hành.
Ví như tại Khoản 3, Điều 39 dự thảo Luật quy định: “3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thuê công ty kiểm toán độc lập đánh giá một phần hoặc toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ khi xét thấy cần thiết”.
Theo đại diện ANZ Việt Nam, quy định như vậy là tạo cơ sở pháp lý để ngân hàng đưa ra hướng dẫn về việc thuê công ty kiểm toán độc lập đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, đại diện ANZ Việt Nam đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này thì cân nhắc đến khả năng cung cấp dịch vụ của các công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo quy định được triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Hay với các quy định về “kiểm toán nội bộ”, tại Điều 40 dự thảo Luật, đại diện ANZ Việt Nam cho rằng, hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với hướng dẫn của NHNN và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hiện nay, các thông tư hướng dẫn về hoạt động kiểm toán độc lập đối với hoạt động kiểm soát nội bộ (Thông tư 39/2011/TT-NHNN được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 24/2021/TT-NHNN) quy định việc đánh giá định kỳ này được thực hiện đối với toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ. Đại diện ANZ Việt Nam cho biết, điều này thực sự là một thách thức và khó khăn rất lớn đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như các công ty kiểm toán độc lập. Bởi, hiện nay chưa có công ty kiểm toán độc lập nào trên thị trường Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ.
“Kính đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 40 theo hướng cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể quyết định phạm vi đánh giá dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá hàng năm cũng như là chính sách quản lý rủi ro của tổ chức”, đại diện ANZ Việt Nam đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có văn bản gửi tới NHNN nêu cụ thể những vướng mắc liên quan đến kiểm toán đối với hoạt động kiểm soát nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiệp hội Ngân hàng cho biết, quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TTNHNN quy định về kiểm toán độc lập khiến các TCTD đang gặp vướng mắc. Bởi phạm vi kiểm toán sẽ bao gồm toàn bộ các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định và cơ cấu tổ chức.
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang thiết lập hệ thống kiểm soát đối với tất cả các hoạt động bao gồm tín dụng, thanh toán, nguồn vốn, công nghệ thông tin, tài chính kế toán, quản trị rủi ro và tuân thủ... và ở tất cả các đơn vị của ngân hàng từ các phòng ban Hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch. Như vậy, phạm vi kiểm toán theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24 là quá lớn, các tổ chức kiểm toán độc lập rất khó để đánh giá, đưa ra ý kiến kiểm toán đối với toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng.
Hơn nữa, do chưa có hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2021/TT-NHNN, nên bản thân các công ty kiểm toán chưa xác định được phạm vi và cách thức để thực hiện kiểm toán đối với nội dung trên theo đề nghị của các ngân hàng. Vì vậy, mặc dù Thông tư 24/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, song đến nhiều ngân hàng cho biết chưa thực hiện được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24 về kiểm toán độc lập hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, tạo thuận lợi cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như các công ty kiểm toán trong việc thực hiện và tuân thủ đúng quy định pháp luật, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị: Tạm hoãn thời điểm áp dụng Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2021/TTNHNN cho đến khi NHNN ban hành hướng dẫn Bộ tiêu chí làm thước đo để đánh giá tính hiệu quả của đối tượng được kiểm toán, làm cơ sở để tổ chức kiểm toán độc lập xây dựng thủ tục kiểm toán; đồng thời, cụ thể hóa phạm vi cần kiểm toán liên quan đến Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24, đảm bảo những nội dung có thể thực hiện được trong phạm vi và thời gian hợp lý.
Quay trở lại với dự thảo Luật, quy định về kiểm “Kiểm toán độc lập” cũng nhận được sự quan tâm của các TCTD. Đặc biệt với quy định tại Khoản 3 Điều 41: “3. Tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Các TCTD cho biết, các quy định hiện hành dẫn đến 2 cách hiểu: (i) Khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại ít nhất 1 lần; (ii) Khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại cho đến khi hết ý kiến ngoại trừ. Thực tế, có những trường hợp kiểm toán thì công ty kiểm toán độc lập sẽ có ý kiến ngoại trừ liên tục.
Đồng thời, khi thực hiện theo quy định của pháp luật, các TCTD rất khó tìm được tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính vì việc một doanh nghiệp thực hiện kiểm toán lại một báo cáo tài chính đã được một doanh nghiệp kiểm toán khác kiểm toán cũng làm phát sinh nguy cơ tương tự và có thể ở mức độ nghiêm trọng hơn so với kết quả kiểm toán lúc trước (theo quy định tại chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được ban hành kèm theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/05/2015).
Trong trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ thì ý kiến kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lại sẽ khó thay đổi và vẫn là ý kiến ngoại trừ. Như vậy, việc kiểm toán lại không mang giá trị tăng thêm cho người sử dụng báo cáo tài chính mà phát sinh thêm chi phí và thời gian cho TCTD.
Theo Chuẩn mực kiểm toán số 705 được ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các công ty kiểm toán có thể đưa ra 03 dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần và được chia theo mức độ tiêu cực tăng dần như sau: (1) Ý kiến ngoại trừ; (2) Từ chối đưa ra ý kiến; (3) Ý kiến trái ngược. Do đó, trường hợp tổ chức kiểm toán có ý kiến “từ chối đưa ra ý kiến” hoặc “kiến trái ngược” thì chưa quy định có kiểm toán lại không?...
Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến “Kiểm toán độc lập”, tại dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) NHNN đã đưa ra 2 phương án để trình Chính phủ xem xét, cụ thể:
Phương án 1: Bỏ khoản 3 Điều 42 Luật các TCTD.
Ưu điểm của phương án này giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế của TCTD trong việc tìm tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo của TCTD. Đồng thời, giúp giảm chi phí và thời gian cho TCTD trong việc thuê tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán lại.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa quy định rõ thẩm quyền của NHNN trong việc yêu cầu TCTD kiểm toán lại trong trường hợp báo cáo có ý kiến ngoại trừ, ý kiến kiểm toán trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.
Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật như sau: “3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện kiểm toán độc lập lại khi báo cáo có ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo NHNN có quyền yêu cầu các TCTD thực hiện kiểm toán độc lập lại khi xét thấy ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của kiểm toán độc lập có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến việc đánh giá tình hình tài chính của TCTD để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng. Đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho TCTD do không bắt buộc phải kiểm toán lại trong mọi trường hợp mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu của NHNN.
Tuy nhiên, nhược điểm là có thể vẫn phát sinh vướng mắc của TCTD trong việc tìm tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo của TCTD khi có yêu cầu của NHNN. Do đó, chưa giải quyết được triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
Như vậy, khi một trong 2 phương án được thông qua, những vướng mắc của các TCTD liên quan đến kiểm toán độc lập như hiện nay sẽ được tháo gỡ.