Khơi thông thị trường vốn: Đề xuất bảo hiểm cho trái phiếu
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp nhưng theo các chuyên gia vấn đề quan trọng nhất hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư. Đã có ý kiến đề xuất giải pháp bảo hiểm cho trái phiếu doanh nghiệp…
“Nút thắt” trái phiếu doanh nghiệp
Phát biểu tại Toạ đàm: “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức ngày 17/3, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đánh giá, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, cùng với những vấn đề phát sinh trong nước và những tác động tiêu cực dài hạn của dịch COVID-19, khu vực DN đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với DN.
DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư trung và dài hạn. Các kênh huy động vốn của DN hầu như đang bị “tắc”, từ TPDN, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng. Đầu tư công được xem là cứu cánh của nền kinh tế - là vốn mồi cho DN thuộc các thành phần kinh tế, nhưng tiến độ giải ngân chậm.
Mặc dù năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15%, nhưng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77% bằng 1/3 mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không kịp thời có các giải pháp đồng bộ thì rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng đã đề ra.
Theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn, hơn 764 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân trong 2 tháng đầu năm mới đạt 6,5% kế hoạch.
“Trong các nút thắt nói trên, TPDN là vấn đề nan giải nhất, và là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn tới sự căng thẳng liên thông trên thị trường cổ phiếu lẫn tín dụng ngân hàng…”- TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt để từng bước giải quyết các khó khăn trên thị trường vốn. Trong đó đáng chú ý là Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) ngày 5/3/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 08 có nhiều quy định mới đáng chú ý, như thanh toán trái phiếu bằng tài sản, gia hạn thời hạn tối đa 2 năm, tạm dừng áp dụng quy định mới về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay bắt buộc xếp hạng tín nhiệm…
Cũng cố niềm tin nhà đầu tư
Tại Tọa đàm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dẫn số liệu thống kê cho biết, tổng quy mô phát hành TPDN năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi 2 tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng TPDN được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.
“Điều này cho thấy thị trường TPDN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng TPDN đáo hạn cao, tâm lý NĐT chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, DN và NĐT chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới…”- Chuyên gia phân tích. Đồng thời nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng của thị trường vốn trong đó có thị trường TPDN, đó là “Minh bạch, thị trường, chuyên nghiệp” và thị trường có được 3 yếu tố này thì từ đó mới tạo niềm tin cho NĐT.
“Trước mắt, cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN để lấy lại niềm tin của NĐT; kiểm soát việc đại chúng hoá ở thị trường thứ cấp như thời gian qua; khuyến khích các tổ chức tư vấn độc lập về đầu tư trái phiếu; nâng cao chất lượng dòng tiền của tổ chức phát hành…”, Chuyên gia đề xuất.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, Nghị định 08 mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc VietinBank Securities nhận định, dù Nghị định 08 đã tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên cần khuyến khích đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các DN phát hành trái phiếu. “Cần xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của NĐT, làm minh bạch thị trường; cùng với đó, có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực; tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế…”, đại diện VietinBank Securities nhấn mạnh.
Bảo hiểm trái phiếu doang nghiệp- Tại sao không?
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế TW) quả quyết: “Muốn phát triển bền vững phải củng cố niềm tin. Cốt lõi của thị trường hiện nay là niềm tin. Niềm tin xuất phát từ 2 phần: Một là ở thị trường, vĩ mô ổn định. Hai là, các khoản đầu tư của NĐT được bảo vệ, luật là công bằng với các bên…”
Theo chuyên gia đến từ Ban Kinh tế TW, trên thị trường TPDN đang giai đoạn phát triển như Việt Nam, để củng cổ niềm tin là xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì DN Việt Nam không bao giờ qua được xếp hạng quốc gia và hiện nay xếp hạng quốc gia của Việt Nam là chưa phải mức khuyến cáo đầu tư nên thị trường sẽ đưa thông điệp rất khác với thị trường trong nước.
“Theo đó, cùng quá trình phát triển thị trường, cần có xếp hạng tín nhiệm vẫn theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn phải khuyến khích đầu tư. Trong bối cảnh, bản thân các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cũng đang xây dựng tín nhiệm, chúng ta quên mất vai trò của bảo hiểm. Nếu có bảo hiểm đầu tư, đánh giá rủi và bán rủi ro (công ty bảo hiểm), khi có rủi ro thì nhà đầu tư đã có bảo hiểm thì nhà đầu tư sẽ tín nhiệm, tin và “xuống tiền…”, ông Tú Anh nêu vấn đề.
Đồng tình với đề xuất này, nhưng theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường cách đây hơn 20 năm,
Theo ông Sơn, cần phân biệt giữa TPDN công và TPDN riêng lẻ. “Hiểu nôm na, trái phiếu phát hành riêng lẻ ra công chúng thì được quản lý chặt chẽ, phát hành cho người ít hiểu biết cho thị trường. Chào bán riêng lẻ là cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành. Vậy, cần bảo hiểm hay không? Nếu có thì đưa vào giá vốn phát hành. Một DN phát hành TPDN sẽ phát hành 10%-12%, nhưng giá vốn lên đến 15%, cần thiết mua thì có thôi, nhưng giá mua vốn đội lên. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có cần thiết không? Cái đó thì thị trường sẽ giải quyết!”- ông Sơn gợi ý.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường,UBCKNN cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ có định chế được thành lập từ năm 1970 để bảo hiểm cho khoản đầu tư nhằm bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trên tài khoản đó không bị mất vì những lý do trái pháp luật trên thị trường như bị ăn cắp tiền trên tài khoản hoặc sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư, thông qua cơ chế yêu cầu công ty chứng khoán phải nộp khoản tiền nhất định.
“Do đó, ở đây cần suy nghĩ về tính khả thi của việc bảo hiểm giá trị của khoản trái phiếu đó, nó phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành…”- Bà Bình gợi ý.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu quả quyết: ”Không có bảo hiểm nào cho trái phiếu. Ở Mỹ không có công ty nào dám bảo hiểm bởi chi phí bảo hiểm rất cao. Thành ra các trái phiếu chỉ có bảo lãnh thì chỉ có một ngân hàng nào đó đứng ra bảo lãnh trái phiếu đó. Mô hình bảo hiểm trái phiếu không thể áp dụng và không khả thi….”
Tuy nhiên các ý kiến vẫn thiên về việc cần có bảo hiểm cho trái phiếu song đây không phải là quy định bắt buộc, có lựa chọn tạo điều kiện thị trường phát triển.
“Tôi rất hoan nghênh những ý kiến đề xuất vấn đề mới. Bảo hiểm trái phiếu là sáng kiến, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc nghiên cứu xem có khả thi để áp dụng tại Việt Nam hay không…:- TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đề nghị.