Các Hiệp hội ngành, nghề

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm

B.N 19/03/2023 08:07

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban sáng ngày 18/3/2023.

Các ý kiến tại hội nghị nhận định, sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được những thành quả nhất định, như hình thành được cơ quan chuyên trách thực hiện đại diện quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty; làm đầu mối của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương; chỉ đạo triển khai các dự án quan trọng của doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty - Ảnh 6.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Sau khi chuyển về Ủy ban, vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời tham gia tốt công tác an sinh xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn còn có những hạn chế.

Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty - Ảnh 7.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, kết quả đã đạt được của Ủy ban và các doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023-năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là mô hình mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trước đó và tham khảo kinh nghiệm thế giới, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, bản thân nền kinh tế cũng có nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, kết quả đã đạt được của Ủy ban và các doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước.

Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…

Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty - Ảnh 9.

Thủ tướng: Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan lớn: Vướng mắc lớn nhất là về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc nói chung là chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả; cần sự nỗ lực, cố gắng, chủ động hơn nữa của Ủy ban và các doanh nghiệp. Trong khi đó, Ủy ban là mô hình mới, cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết, có trách nhiệm với nhau, chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, tổng công ty. Các doanh nghiệp phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, không trông chờ, ỷ lại, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và Chính phủ sẽ tích cực, khẩn trương xử lý các đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác; điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng. Đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng điều kiện mới và hoàn cảnh Việt Nam.

Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, các ngành mới nổi liên quan tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…

Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, chủ trương lớn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực.

Ủy ban tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình Ủy ban tốt nhất có thể, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao; tích cực, chủ động xử lý xong dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số… cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch để tìm được người tài; nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các vấn đề phát sinh, vượt quá thẩm quyền… để huy động nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Thường vụ Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023. 

Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước. Góp ý với Uỷ ban hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định đối với Đề án đầu tư tổng thể cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó có Uỷ ban.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất tăng cường hiệu lực, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, chính sách đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào phát triển kinh tế-xã hội để nhanh chóng khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, không để các vướng mắc về thể chế, chính sách đã được nêu tại Hội nghị này tiếp tục trở thành điểm nghẽn cho Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời, chủ trì, nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển riêng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì sửa đổi quy định về chuyển mục đích Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư cho các vườn ươm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo...

Tại hội nghị, đại diện một số tập đoàn, tổng công ty đã có kiến nghị gỡ vướng cơ chế để khơi thông nguồn lực

PVN đề xuất kiến nghị: Cần sớm có các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đặc biệt là vấn đề đầu tư ra nước ngoài.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng

PVN: Cần sớm có các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đặc biệt là vấn đề đầu tư ra nước ngoài

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn đặt ra các chỉ tiêu đầu tư năm 2023 khoảng hơn 57,8 nghìn tỷ phân bổ cho các lĩnh vực cốt lõi như khai thác dầu khí, công nghiệp điện, công nghiệp khí, lọc hoá dầu…

Với kịch bản giá dầu giả định là 70 USD/thùng, PVN phấn đấu hoàn thành tốt nhất doanh thu lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều vượt tiến độ đã đề ra. 

Tuy nhiên, với những khó khăn về cơ chế giải ngân vốn đầu tư các dự án lớn hiện nay, PVN đề xuất kiến nghị: Cần sớm có các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đặc biệt là vấn đề đầu tư ra nước ngoài.

Đại diện PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho chuỗi dự án như: Đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Ô Môn II…Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án nhà máy điện Ô Môn III để EVN có thể triển khai thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ cấp khí thượng nguồn.

Vinafood1 kiến nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả và tận dụng được cơ hội.

Chủ  tịch HĐTV Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) Bùi Thị Thanh

Vinafood1: Hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả và tận dụng được cơ hội

Chủ  tịch HĐTV Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) Bùi Thị Thanh Tâm, cho biết từ khi thành lập, Vinafood 1 hoạt động luôn có lãi, bảo toàn và phát triển tốt vốn của Nhà nước. Doanh nghiệp này luôn bảo đảm cung cấp lương thực kịp thời ngay cả những thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. Hiện nay ngoài thu mua gạo, doanh nghiệp còn thu mua và chế biến các loại nông sản khác với số lượng lớn.

Nắm bắt xu hướng các quốc gia đề cao vấn đề an ninh lương thực sau đại dịch, giám sát chặt chẽ hơn việc xuất nhập khẩu, thời gian tới, Vinafood1 sẽ tiếp tục phát triển mảng chế biến lương thực, nông sản, đáp ứng được các thị trường khó tính.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm mở rộng hợp tác với các đối tác lớn, có trình độ quản trị vượt trội, phát triển các thị trường mới tiềm năng.

Hiện Vinafood1 cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và hàng trăm doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này, do đó, Vinafood1 kiến nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả và tận dụng được cơ hội.

Về công tác cán bộ, hiện đang có sự chuyển dịch lớn từ khu vực nhà nước sang tư nhân và các doanh nghiệp FDI, nơi có chế độ đãi ngộ cao hơn, cơ chế tuyển chọn lại đơn giản hơn, do đó, cần sớm có cơ chế thông thoáng trong việc bổ nhiệm các cán bộ cấp lãnh đạo.

B.N