Tài chính - Tiền tệ tuần 13 - 17/3: Lãi suất liên ngân hàng giảm hầu hết các phiên
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá liên ngân hàng giảm, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh qua các phiên, hoạt động bơm ròng tiếp tục diễn ra trên thị trường mở, thị trường chứng khoán giảm điểm ở hầu hết các phiên… là những diễn biến chính của thị trường tài chính - tiềm tệ tuần qua.
Tổng quan:
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Chính phủ đặt ra các mục tiêu để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS như sau: (i) tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án BĐS, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…; (ii) tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; (iii) tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, trong đó: (i) đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường; (ii) thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả; (iii) thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (XH), nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 01 triệu căn nhà ở XH.
Trong Nghị quyết số 33, Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm phải coi lĩnh vực BĐS bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác; tôn trọng và để thị trường BĐS tuân theo những quy luật thị trường, quy luật cung - cầu, cạnh tranh, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển.
Tại Nghị quyết lần này Chính phủ đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng; đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở XH; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); việc tổ chức thực hiện của các địa phương; truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS. Trong đó, các nhiệm vụ quan trọng gồm:
Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, BĐS đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)... Tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”. Cùng với đó, khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển nhà ở XH. Nghị quyết nêu rõ, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở XH nói riêng, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở XH” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở XH trong thời gian tới. Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở XH, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở XH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở XH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các NHTM ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Thứ ba, về nguồn vốn tín dụng, tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT), đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường BĐS nói chung. Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các DN BĐS khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án BĐS nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở XH, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…; có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.
Thứ tư, về nguồn vốn TPDN, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các DN kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; kiểm soát hoạt động huy động vốn của các DN kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá; tạo điều kiện, không làm cản trở các DN có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh,... có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường TPDN một cách an toàn, lành mạnh, bền vững.
Việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, đúng-đủ được các DN và nhà đầu tư kỳ vọng sẽ sớm khơi thông những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường BĐS để thị trường hồi phục, ổn định và phát triển.
Tóm lược thị trường tiền tệ - tài chính trong nước
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 13 - 17/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt ngày 17/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.620 VND/USD, giảm 19 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng cũng biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.591 VND/USD, giảm 89 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng nằm trong xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên 17/03, tỷ giá tự do giảm 165 đồng ở chiều mua vào và 145 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.550 VND/USD và 23.620 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 13 - 17/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt ngày 17/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 3,50% (-2,70 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần là 4,0% (-2,42 đpt); 2 tuần là 4,58% (-2,05 đpt);1 tháng là 5,78% (-1,32 đpt).
Lãi suất USD LNH duy trì biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần ngày 17/3, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,46% (+0,02 đpt); 1 tuần 4,58% (+0,02 đpt); 2 tuần 4,72% (+0,02 đpt) và1 tháng 4,87% (+0,05 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 13 - 17/3, NHNN chào thầu 50.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 2 phiên đầu là 7 ngày, đấu thầu lãi suất, 3 phiên cuối tuần là 28 ngày với lãi suất 5,5%. Có 3.105,15 tỷ đồng trúng thầu; có 34.238,39 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua; có 83.599,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 52.466,56 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 3.105,15 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 110.699,8 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 15/3, KBNN huy động 10.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 10.450 tỷ đồng (đạt 99%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 700 tỷ, 7 năm 750 tỷ, 10 năm và 15 năm cùng huy động được 4.500 tỷ.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5 năm 3,68% (+0,03 đpt so lần trúng thầu trước); 7 năm 3,86% (không thay đổi), 10 năm 4,02% (-0,05 đpt) và 15 năm 4,20% (-0,07 đpt).
Tuần vừa qua không có khối lượng đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần ngày 20 – 24/03, Kho bạc Nhà nước (KBNN) dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm gọi 2.000 tỷ và kỳ hạn 30 năm gọi 2.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.134 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 5.128 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 17/3, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm là 3,6% (-0,21 đpt); 2 năm là 3,61% (-0,21 đpt); 3 năm là 3,63% (-0,21 đpt); 5 năm là 3,66% (-0,22đpt); 7 năm là 3,68% (-0,29 đpt); 10 là năm 3,91% (-0,41 đpt); 15 năm là 4,04% (-0,39 đpt); 30 năm là 4,78% (-0,16 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 13 - 17/03, thị trường chứng khoán giảm điểm ở hầu hết các phiên, chỉ có 1 phiên khởi sắc tích cực. Chốt ngày 17/3, VN-Index đứng ở mức 1.045,14 điểm, giảm 7,86 điểm (-0,75%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 3,39 điểm (-1,63%) về mức 204,47 điểm; UPCom-Index hạ 0,34 điểm (-0,44%) còn 76,43 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện, với giá trị giao dịch trung bình đạt gần 11.300 tỷ đồng/phiên so với 8.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng hơn 820 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận nhiều thông tin quan trọng trong tuần vừa qua. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng của tháng 1 và vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo.
Bên cạnh đó, CPI toàn phần cũng tăng 0,4% theo tháng, sau khi tăng 0,5% trong tháng 1/2023, khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần và CPI lõi tháng 2/2023 lần lượt tăng 6,0% và 5,5%, cùng thấp hơn mức 6,4% và 5,6% của tháng trước đó.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi tại Mỹ đi ngang trong tháng 2/2023 sau khi tăng nhẹ 0,1% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. PPI toàn phần tại quốc gia này giảm nhẹ 0,1% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 0,3% ở tháng 1, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,3%. So với cùng kỳ 2022, PPI lõi và PPI toàn phần lần lượt tăng 4,4% và 4,6%. Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt giảm 0,1% và 0,4% theo tháng trong tháng 2/2023 sau khi cùng tăng mạnh 2,4% và 3,2% ở tháng 1/2023, gần sát với mức giảm 0,1% và 0,3% theo dự báo.
Như vậy, hai chỉ số này lần lượt tăng 5,4% và 6,4% so cùng kỳ năm 2022. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 63,4 điểm trong tháng 3/2023, giảm xuống từ 67,0 điểm của tháng trước, thấp hơn mức 66,9 điểm theo dự báo.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ sở. Ngày 16/3, ECB dự báo lạm phát của khu vực Eurozone sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Cụ thể, lạm phát bình quân 2023 là 5,3%; 2024 là 2,9% và 2025 là 2,1% (đã điều chỉnh giảm so dự báo tháng 12/2022 là 6,3% năm 2023 và 3,4% năm 2024).
Ngoài ra, ECB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ tích cực hơn do giá năng lượng suy yếu và thị trường lao động mạnh mẽ. Cụ thể, GDP Eurozone được dự báo tăng 1,0% năm 2023 và 1,6% mỗi năm trong 2024 và 2025.
Theo đó, cơ quan này quyết định tiếp tục tăng lãi suất cơ sở thêm 50 điểm cơ bản, nhằm đảm bảo lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn.
Sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi tại ECB lần lượt tăng lên 3,5%; 3,75% và 3,0%. ECB cam kết theo dõi sát diễn biến thị trường và sẵn sàng phản ứng nếu cần thiết để duy trì sự ổn định giá cả tại Eurozone.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Eurozone, sản lượng công nghiệp tại khu vực này tăng 0,7% theo tháng trong tháng 1 sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 0,3% theo kỳ vọng.
Về lạm phát, CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone chính thức tăng 8,5% và 5,6% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023, điều chỉnh nhẹ so với mức tăng 8,6% và 5,6% theo kết quả thống kê sơ bộ.
Tỷ giá ngày 17/3:
- USD = 0.938 EUR (-0.58% d/d); EUR = 1.067 USD (0.58% d/d)
- USD = 0.821 GBP (-0.56% d/d); GBP = 1.218 USD (0.56% d/d)
- GBP = 1.141 EUR (-0.01% d/d); EUR = 0.876 GBP (0.01% d/d).
Nguồn: MSB Research