Chứng khoán

Ngành gỗ: Khuyến nghị trung lập khi đến 2024 nhu cầu mới phục hồi

Bùi Trang 21/03/2023 08:10

Báo cáo ngành gỗ của Công ty chứng khoán VNDIRECT đưa ra khuyến nghị trung lập với cổ phiếu ngành gỗ bởi nhu cầu phải đến năm 2024 mới phục hồi.

nganh-go.jpg

Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm 6,8% so với cùng kỳ do đơn hàng suy yếu. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch tiếp tục giảm 17% so với với cùng.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của VNDIRECT đánh giá đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện từ cả thị trường trong nước và thế giới.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 3,8 điểm, 0,9 điểm và 2,6 điểm so với tháng trước. Lạm phát tại Mỹ và EU cũng đang hạ nhiệt trong 2 tháng 2023. Với các chỉ số đang có dấu hiệu phục hồi, lĩnh vực xuất khẩu sẽ bớt khó khăn hơn trong quý II/2023 và phục hồi dần trong quý III/2023.

Năm 2022, khoảng 90% giá trị G&SPG của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Mỹ và tiếp theo là Trung Quốc với 13,4%.

Triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4%. Điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1% trong năm 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.

Theo Hiệp hội các nhà xây dựng nhà Quốc gia (Mỹ), doanh số bán nhà cho một hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 744.000 căn (-25,5% so với cùng kỳ) trong năm 2023 trước khi tăng trở lại 925.000 căn vào năm 2024. Trong khi Forest Economic Advisors dự phóng nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3 % vào năm 2023, sau khi giảm 1,6% trong năm 2022 do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, đến năm 2024 dự báo tăng 7,5% so với cùng kỳ ở mức 62,5 tỷ feet (BBF).

Tại Việt Nam, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành gỗ hiện được giao dịch ở mức P/E trượt trung bình là 9,3 lần. VNDIRECT cho rằng việc định giá cổ phiếu G&SPG đang ở mức hợp lý do nhu cầu toàn cầu giảm và áp lực tới biên lợi nhuận gộp vẫn còn ít nhất cho đến quý IV/2023.

VNDIRECT đưa ra khuyến nghị trung lập với cổ phiếu gỗ và cho rằng nhà đầu tư nên chờ đợi những tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn để đầu tư vào cổ phiếu gỗ. Động lực tăng giá là việc kiểm soát lạm phát tốt hơn kỳ vọng tại thị trường Mỹ. Rủi ro giảm giá là nhu cầu nhà ở yếu hơn dự kiến ở thị trường nước ngoài do những diễn biến vĩ mô bất lợi.

Bùi Trang