Vấn đề - Nhận định

“Bùng nợ” sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật 

Đoàn Hằng 22/03/2023 08:05

Các hội nhóm "bùng app vay tiền", “bùng vay nợ công ty tài chính”... mọc lên tràn lan trên mạng xã hội đang thu hút rất nhiều người tham gia để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm "bùng" nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng, công ty tài chính. Đây là hành vi sai trái, các “con nợ” không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nở rộ hội/nhóm hướng dẫn cách “bùng nợ” vay công ty tài chính tiêu dùng trên mạng xã hội

Theo khảo sát của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, trên các trang mạng xã hội, các hội/nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay từ công ty tài chính, ngân hàng mọc lên ngày càng nhiều.

Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội/nhóm kín/mở, với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Hội bùng App vay tiền Online và chia sẻ cách đối phó (59.000 thành viên); Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu FE, Home Credit, app... (26.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (97.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (10.000 thành viên); Hội Bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (3.500 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (87.000 thành viên); Hội bùng tiền FE Credit – Lừa đảo người tiêu dùng (5.900 thành viên); Cập nhật App vay mới – cách bùng App vay và… (100.497 thành viên); Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng (27.000 thành viên); Hội bùng App, web, FE vay online và chia sẻ kinh nghiệm…(37.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và cách đối phó (2.600 thành viên); Chuyên tư vấn bùng nợ-xóa nợ xấu FE, Home Credit, App….(43.000 thành viên); Chuyên tư vấn-bùng nợ-xóa nợ xấu NO1 (21.000 thành viên); Bùng nợ Fe Credit, tổ chức tín dụng ngân hàng (10.000 thành viên)….

bung-no.jpg
Các hội/nhóm chia sẻ cách "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hành vi sai trái, các “con nợ” không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mỗi ngày, trên các hội nhóm như vậy, hàng chục bài chia sẻ về trải nghiệm quỵt nợ được đăng tải. Không khó để nhận ra nội dung các bài viết tại các hội/nhóm này là hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay tiền công ty tài chính tiêu dùng, vay qua App, thậm chí là vay ngân hàng…

Theo chia sẻ của một số chuyên gia tài chính, do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật nên dẫn đến không ít khách hàng vay tiền nhưng cố tình tìm cách “bùng nợ”, mà không nghĩ đến hậu quả pháp luật sẽ phải gánh chịu.

Uy tín và hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Việt Nam đang có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính này đã tạo điều kiện thuận lợi để các phân khúc khách hàng khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng có thể tìm đến nguồn hỗ trợ tài chính chính thống, giúp hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Tuy nhiên, song hành trên thị trường còn có rất nhiều công ty tư vấn tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các app cho vay (không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng), tự đặt tên mập mờ là "công ty tài chính" cũng thực hiện hoạt động cho vay, dẫn đến sự hiểu nhầm và đánh đồng trên thị trường với các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Thực trạng trên cũng đang khiến các công ty tài chính tiêu dùng (do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng) và cả ngân hàng đều khá đau đầu với tình trạng người đi vay không thanh toán nợ đúng hạn theo hợp đồng đã ký kết, thậm chí tình trạng “bùng nợ”… đang tăng lên.

Việc trả nợ không đúng hạn của khách hàng đã gây khó khăn cho các ngân hàng và công ty tài chính, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường này.

Các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, công ty tài chính, mà còn gây ra những hệ lụy cho chính người đi vay, những người xung quanh và cho xã hội.

Có vay – có trả để tránh những hệ lụy liên quan đến pháp luật

Xét về lý, khi người vay không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra Tòa án Nhân dân nơi xảy ra hoạt động cho vay. Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra và áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành, có thể bao gồm phạt hành chính, tịch thu tài sản, hay truy tố.

Một cán bộ thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi “bùng nợ” vay là đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, “vẽ đường chỉ lối” cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Còn theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong quy định của pháp luật hiện nay có quy định về thời hạn đòi nợ. Do đó, khi đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.

Với việc tìm mọi cách để “bùng nợ” vay từ ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Hồng Thái cho biết, những con nợ không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, nếu khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để app không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Bộ luật hình sự;

Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn “bùng”, trốn trách nhiệm trả nợ. Con nợ sẽ bị xử lý theo Điều 175, Bộ luật hình sự với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự;

Thứ ba, trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Do đó, người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin để bị lôi kéo tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp; Sử dụng dịch vụ “bùng nợ ” do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Cần thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội, bởi vì cạm bẫy đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.

Về phía các công ty tài chính cũng đang nỗ lực để cải tiến thủ tục cho vay đơn giản, gọn nhẹ giúp người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng chính thống, tránh xa tín dụng đen. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng và đã có 11 công ty tài chính tiêu dùng đăng ký tham gia nhằm mục tiêu tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hướng đến xây dựng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp thông lệ quốc tế.

Trước dư luận về loại hình cho vay cầm đồ những ngày qua, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã chia sẻ với Hiệp hội Ngân hàng những quan ngại về hệ quả có thể là người vay lần khất trả nợ các công ty tài chính tiêu dùng dẫn đến nợ xấu cao…

“Để cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển, tôi cho rằng, từ phía các công ty, cần rà soát đối tượng cho vay phù hợp; chiến lược cho vay gắn kết với chính quyền địa phương sẽ hạn chế được những đối tượng chây ì”, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết và đề nghị phải có giải pháp để: “Người dân vay vốn cần phải ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ. Phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ”.

Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được sự khác biệt giữa hai loại hình cho vay. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng để tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố rà soát lại.

Đoàn Hằng