Hiệp hội Ngân hàng làm việc với WB tìm kiếm giải pháp tăng cường hiệu quả tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế
Ngày 22/3, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) về chủ đề tăng cường hiệu quả tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp, Điều phối viên Khu vực Tài chính của WB tại Việt Nam cho biết, WB đang xây dựng báo cáo nghiên cứu cho Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng trong khu vực tài chính, ngân hàng một cách hiện đại, nhất quán và toàn diện.
“Nghiên cứu nhằm phân tích và xác định những cách thức để tăng cường hiệu quả tín dụng và phân bổ nguồn lực, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ quốc gia thu nhập trung bình thấp thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2045”, ông Ketut Ariadi Kusuma nói.
Nghiên cứu của WB cũng nhằm mục đích xây dựng một bộ khuyến nghị hỗ trợ sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam và các chính sách liên quan phù hợp nhất để thực hiện hóa tham vọng của Chính phủ Việt Nam đến năm 2045.
Nhìn nhận những vấn đề nổi cộm trong hệ thống tài chính Việt Nam, đại diện WB chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng so với GDP đang ở mức tương đối cao, tương đương với mức của các nước có thu nhập trung bình và cao, trong khi Việt Nam mới chỉ là quốc gia thu nhập trung bình thấp. Có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, ông Ketut Ariadi Kusuma cũng đặt ra một vấn đề rất đáng quan tâm khác là chỉ số bao trùm tài chính ở Việt Nam còn thấp, tài chính toàn diện chưa được phổ cập tới đại đa số người dân.
Tiếp thu những ý kiến từ WB, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm đồng tình với các vấn đề mà phía WB chỉ ra, đây cũng là vấn đề mà ngành Ngân hàng nói chung và Hiệp hội Ngân hàng nói riêng trăn trở trong những năm qua.
Về vấn đề tín dụng, theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, việc tín dụng tăng trưởng vượt tăng trưởng GDP cho thấy nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Điều này dấy lên những lo ngại liên quan đến bảo vệ an toàn hệ thống, yêu cầu hệ thống ngân hàng nâng cao chất lượng nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, sau hai năm dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đây là là thách thức ngành Ngân hàng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra những chính sách tiền tệ phù hợp và hiệu quả, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, trong đó có quy định về hạn mức tín dụng.
Điều này đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần kiểm tra, rà soát lại an toàn hệ thống của chính mình, đặc biệt là đảm bảo chất lượng tín dụng nằm trong ngưỡng an toàn.
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, Tổng Thư ký khẳng định, ngân hàng luôn muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn, ngân hàng chắc chắn sẽ cho vay.
Tổng Thư ký bày tỏ hoan nghênh nghiên cứu của WB và đánh giá, đây là cơ hội tốt để hệ thống ngân hàng tìm được giải pháp, hướng đi phù hợp để tăng cường hiệu quả tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Tổng Thư ký mong muốn phía WB chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tín dụng của Việt Nam.
Về vấn đề tài chính bao trùm, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, đây cũng là vấn đề mà Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam mới chỉ triển khai ở giai đoạn đầu, nhiều khu vực tỉnh thành chưa được nâng cấp hạ tầng số hóa, do đó chưa thể triển khai chiến lược tài chính toàn diện một cách hiệu quả.
Tổng Thư ký cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự tư vấn từ phía WB để Chính phủ và NHNN có giải pháp phù hợp thức đẩy tài chính toàn diện.
Cũng tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra 3 đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế, cụ thể:
Thứ nhất, cần nâng quyền của chủ nợ trong các quy định pháp lý hiện hành, trong đó có thể cần sửa đổi Luật Dân sự, xác định rõ trách nhiệm của người đi vay là phải trả nợ, nếu chây ì, không trả nợ thì cần có quy định xử lý nghiêm khắc người đi vay.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng cần nâng cao tính độc lập với Chính phủ. Đây là điều kiện giúp bảo đảm an toàn hệ thống một cách mạnh mẽ.
Thứ ba, cần kiểm soát chặt chẽ hội đồng quản trị và cổ đông sở hữu cổ phần tại ngân hàng, cắt đứt sở hữu chéo trong các ngân hàng thương mại cổ phần.
Thay mặt đoàn công tác WB, ông Ketut Ariadi Kusuma đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những chia sẻ toàn diện, thú vị của Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng. WB sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại và trao đổi kết quả với Hiệp hội Ngân hàng sau khi hoàn tất nghiên cứu.