Chính phủ thúc đẩy cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính
Chính phủ vừa có công văn 465 /TTg-KSTT về việc cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa TTHC nội bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công văn được gửi tới các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (QĐKD), tổng thể cải cách hành chính nhà nước; chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.087 QĐKD thuộc phạm vi chức năng quản lý của 10 bộ, cơ quan ngang bộ và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong đó, đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 395 QĐKD tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 692 QĐKD và phân cấp đối với 618 TTHC đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi. Trong đó, việc thực thi phương án đối với 160 QĐKD và 50 TTHC đã quá hạn.
Ngoài ra, đến nay, có 8 Bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, gồm: Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Chi tiết tại Phụ lục I, II). Các bộ, cơ quan, địa phương đang thống kê danh mục TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của bộ, cơ quan, địa phương.
Để các phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, phân cấp giải quyết TTHC sớm đi vào cuộc sống, và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ra soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và trình tự, thủ tục rút gọn, để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD và phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các phương án đã quá thời hạn thực thi nhưng các bộ, cơ quan chưa ban hành hoặc chưa trình cấp có thẩm quyền, đề nghị hoàn thành trong tháng 3/2023.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo kịp thời công bố, công khai các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; cập nhật, công khai QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh ngay sau khi được sửa đổi, bổ sung; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan liên quan và địa phương theo chức năng quản lý trong quá trình thực hiện.
Các bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD cần khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD gây cản trở cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Thực hiện tham vấn và tương tác với các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng có liên quan đối với các quy định trong dự án, dự thảo VBQPPL; kịp thời xử lý và trả lời vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân đối với các QĐKD thuộc phạm vi quản lý trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp, người dân là trung tâm theo đúng yêu cầu tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021.
Tiếp tục đánh giá, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ TTHC cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và tăng cường tương tác trực tuyến để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân.
Triển khai thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, tập trung vào các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022, để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên cơ sở công bố, công khai của các bộ, cơ quan ngang bộ, kịp thời cập nhật, công bố, công khai TTHC theo quy định.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp, người dân là trung tâm theo đúng yêu cầu tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/ 3/2021.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền ban hành và kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, không được đùn đẩy, kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Tiếp tục đánh giá, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ TTHC cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và tăng cường tương tác trực tuyến để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân.
Triển khai thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ của địa phương theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022, để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm quy định kinh doanh, cải cách, phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ.