Vai trò của tài chính tiêu dùng trong việc thay thế các kênh tài chính phi chính thức
Để tăng khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận dân cư trong xã hội thì tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng là một công cụ hữu hiệu và thích hợp.
Để tăng khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận dân cư trong xã hội thì tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng là một công cụ hữu hiệu và thích hợp. Không những thế, xu hướng gia tăng sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ kích thích hoạt động của khu vực sản xuất, tạo thêm việc làm cho xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Luigi Guiso và Paolo Sodini (2012) nhận định: “Ngày nay, tài chính hộ gia đình là một lĩnh vực sôi động, tự đứng vững”. Với hơn 97 triệu dân trong đó hơn 54% là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất thế giới.
Bài viết sẽ gồm nội dung: i) Kinh nghiệm quốc tế cho vay tiêu dùng: Bài học từ Hoa Kỳ; ii) Vai trò của cho vay tiêu dùng của tổ chức tín dụng trong việc thay thế các kênh tín dụng phi chính thức.
1 - Kinh nghiệm quốc tế cho vay tiêu dùng: Bài học từ Hoa Kỳ
Tufano (2009) đưa ra một định nghĩa “Tài chính tiêu dùng là nghiên cứu về cách thức các tổ chức cung cấp hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu tài chính của hộ gia đình”; Trong đó, tín dụng tiêu dùng là việc thỏa thuận để cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác; Cho vay tiêu dùng là việc tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng là cá nhân một khoản tiền để đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Như vậy, tài chính tiêu dùng được hiểu đơn giản là việc các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay trực tiếp cho cá nhân/hộ gia đình với mục đích mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.
Tại Hoa Kỳ, cho vay tiêu dùng được quan niệm là tất cả những khoản vay để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình (không bao gồm vay để mua nhà). Cũng như các nước phát triển khác, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Mỹ rất phát triển; năm 1996 dư nợ của mảng hoạt động này là hơn 1200 tỷ đô la thì đến năm 2016 dư nợ lên đến 4100 tỷ đô la, như vậy trong 20 năm thì quy mô của mảng hoạt động này tăng 3.4 lần. Sự phát triển này đến từ nhiều lý do:
- Tại bất kỳ thời điểm nào luôn có những cá nhân/hộ gia đình mong muốn có một lượng tài chính hỗ trợ từ bên ngoài để thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu cuộc sống của mình, đặc biệt với tâm lý không ngại vay mượn của người Mỹ dẫn đến lượng cầu về vay tiêu dùng ngày càng gia tăng.
- Hệ thống pháp luật liên quan đến mảng hoạt động vay tiêu dùng rất chặt chẽ, đặc biệt là những đạo luật về bảo vệ khách hàng vay tiêu dùng. Hiện tại, Mỹ đang có 8 đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi khách hàng tín dụng tiêu dùng, các đạo luật này rất chi tết và cụ thể với nội dung nổi bật là các nhà cung cấp sản phẩm tài chính tiêu dùng phải công khai các thông tin liên quan đến sản phẩm, các điều khoản của hợp đồng, lãi suất, phí suất… tới mọi khách hàng. Ngoài ra, chống phân biệt đối xử, không được tiết lộ thông tin của khách hàng, đánh giá trung thực điểm số tín dụng của khách hàng… là những nội dung chủ đạo của các đạo luật này.
- Ủy ban bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng trực thuộc Chính phủ (Consumer Financial Protection Bureau-CFPB) để bảo vệ khách hàng tài chính tiêu dùng khi gặp các vấn đề với nhà cung cấp dịch vụ làm việc khá hiệu quả. Năm 2014, dưới sự bảo vệ của CFPB, 1.4 triệu khách hàng cá nhân đã được Bank of America bồi thường 727 triệu USD do những gian lận của ngân hàng trong hoạt động thẻ tín dụng khách hàng cá nhân.
- Các nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng trên thị trường rất đa dạng, nhiều loại hình, bao gồm: Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính, Hiệp hội tiết kiệm và cho vay, Công ty bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tài chính vi mô, hiệu cầm đồ, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), Trung tâm thương mại (rent to own centers)… Mỗi một loại hình nhà cung cấp sẽ phục vụ những nhóm khách hàng có độ rủi ro khác nhau, từ đó dẫn đến lãi suất của cho vay tiêu dùng giữa các loại hình cũng rất khác nhau. Ví dụ như lãi suất của các khoản tín dụng tiêu dùng mà car title loan company lên tới 200%/năm, lãi suất của payday loan company lên tới 391%/năm…
- Nhận thức hay hiểu biết của người tiêu dùng về tài chính nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thị trường vay tiêu dùng. Các kiến thức về tài chính cá nhân được thiết kế ngay từ bậc học nhỏ của chương trình phổ thông để học sinh được tiếp cận với các kiến thức cơ bản như tiền là gì? Tiền có vai trò như thế nào? Tiền chân chính đến được từ những đâu?... Lên đến bậc phổ thông cao hơn, các em được giáo dục về cách thức quản lý dòng tiền để không bị mất thanh khoản, được hướng dẫn cách lập bảng excel để quản lý thu chi, được học về quy trình tiêu dùng thông minh như lập kế hoạch tiêu dùng, không chi tiêu ngẫu hứng, tham khảo thông tin về sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp trước khi ra quyết định sử dụng.
Tổng hòa các yêu tố này đã giúp cho trình độ nhận thức tài chính của người tiêu dùng trong xã hội được nâng cao, hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng rất chặt chẽ góp phần lành mạnh hóa các hoạt động tài chính – đây là những bài học rất hữu ích với Việt Nam để phát triển bền vững thị trường cho vay tiêu dùng.
2- Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam
2.1 Những lợi ích của cho vay tiêu dùng từ các kênh chính thức
Cho vay tiêu dùng là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được khơi thông. Lợi ích của cho vay tiêu dùng không chỉ đến với người dân mà cả, công ty tài chính, doanh nghiệp sản xuất và nền kinh tế cũng có được những giá trị tích cực.
Đối với người dân, dù ở giai đoạn nào của vòng đời cũng đều có nhu cầu về tài chính, đặc biệt là về vay tiêu dùng. Trước kia, khi chưa có hoạt động cho vay tiêu dùng, phải tích cóp nhiều thời gian chúng ta mới đủ tiền mua tài sản dù có giá trị nhỏ như, xe máy, ti vi, điện thoại... hay những tài sản giá trị lớn như ô tô, nhà cửa… Ngày nay, nhờ có sản phẩm cho vay tiêu dùng mà những người underbanked (những người không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng) có thể tiếp cận được vốn tích lũy được tài sản, cải thiện đời sống. Đặc biệt với hiện tại, Việt Nam đang có trên 50 triệu dân ở trong độ tuổi dân số vàng, đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất nhưng thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu, đồng thời, 63% hộ gia đình có thu nhập từ 3 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/tháng trong khi chi tiêu mỗi năm khoảng 35 triệu đồng, và nhờ đó, tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để họ thoả mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với các công ty tài chính: Với một lượng lớn khách hàng bị ngân hàng bỏ qua sẽ là cơ hội vàng cho hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính, tiếp cận lượng khách hàng này bên cạnh rủi ro cao thì cơ hội phát triển cũng rất lớn.
Đối với doanh nghiệp sản xuất và nền kinh tế: Nếu sản xuất ra mà không có tiêu dùng thì nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng. Do đó với việc tiêu thụ gia tăng nhờ cho vay tiêu dùng sẽ giúp hàng hóa lưu thông mạnh hơn, doanh nghiệp bán được hàng, nền kinh tế vận hành trơn tru và hiệu quả hơn.
Với sự góp mặt của càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng, người vay sẽ càng có lợi vì dịch vụ và chất lượng sẽ tốt hơn, chi phí cũng có cơ hội giảm bớt. Thị trường cho vay tiêu dùng trong vài năm trở lại đây cho thấy bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nhu cầu thì số lượng các doanh nghiệp cung cấp cũng có nhiều biến động nhưng theo xu hướng hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động. Nếu từ năm 2012 trở về trước, phần lớn các công ty tài chính trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò một đơn vị đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp mẹ (như thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các công ty con trong nội bộ); thì từ năm 2016 đến nay, nhiều ngân hàng trong nước và chủ sở hữu nước ngoài thông qua hoạt động mua lại, đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng”. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đạt 18% đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm 2017, trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. Theo báo Nhân dân, dù có sự sụt giảm doanh số trong 2 năm 2020 và nửa đầu 2021, tuy nhiên, ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng năm đạt 67 tỷ USD tương đương 18% GDP và 40% doanh thu hàng hóa bán lẻ. Đồng thời, nợ xấu của lĩnh vực này cũng nhảy vọt lên 11%. Sản phẩm mua ngay trả sau ở Việt Nam mới đạt giá trị ở mức 500 triệu USD vào năm 2021, nhưng một năm trước đó, con số này chỉ là 270 triệu USD. Điều đó cho thấy tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng và những bước phát triển khả quan của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn rất “nóng”.
Về khía cạnh cạnh tranh, không chỉ với lĩnh vực vay tiêu dùng, mà với bất kỳ lĩnh vực nào trong nền kinh tế, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp thì khách hàng hay người tiêu dùng sẽ càng có lợi vì các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh tổng thể từ giá cả, chất lượng sản phẩm, các dịch vụ đi kèm… để chiếm được thị phần. Hiện tại, xu hướng cạnh tranh khá rõ giữa các công ty tài chính là giảm lãi suất cho vay cũng như đa dạng hoá các hình thức trả góp lãi suất 0% để thu hút khách hàng, ví dụ như trong năm 2015, 60% khách hàng của Home Credit được vay mức lãi suất 0% và chỉ có 25% khách hàng vay với lãi suất 20% - 30%/năm. Bên cạnh cạnh tranh về giá, các công ty tài chính còn đẩy mạnh triển khai cho vay dựa trên nền tảng thuật số, triển khai số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ khách hàng. Những điều này sẽ giúp khách hàng nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận khoản vay với chi phí ngày một hợp lý hơn
Cho vay tiêu dùng đang góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen. Nhu cầu tài chính của con người không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà nó có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch…, đặc biệt khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính…, người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính. Nhận xét khách quan, chúng ta thấy tín dụng đen vẫn khá nổi cộm, đặc biệt thị trường hơn 60 triệu dân sống tại nông thôn nơi mà sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu, cộng với tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức thì “tín dụng đen” thông qua hụi họ, tiệm cầm đồ vẫn được người dân tìm đến. Do đó, để tín dụng tiêu dùng của các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính thực sự đẩy lùi được tệ nạn tín dụng đen thì rất cần những giải pháp đồng bộ, từ ngắn hạn đến dài hạn, từ tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ với sự tham gia của nhà nước, ngân hàng công ty tài chính và người dân.
2.2 Những tiềm ẩn
Nhiều dòng tín dụng tiêu dùng thực chất là để đầu tư bất động sản và chứng khoán, đem tới rủi ro cho nền kinh tế nói chung. Tổn thất năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan bắt nguồn từ việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào Bất động sản và Chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng. Tại Việt Nam, năm 2017, tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Theo báo cáo của NHNN tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong tổng dư nợ chung ở mức khoảng 20%. Mức tăng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021). Cập nhật đến ngày 30/4/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng tới 10,19% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống đến tháng 4/2022 chỉ 6,75%; trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản tăng 11,56%, chiếm 65,68% dư nợ tín dụng bất động sản điều này cho thấy dòng vốn vay tiêu dùng đổ vào bất động sản là hiện hữu. Với mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy mức đầu cơ lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; và khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tới tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Hiện tại, nhiều khách hàng luôn đề nghị với ngân hàng là vay tiêu dùng, ngân hàng nắm được tài sản thế chấp và quyết định giải ngân, nhưng có trường hợp vay tiêu dùng không cần thế chấp nhưng dòng tiền này lại chạy vào bất động sản và chứng khoán. Không những thế, hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian qua xuất hiện hiện tượng biến tướng dưới hình thức cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, từ đó dòng vốn chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. Do vậy, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng, nguy cơ tổn thất cho cả xã hội là rất cao.
Tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá, quản trị rủi ro bị xem nhẹ. Những vụ việc thời gian vừa qua như “lừa đảo vay tiêu dùng lãi suất cao ngất trời” hay “công ty cho vay tiêu dùng sụp bẫy siêu lừa”… là hồi chuông cảnh báo cho các đơn vị cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng trong việc quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng. Nếu chỉ quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá thì về dài hạn các đơn vị này nhận được sẽ là trái đắng. Bài học với các sản phảm bảo hiểm nhân thọ từ những năm 90 của thế kỷ trước mà chúng ta đã gặp phải cho thấy khi khách hàng không có thiện cảm thì phải tốn một thời gian rất dài sản phẩm mới có thể tiếp cận được với người tiêu dùng; do đó trong bối cảnh hiện các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là ban lãnh đạo của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng phải luôn quan tâm sâu sắc với công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro hoạt động và rủi ro tín dụng để bảo đảm cả hệ thống của đơn vị mình thấm nhuần các quy định, nguyên tắc để bảo đảm hoạt động bền vững, tránh việc tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá.
(*) Phó Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân
Tài liệu tham khảo:
Huỳnh Bửu Sơn (2019), Minh bạch hóa tín dụng bất động sản và cho vay tiêu dùng, truy cập tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/minh-bach-hoa-tin-dung-bat-dong-san-va-cho-vay-tieu-dung-post213328.html
Tiệp Nguyễn (2022), Tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, Truy cập tại: https://nhandan.vn/tiem-nang-cua-thi-truong-tai-chinh-tieu-dung-post703463.html
J.J.Thomas (1992), The informal financial sector: How does it operate and Who are the customers?, truy cập tại https://www.odi.org/sites/odi.org.uk/files/odi-assets/publications-opinion-files/6961.pdf
Bài viết tham gia Hội thảo "Tài chính tiêu dùng : Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tổ chức, tháng 10/2022