Cổ phiếu của Deutsche Bank lao dốc, lo ngại về khủng hoảng ngân hàng châu Âu trở lại
Cổ phiếu của Deutsche Bank bị bán tháo mạnh trong bối cảnh chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này tăng đột biến.
Ngày 24/3, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm mạnh do lo ngại về các “lỗ hổng” trong ngân hàng cho vay lớn nhất của Đức đã khiến các nhà đầu tư rút lui.
Cổ phiếu của Deutsche Bank khi đóng cửa đã giảm 9% trên sàn giao dịch chứng khoán Đức và hiện đã mất 1/5 giá trị kể từ đầu tháng 3/2023.
Deutsche Bank là một trong 30 ngân hàng có tầm quan trọng toàn cầu, vì vậy ngân hàng này được yêu cầu phải duy trì mức dự trữ vốn cao hơn vì sự thất bại của ngân hàng có thể gây ra tổn thất trên diện rộng.
Từ đầu tháng, thị trường tài chính thế giới đã tràn ngập những lo ngại sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng khu vực của Mỹ. Tiếp đó, Credit Suisse, ngân hàng gặp khó khăn kéo dài đã trở thành tâm điểm lo ngại và UBS phải mua lại với sự hiện diện của chính phủ Thụy Sỹ đằng sau. Đây là những sự kiện đã gây ra tình trạng hỗn loạn thị trường trong tháng.
Việc giá cổ phiếu của Deutsche Bank giảm mạnh ngày hôm qua (24/3) diễn ra trong bối cảnh chi phí của các công cụ tài chính phái sinh gắn với ngân hàng, được gọi là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS, tăng mạnh.
CDS về cơ bản là bảo hiểm, được chi trả hết nếu một công ty không trả được nợ cho các khoản vay của mình. Giá bảo hiểm càng cao thì thị trường càng nghĩ rằng công ty về cơ bản sẽ vỡ nợ.
Theo S&P Global Intelligence, ngày 24/3, giá của một hợp đồng rủi ro tín dụng của Deutsche Bank kỳ hạn 5 năm đã chạm mức 220 điểm cơ bản, tăng so với mức 142 chỉ hai ngày trước. Đó là mức cao nhất đối với CDS của Deutsche Bank kể từ năm 2018, mặc dù khi kết thúc giao dịch, giá đã ổn định ở mức khoảng 193.
Đây cũng là mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá của các ngân hàng sụp đổ gần đây. S&P cho biết trước khi Credit Suisse được UBS cứu trợ, giá các giao dịch hoán đổi của ngân hàng này đã lên tới 1.194.
Giống như Credit Suisse, Deutsche Bank là một trong 30 ngân hàng được coi là tổ chức tài chính quan trọng trên toàn cầu.
Những lo ngại về Deutsche Bank xuất hiện, bất chấp kết quả tài chính của ngân hàng này cho thấy dự trữ vốn đã đạt quá mức yêu cầu theo quy định và việc ngân hàng có lãi trong 10 quý liên tiếp. Vào năm 2022, ngân hàng đã kiếm được 5,7 tỷ euro lợi nhuận sau thuế.
"Đó là một ngân hàng có lợi nhuận tốt," Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên và nhấn mạnh: "Không có lý do gì phải lo lắng."
Ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan đã nói với khách hàng trong một lưu ý nghiên cứu rằng họ "không lo ngại" và cho biết các nguyên tắc cơ bản của Deutsche là "vững chắc".
Nhưng cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng toàn cầu một phần bị chi phối bởi cảm xúc chứ không phải lúc nào cũng là nguyên tắc cơ bản.
Paul van der Westhuizen, một chiến lược gia của ngân hàng Hà Lan Rabobank, nói rằng mối lo ngại về Deutsche Bank có thể đã thái quá, nhưng ông nghi ngờ đây sẽ là ngân hàng cuối cùng trong tầm ngắm.
Ông nói: “Có một sự khác biệt cơ bản là Deutsche đã có lãi trở lại trong vài quý vừa qua, trong khi Credit Suisse hoàn toàn không có triển vọng có lãi cho năm 2023”. "Các nhà đầu tư không muốn giữ trạng thái có thể gây ra bất kỳ sự lo lắng nào vào cuối tuần, vì vậy việc thoát khỏi các trạng thái như vậy có lẽ là điều chúng ta đang thấy với Deutsche Bank."
Các ngân hàng trên khắp thế giới đã bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi sau sự sụp đổ đột ngột và bất ngờ của một số ngân hàng Mỹ.
Mặc dù các tình tiết trong mỗi trường hợp là khác nhau, nhưng một vấn đề chung đối là lãi suất đã cao hơn rất nhiều, đây là con dao hai lưỡi đối với những người cho vay vì có thể lãi suất tăng cũng làm tăng lợi nhuận từ các khoản vay, nhưng lại làm giảm mạnh giá trị trái phiếu chính phủ mà các tổ chức cho vay này nắm giữ nếu buộc phải bán gấp để huy động vốn.
Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu khác cũng thấp hơn trong ngày giao dịch cuối tuần, nhưng không giảm nhiều như Deutsche Bank. Commerzbank của Đức giảm 6%, Société Generale của Pháp cũng giảm với mức tương tự, trong khi Raiffaisen của Áo giảm gần 8%.
Peter Tuz, Chủ tịch của Chase Investment Counsel, cho biết: "Đây là một vấn đề toàn cầu và không ai biết nó sẽ kết thúc ở đâu. Vì vậy, mọi người đang hành động bằng chính cảm nhận của mình và tiếp tục bán cổ phiếu ngân hàng".
Frédérique Carrier, người đứng đầu chiến lược đầu tư của RBC Wealth Management, cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, “rủi ro đuôi” vẫn chưa hoàn toàn biến mất. "Những vết sẹo sẽ lành dần và những lo ngại về khu vực ngân hàng có thể sẽ kéo dài. Hệ thống ngân hàng dựa trên niềm tin nên chúng tôi phải theo dõi rất chặt chẽ những diễn biến trong tương lai."
(Nguồn: cbc.ca)