Thanh niên Việt Nam khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên Việt Nam cần khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ vững và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm làm tròn nhiệm vụ cách mạng vẻ vang là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự ra đời của tổ chức thanh niên cộng sản ở nước ta
Khi tham gia Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV tại Mátxcơva (Liên Xô) vào tháng 7/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội bản “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa.
Đầu năm 1925, khi hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn những thanh niên tích cực nhất để lập ra nhóm bí mật là Cộng sản Đoàn làm hạt nhân cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam.
Tháng 6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Việc Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho thấy đây là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản và là bước quá độ, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản về sau. Do đó, Hội đã công bố Chương trình và Điều lệ, nói rõ mục đích làm cách mạng dân tộc để giành lấy độc lập dân tộc, sau làm cách mạng thế giới để đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Người còn lựa chọn và giới thiệu nhiều thanh niên Việt Nam ưu tú sang học tại Trường Đại học Cộng sản của những lao động Phương Đông do Quốc tế Cộng sản lập ra tại Liên Xô như các đồng chí Trần Phú (sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng), Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư thứ hai của Đảng), Hà Huy Tập (Tổng Bí thư thứ ba của Đảng), Nguyễn Thị Minh Khai (Uỷ viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn)…. Theo thống kê, dưới sự giới thiệu của Người, từ năm 1925 đến cuối những năm 1930 đã có hơn 60 sinh viên Đông Dương sang học tập tại ngôi trường này.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Hội nghị đã thông qua: “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Trong Án nghị quyết có ghi rõ Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên và phải tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên.
Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (3/1931) đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, nhằm thu hút thanh niên phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Sau đó, Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản đã công nhận Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế Thanh niên Cộng sản.
Những lời căn dặn của Bác Hồ với thanh niên
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta giành được độc lập. Vào ngày 12/8/1947, trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
Ngày 28/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thơ tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Trong bài viết “Nhiệm vụ của thanh niên ta” (Báo Nhân dân ngày 20/12/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số Nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà;
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí;
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1].
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi gắm: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Theo lời dạy của Người
Để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần. Tên gọi của Đoàn qua các thời kỳ như sau: Từ ngày 26/3/1931 đến năm 1936, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1937 đến năm 1939, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Từ tháng 11/1939 đến năm 1941, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương. Từ tháng 5/1941 đến năm 1956, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Từ ngày 25/10/1956 đến năm 1970, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Từ tháng 2/1970 đến tháng 11/1976, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Từ tháng 12/1976 đến nay, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993, về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Đảng đã chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên… Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố thành bại của cách mạng”[2].
Với khẩu hiệu “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 biểu thị quyết tâm chính trị của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới khát vọng vươn lên, ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững tâm thế đảm nhận vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 xác định mục tiêu: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; sức khỏe; văn hóa; kiến thức khoa học, công nghệ; kỹ năng sống, nghề nghiệp; ý chí lập thân, lập nghiệp; năng động, sáng tạo.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan tâm, chăm lo các nhóm thanh thiếu nhi yếu thế về cơ hội phát triển.
Xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động; nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều này, thanh niên Việt Nam cần khắc ghi hơn nữa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ vững và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhằm làm tròn nhiệm vụ cách mạng vẻ vang là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.