Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp phát triển tài chính tiêu dùng an toàn và lành mạnh 

TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc/Ths. Nguyễn Thị Mỹ Yên (*) 26/03/2023 - 13:03

Muốn tài chính tiêu dùng phát triển an toàn và lành mạnh, cần phải thực hiện rất nhiều biện pháp quản lý và điều hành, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cho đến từng tổ chức tài chính tiêu dùng, kể cả các khách hàng là những người tiêu dùng tài chính.

Tóm tắt: Tài chính tiêu dùng đã có bước phát triển đầy ấn tượng trong thời gian qua ở Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích mà tài chính tiêu dùng mang lại cho nền kinh tế và xã hội thì lĩnh vực này cũng đã phát sinh nhiều bất cập và đã được nhiều chuyên gia chỉ ra. Cùng với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập và chi tiêu của người dân, lực lượng dân số trẻ và cộng hưởng từ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế, cho thấy tài chính tiêu dùng là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để các tổ chức tín dụng nói chung, các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng, khai thác và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, muốn tài chính tiêu dùng phát triển an toàn và lành mạnh, cần phải thực hiện rất nhiều biện pháp quản lý và điều hành, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cho đến từng tổ chức tài chính tiêu dùng, kể cả các khách hàng là những người tiêu dùng tài chính.

Từ khóa: Tín dụng tiêu dùng, Tài chính tiêu dùng, Tín dụng đen.

vay-tien-online.png
Giải pháp phát triển tài chính tiêu dùng an toàn và lành mạnh. Nguồn: Internet

Tiềm năng của tài chính tiêu dùng ở Việt Nam

Tài chính tiêu dùng đề cập đến những nhu cầu tài chính của các khách hàng cá nhân để trang trải cho những nhu cầu tiêu dùng của họ. Chính vì lẽ đó mà tài chính tiêu dùng thường được phân loại vào nhóm tín dụng tiêu dùng do các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác cung cấp cho khách hàng cá nhân và các hộ gia đình.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, tài chính tiêu dùng chủ yếu do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp cho các khách hàng cá nhân, trong khi các ngân hàng thương mại thì cung cấp cho khách hàng cá nhân các sản phẩm của tín dụng tiêu dùng.

Điểm khác biệt cơ bản của tài chính tiêu dùng do các công ty tài chính tiêu dùng thực hiện với các sản phẩm tín dụng tiêu dùng do các ngân hàng thương mại thực hiện là ở chỗ:

(1) nhu cầu tài chính tiêu dùng của mỗi khách hàng cá nhân thường rất nhỏ, có khi chỉ vài trăm nghìn hay vài triệu đồng để mua sắm các mặt hàng tiêu dùng cá nhân ưa thích, trong khi nhu cầu vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân thường lớn hơn, có khi lên đến hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ đồng để mua ô tô hay các bất động sản thổ cư;

(2) các sản phẩm của tài chính tiêu dùng khá đơn giản như vay bằng tiền mặt, vay mua hàng tiêu dùng hay mua xe trả góp và gần đây là thẻ tín dụng tiêu dùng, trong khi các sản phẩm của tín dụng tiêu dùng thì khá đa dạng và phong phú, từ cho vay đến chiết khấu các loại giấy tờ có giá, bảo lãnh vay tiêu dùng, cho vay bằng tín chấp của các tổ chức chính trị xã hội, phát hành thẻ tín dụng, thấu chi tài khoản thanh toán;

(3) khách hàng vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại là những khách hàng đủ chuẩn cấp tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, trong khi khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng thường là những khách hàng không đủ chuẩn cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại;

(4) quy trình xét duyệt và cấp tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại thường là trực tiếp và theo phương pháp truyền thống, nên mất nhiều thời gian và thủ tục, trong khi quy trình xét duyệt và chấp thuận của các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu là trực tuyến và không mất nhiều thời gian;

(5) các ngân hàng thương mại thường yêu cầu người vay tiêu dùng phải có bảo đảm bằng tài sản, trong khi các khoản vay tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đa số là không cần phải có tài sản bảo đảm;

(6) cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại ít rủi ro hơn, cho nên, lãi suất và phí cũng thấp hơn, trong khi các công ty tài chính tiêu dùng chịu rủi ro nhiều hơn và luôn phải đối mặt với rủi ro giả mạo hay lừa đảo hoặc bùng nợ hàng loạt từ phía người vay tài chính tiêu dùng nên lãi suất cho vay sẽ rất cao…

Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong 10 năm qua, dư nợ tín dụng tiêu dùng luôn tăng trưởng cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Giai đoạn 2010 – 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trung bình 33,7% năm, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế là 17,3% năm. Nếu tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ tài chính tiêu dùng đạt khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được tiếp cận với dịch vụ tài chính tiêu dùng. Có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản các công ty tài chính tiêu dùng đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu bình quân từ 9 - 10%, trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 khoảng 6% (Nguyễn Quốc Hùng, 2021).

Có một điều dễ nhận thấy là hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều thuộc sở hữu hoặc có sở hữu của các cổ đông nước ngoài. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) của Nhật Bản, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã bán 49% vốn điều lệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn HD Saison cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản), Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) cũng đang nắm giữ 49% cổ phần của Mcredit thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội, Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Home Credit Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn PPF của Cộng hòa Séc, Công ty tài chính Lotte Finance mua lại 100% cổ phần của Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance),….

Các công ty tài chính tiêu dùng được ví như “gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng mẹ. Chẳng hạn như FE Credit từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank do đã đóng góp khoảng từ 40 - 50% lợi nhuận hợp nhất cho VPBank từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong năm 2020, mặc dù tỷ lệ lợi nhuận đóng góp của FE Credit cho VPBank giảm xuống còn 28%, nhưng lãnh đạo VPBank vẫn nhận định đây là mảng kinh doanh quan trọng của VPBank trong thời gian tới. HD Saison cũng sẽ đóng góp từ 15-20% vào lợi nhuận hợp nhất trong trung hạn cho HDBank.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện vẫn còn khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện. Thậm chí, ngay cả ở khu vực thành thị, mặc dù người dân đã quen với sự hiện diện của hình thức cho vay tiêu dùng, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được xem là đang phát triển dưới tiềm năng bởi danh mục các sản phẩm được vay mua trả góp hiện còn hạn chế.

Các chuyên gia thì nhận định thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vòng ít nhất 5 năm tới do thị trường tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân. Phần lớn những người có nhu cầu tài chính tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được với tài chính tiêu dùng chính thức.

Những lợi ích và bất cập của tài chính tiêu dùng trong thời gian qua

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các công ty tài chính tiêu dùng đã mang lại cho những người tiêu dùng tài chính và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua như giúp người tiêu dùng thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng trước và trả nợ sau. Trong nhiều trường hợp, tài chính tiêu dùng còn đáp ứng được những nhu cầu tài chính cấp bách cho người dân, giúp họ tránh sa vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát của tín dụng đen. Mặt khác, nhờ có tài chính tiêu dùng nên đã kích thích được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân, qua đó giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, kích thích sản xuất và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà tài chính tiêu dùng mang lại như trên thì trong thời gian qua, tài chính tiêu dùng cũng đã bộc lộ rất nhiều bất cập hay những tiêu cực, để lại những điều tiếng không hay, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của các công ty tài chính tiêu dùng chính thức trong mắt người dân nói chung, những người tiêu dùng tài chính nói riêng.

Trước hết, đó là do chạy theo lãi suất của tài chính tiêu dùng rất cao (trên 40% năm) nên các công ty tài chính tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi trong khâu xét duyệt cấp tín dụng, dẫn đến nợ xấu có xu hướng tăng nhanh và ở mức khá cao so với nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, cũng còn có hiện tượng đòi nợ người vay phản cảm.

Thứ ba, xuất hiện ngày càng nhiều hành vi giả mạo nhân thân người vay hay lừa đảo đồng thời chỉ cách bùng nợ các công ty tài chính tiêu dùng trên các diễn đàn và các nền tảng mạng xã hội.

Thứ tư, các app vay tiền giả mạo website và hình ảnh của các công ty tài chính tiêu dùng dẫn dụ người vay tiêu dùng khiến hình ảnh của các công ty tài chính tiêu dùng ngày một xấu đi và kém thân thiện trong mắt của người vay tiêu dùng nói chung.

Giải pháp phát triển tài chính tiêu dùng an toàn và lành mạnh

Mặc dù ở một chừng mực nào đó, tài chính tiêu dùng giúp cho người dân tránh rơi vào bẫy của tín dụng đen, tuy nhiên, cũng đừng quá kỳ vọng vào vai trò của tài chính tiêu dùng sẽ góp phần ngăn chặn hay đẩy lùi được tín dụng đen. Bởi lẽ, mỗi lĩnh vực đều có những loại hình khách hàng tiềm năng của nó.

Cụ thể là các công ty tài chính tiêu dùng sẽ đáp ứng nhu cầu tài chính cho những khách hàng cá nhân không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, chỉ những nhu cầu cấp bách nào được xem là hợp pháp mới được các công ty tài chính đáp ứng như đóng tiền viện phí, chi phí khám chữa bệnh, đóng học phí, ma chay,… còn những nhu cầu không hợp pháp như cá độ, trả nợ tín dụng đen, buôn bán hàng cấm, đáo hạn nợ, người vay không có công ăn việc làm, nghiện ngập, cờ bạc, trốn nợ, bệnh tật, tai nạn, người cao tuổi, người không xác minh được nhân thân,… thì không bao giờ được các công ty tài chính tiêu dùng đáp ứng, cho nên, nó là món mồi hấp dẫn của tín dụng đen.

Do đó, để tài chính tiêu dùng phát triển an toàn và lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính hợp pháp của người tiêu dùng tài chính cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các công ty tài chính tiêu dùng cần phải đa dạng hóa các sản phẩm tài chính tiêu dùng để thỏa mãn được ngày càng nhiều nhu cầu đa dạng của khách hàng vay tài chính tiêu dùng. Ngoài sản phẩm vay mua hàng tiêu dùng trả góp, phát hành thẻ tín dụng tiêu dùng, vay tiền mặt, các công ty tài chính tiêu dùng có thể nghiên cứu để cung cấp thêm sản phẩm vay cầm cố vàng, sổ tiết kiệm và các loại giấy tờ có giá, thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và/hoặc quyền sử dụng đất, cầm cố ô tô và xe gắn máy để cạnh tranh lành mạnh với các chuỗi cửa hàng và các dịch vụ cầm đồ, vay thanh toán trực tiếp cho người cung cấp các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông, vay sửa nhà, cho vay tiêu dùng cán bộ công nhân viên,…

Hai là, các công ty tài chính tiêu dùng phải tuyệt đối tuân thủ điều kiện cấp tín dụng là người vay tài chính tiêu dùng phải có công ăn việc làm ổn định hoặc lâu dài, có thu nhập đủ trả nợ trong thời gian trả nợ, khoản trả nợ hàng tháng không gây ra áp lực trả nợ đáng kể đối với người vay, nhu cầu vay của khách hàng phải hợp pháp và phải chứng minh được mục đích vay hợp pháp của họ.

Tuyệt đối không được cho vay những những nhu cầu không hợp pháp như cá độ, trả nợ tín dụng đen, buôn bán hàng cấm, đáo hạn nợ, người vay không có công ăn việc làm, nghiện ngập, cờ bạc, trốn nợ, bệnh tật, tai nạn, người cao tuổi, người không xác minh được nhân thân,… Áp dụng lãi suất mềm hơn đối với các khoản vay tài chính tiêu dùng có bảo lãnh không bằng tài sản.

Ba là, các công ty tài chính tiêu dùng cần xây dựng và phát triển được một cơ sở dữ liệu lớn về khách hàng tài chính tín dụng tiêu dùng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy trong chấm điểm và xét duyệt tín dụng, thường xuyên đánh giá chất lượng danh mục tín dụng, cải tiến phương pháp phân tích, chấm điểm tín dụng nhằm tăng cường khả năng nhận diện và ngăn ngừa rủi ro tín dụng, xây dựng quy trình đăng ký vay đơn giản và nhanh gọn trên các ứng dụng trực tuyến.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ định danh khách hàng điện tử qua nhận diện sinh trắc học (eKYC) để rút ngắn thời gian vay, tăng cường tính bảo mật đồng thời chống được gian lận, phát triển hệ sinh thái toàn diện để nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu và sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng để tăng khả năng bán chéo các sản phẩm tài chính tiêu dùng.

Bốn là, chính phủ cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia kết hợp với việc Bộ công an hoàn tất triển khai căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân sẽ giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng, không những có được nhiều dữ liệu chính xác trong quá trình thẩm định và duyệt tín dụng, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến các vấn đề giả mạo thông tin cá nhân của người vay.

Năm là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt là các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của các công ty tài chính cần phải được tăng cường hơn nữa, vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các công ty tài chính, quy định về quản trị rủi ro của các công ty tài chính, phối hợp với các Bộ ngành đẩy mạnh giáo dục kiến thức tài chính cho những người tiêu dùng tài chính để họ nhận thức được quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia vào các giao dịch tài chính tiêu dùng.

Sáu là, Bộ Công an cần đẩy mạnh và thường xuyên dẹp bỏ các tổ chức và cá nhân núp bóng tài chính tiêu dùng chính thức để hoạt động tín dụng đen thông qua việc mạo danh, lập các website, tạo các ứng dụng cho vay có tên gây nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng chính thức để dẫn dụ hay lừa đảo người vay tài chính tiêu dùng thiếu hiểu biết sa vào bẫy nợ của tín dụng đen, từng bước thu hẹp hoạt động của tội phạm hoạt động tín dụng đen để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tiêu dùng chính thức phát triển một cách an toàn và lành mạnh.

Tài liệu tham khảo

Trần Thế Hệ (2022), Bảo vệ người vay trong hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, Tạp chí Luật sư Việt Nam;

Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc (2018), Kiểm soát lãi suất cho vay trả góp tiêu dùng tại các TCTD ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế Toán;

Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc (2021), Phát triển tín dụng tiêu dùng tại các TCTD ở Việt Nam, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ;

Lê Thị Thúy Sen (2021), Truyền thông giáo dục tài chính góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Tạp chí Ngân hàng số 3+4/2021;

(*) Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Bài viết tham gia Hội thảo "Tài chính tiêu dùng : Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tổ chức, tháng 10/2022

TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc/Ths. Nguyễn Thị Mỹ Yên (*)