Vấn đề - Nhận định

Tiếp tục giảm lãi suất, đề xuất chính sách hoãn giãn nợ cho doanh nghiệp

Đoàn Hằng {Ngày xuất bản}

"Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm lãi suất, sắp tới sẽ điều hành giảm lãi suất tiếp một lần nữa. Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng".

Đây là thông điệp được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đưa ra tại Tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng ngày 30/3.

dao-minh-tupho-thong-doc-nhhuu-hanh-1680150825459968187204.jpg
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc, lãi suất là chính sách khó khăn nhất trong điều hành vĩ mô. Trong một nền kinh tế đang phát triển, làm sao để hài hoà lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với từng lĩnh vực là vấn đề luôn được NHNN đặt ra.

NHNN vẫn đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bên cạnh đó còn duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất nhưng NHNN vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

"Thông điệp của NHNN là giảm lãi suất, sắp tới sẽ điều hành giảm lãi suất tiếp một lần nữa. Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, tới đây NHNN sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại nợ đối với khách hàng tương tự như chính sách đã triển khai trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19 các năm 2021-2022.

Tuy nhiên, thời hạn cơ cấu như thế nào, các ngành nghề, doanh nghiệp nào sẽ được ưu đãi cơ cấu nợ, thời điểm cơ cấu nợ cụ thể như thế nào sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối các mục tiêu vĩ mô của chính sách tiền tệ, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn của các tổ chức tín dụng.

“Trước mắt, trong khoảng 1-2 tuần tới, NHNN sẽ công bố triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và cải tạo chung cư cũ. Gói tín dụng này sẽ được triển khai sớm để hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà, an cư lạc nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm.

toan-canhchi-hanh-1680147478247287162560.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cho rằng, ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp thì đều là doanh nghiệp, đều tham gia sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. Một tháng trước đây chẳng có khái niệm ở Mỹ có các ngân hàng dễ dàng sập chỉ trong vòng một đến hai tuần. Điều này thể hiện nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Trong quá trình thẩm định, đối với HDBank, tài sản đảm bảo là yếu tố để ngân hàng quyết định cho vay, vì liên quan đến việc bảo vệ nguồn vốn, quyền lợi cổ đông, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

“Chúng tôi cung cấp tín dụng, muốn thấy phương án tạo dòng tiền như thế nào, trên cơ sở đó mới cấp vốn vay, tài sản cứng là phần quan trọng nhưng không phải tất cả”, ông Trần Hoài Phương cho biết.

Bởi theo ông Trần Hoài Phương, hiện tại HDBank cung có nhiều phương án cấp tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng trên việc thẩm định dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng. Hay theo hướng 3 - 4 bên, nếu nhà cung ứng (bên vay) bán hàng cho doanh nghiệp lớn, thì ngân hàng sẽ xem xét cấp tín dụng dựa trên mối quan hệ này, chứ không phải chỉ tính độc lập mỗi nhà cung ứng.

Về phía Techcombank, ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp kinh doanh Ngân hàng Techcombank cho biết, nhận định được thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2023, Techcombank đã có nhiều giải pháp/chương trình cụ thể, ví như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi lãi suất tới 2% cho khách hàng doanh nghiệp.

Không chỉ ưu đãi về lãi suất, Techcombank cũng thực hiện điều chỉnh các thủ tục, giảm thiểu thời gian để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn thông qua đăng ký sử dụng các hạn mức trên nền tảng số.

“Với khách hàng doanh nghiệp lớn hơn, chúng tôi cấu trúc giải pháp dựa trên đặc thù “may đo” của từng ngành. Chúng tôi tìm kiếm những chuyên gia từng ngành để am hiểu ngành, hiểu khó khăn nội tại, vướng mắc của quy trình vận hành của từng doanh nghiệp, ngành hàng để thiết kế, cấu trúc giải pháp “may đo” theo từng ngành”, ông Hoàng Trọng Hiếu chia sẻ thêm.

Đoàn Hằng