Các Hiệp hội ngành, nghề

Tiềm năng hợp tác năng lượng của Việt Nam và Đức còn nhiều không gian để phát triển

Song Anh 02/04/2023 11:34

Thông điệp được Thứ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam Đặng Hoàng An gửi tới Hội thảo về "Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ JETP hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050".

img_2272-2-.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) phối hợp tổ chức ngày 31/3/2023, tại Berlin. 

Theo ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức đây buổi thảo luận chuyên sâu và công khai chính thức đầu tiên về khuôn khổ JETP hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050.

Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là cam kết hết sức mạnh mẽ và đầy táo bạo của Việt Nam. Ngay cả CHLB Đức là một trong những quốc gia phát triển ở châu Âu cũng chỉ cam kết thực hiện mục tiêu này trước Việt Nam 5 năm.

Để có thể hiện thực hoá cam kết, Việt Nam sẽ cần quyết tâm cao để giải quyết nhiều thách thức, bao gồm thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế. Và muốn làm được điều đó Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong thông điệp phát biểu trực tuyến gửi tới hội thảo cho biết: Sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phân công các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

Ngày 14/12/2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia phát triển và tổ chức tài chính hàng đầu nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Các Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các tính toán cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

“Nhu cầu và định hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thời gian tới sẽ mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của CHLB Đức”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói đồng thời gợi mở:

“Chúng tôi cho rằng với năng lực khoa học - công nghệ sẵn có của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín của CHLB Đức và tiềm năng phát triển của Việt Nam, hai bên có thể hướng tới mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: i) Hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thân thiện với môi trường như: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, các nguồn năng lượng mới như hydrogen, ammonia…; ii) Hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen,ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2; iii) Phát triển lưới điện thông minh; iv) Hiện đại hóa hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; v) Các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Có thể thấy rõ, tiềm năng hợp tác năng lượng của hai bên còn nhiều không gian để tiếp tục phát triển. Và hôm nay, Hội thảo “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ JETP hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” chính là cơ hội để cùng nhau trao đổi, mở ra cơ hội phát triển trong hợp tác năng lượng của hai nước”,

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, ông Jo-chen Flashbarth, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức bày tỏ vui mừng và đánh giá cao Cam kết của Việt Nam tại COP 26. Theo ông Jo-chen Flashbarth chỉ vài năm trước Đức và EU có cam kết về việc cắt giảm khí thải và tại hội nghị COP 26 tại Glasgow 2021, Việt Nam cũng đã đưa cam kết của riêng mình về việc cắt giảm khí thải. Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á.

“Tôi vui mừng khi thấy chúng ta cùng trên hành trình để hiện thực hoá mục tiêu chung với Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng – JETP", ông Jo-chen Flashbarth chia sẻ và khẳng định "Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại".

Trình bày tại Hội thảo các diễn giả của Việt Nam và Đức đã trình bày các nội dung liên quan đến tình hình triển khai các mục tiêu về cắt giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và Đức như: Mục tiêu và lộ trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tổng quan về phát thải khí nhà kính và nỗ lực ứng phó với Biến đổi khí hậu của Việt Nam; Lộ trình của Đức hướng tới mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2045; Kinh nghiệm triển khai JETP tại Nam Phi, Senegal, Indonesia – khuyến nghị đối với Việt Nam.

Một số giải pháp công nghệ tiên tiến cũng được giới thiệu tại hội thảo lần này như: Giải pháp nâng cao khả năng tích hợp lưới điện của năng lượng tái tạo; Công nghệ tinh nhiệt, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho chuỗi đông lạnh Việt Nam; Một số giải pháp kỹ thuật nhằm sản xuất điện bền vững (Điện gió gần/ xa bờ và biogas); Tiềm năng dinh dưỡng và năng lượng từ chất thải hữu cơ sử dụng công nghệ xanh và tuần hoàn; Cụm Công nghệ Hydro HZwo và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hydrogen tại Chemnitz.

Các chia sẻ và trình bày tại hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin tích cực và mang lại những gợi mở hữu ích cho các bên liên quan.

Song Anh