Phải chăng Mỹ đang có quá nhiều ngân hàng?
Có tới 4.706 ngân hàng đang hoạt động tại Mỹ, vượt xa các quốc gia khác trên thế giới. Điều này đang khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với nhiều bất ổn.
Khi Signature Bank ở New York phá sản vào đầu tháng 3, những người gửi tiền các bang xa xôi tại Arkansas, Georgia và Ohio bỗng nhiên rơi vào hoảng sợ. Đó là bởi có tới bốn ngân hàng mang tên Signature Bank tại Mỹ và khách hàng không thể nắm rõ ngay được ngân hàng nào đang gặp sự cố.
Khi các mặt báo tràn ngập thông tin về vụ phá sản, Signature Bank ở Arkansas đã phải lên tiếng đính chính họ không phải là Signature Bank ở New York, hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau.
Việc có nhiều ngân hàng trùng tên Signature Bank phản ánh thực tế hệ thống “thừa thãi” ngân hàng ở Mỹ. Vào cuối năm ngoái, Mỹ có tới 4.706 ngân hàng thương mại, nhiều hơn bất kỳ quốc gia. Để so sánh, số ngân hàng ở Canada còn ít hơn số ngân hàng tính riêng tại bang North Dakota của Mỹ. Số lượng ngân hàng tại Nhật Bản chỉ bằng 4% số lượng ngân hàng của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) phân mảnh hơn nhiều, song cũng chỉ ghi nhận tỷ lệ 1,2 ngân hàng trên 100.000 người, so với 1,4 của Mỹ.
Mỹ có rất nhiều tổ chức nhận tiền gửi và cho vay bởi tính chất lịch sử hệ thống. Cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều bang nước này không cho phép các ngân hàng hoạt động ngoài lãnh thổ của bang. Một số thậm chí còn không cho phép các chi nhánh vượt qua ranh giới quận.
Mãi cho đến khi Đạo luật Ngân hàng Liên bang Riegle-Neal được thông qua vào năm 1994, các hạn chế về hoạt động liên bang của ngân hàng mới được dỡ bỏ hoàn toàn. Những thay đổi trên dẫn đến một làn sóng hợp nhất. Trong 30 năm qua, số lượng ngân hàng tại Mỹ thu hẹp với tốc độ khoảng 3% mỗi năm.
Nhưng ngay cả sau nhiều vụ sáp nhập và mua lại hoặc phá sản, vẫn còn quá nhiều ngân hàng ở Mỹ. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, nhưng sự cạnh tranh trong một hệ thống bị phân mảnh như vậy cũng dẫn đến nhiều sự bất ổn.
Có rất nhiều nghiên cứu điển hình về việc cạnh tranh gay gắt có thể khiến các ông chủ ngân hàng lạc lối trong kinh doanh như thế nào. Cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Citigroup, Chuck Prince từng tuyên bố “chừng nào nhạc còn đang phát là còn nhảy” và 15 tháng sau đó, ngân hàng của ông đã phải nhờ tới sự cứu trợ của Chính phủ Mỹ.
Vụ việc gần đây hơn, các giám đốc điều hành của Silicon Valley Bank (SVB) đã chấp nhận nhiều rủi ro hơn bởi thù lao của họ gắn liền với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, khác với các đối thủ cùng ngành.
Trong khi đó, khi tìm kiếm lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ổn định của ngân hàng, Alan Lane, Giám đốc điều hành của Silvergate, một ngân hàng khác vừa phá sản khác, đã coi tiền ảo là cơ hội để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những doanh nghiệp bị các ngân hàng khác bỏ qua.
Nếu phải đánh đổi giữa ổn định tài chính và cạnh tranh, hầu hết các chính quyền sẽ chọn sự ổn định. Tuần trước, lãnh đạo cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã bỏ qua những lo ngại về chống độc quyền để thúc đẩy UBS tiếp quản Credit Suisse đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Các nhà quản lý tại Vương quốc Anh cũng đã áp dụng giải pháp tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thời điểm đó, HBOS (Halifax Bank of Scotland) đã bị sáp nhập vào Lloyds-TSB, khiến một phần ba tài khoản vãng lai cá nhân tại Anh vào tay một tổ chức duy nhất.
Peter Mandelson, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ cho biết: “Lợi ích chung từ việc đảm bảo ổn định toàn hệ thống tài chính Vương quốc Anh lớn hơn những lo ngại về cạnh tranh”.
Các nhà chức trách Mỹ thì khác, họ thường không dễ dàng chấp nhận đánh đổi. Điều này một phần phản ánh sự tôn trọng độc lập trên một thị trường tự do, song chủ yếu là do các ngân hàng nhỏ khai thác được sức mạnh vận động hành lang khá đáng kể. Theo dữ liệu của nhà phân tích Byrne Hobart, tên các ngân hàng nhỏ xuất hiện trong danh sách 25 nhà tài trợ hàng đầu của các nghị sỹ Quốc hội Mỹ nhiều hơn so với các ngân hàng lớn. Điều này dẫn tới các ngân hàng Mỹ phải tuân theo giới hạn về quy mô.
Đạo luật Riegle-Neal giới hạn một ngân hàng Mỹ chỉ được giữ tối đa 10% tổng tiền gửi của toàn thị trường. Mặc dù vậy, nếu nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), giới hạn này có thể được nới lỏng trong trường hợp một ngân hàng mua lại một ngân hàng khác “bị vỡ nợ hoặc sắp vỡ nợ”. Tuy nhiên, ngay cả với ngoại lệ trên, các nhà chức trách Mỹ được cho là vẫn không muốn để những ngân hàng lớn tham gia mua lại SVB.
Kết quả của những luật lệ trên là hệ thống ngân hàng tại Mỹ chia thành hai cấp bậc, các ngân hàng lớn thì chịu sự giám sát nghiêm nghặt còn các ngân hàng nhỏ thì hoạt động tự do hơn. Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây đã bộc lộ sự khác biệt này.
Để giải quyết vấn đề này, Bloomberg cho rằng, các cơ quan quản lý có thể phải nới trần giới hạn bảo hiểm tiền gửi, điều có thể khiến khách hàng là người chịu thiệt khi các ngân hàng chuyển mức phí bảo hiểm cao hơn sang người gửi tiền. Cạnh tranh luôn đi kèm với chi phí khá đắt đỏ - hoặc là sự bất ổn lớn hơn, hoặc là phí bảo hiểm cao hơn.
Theo Bloomberg