Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự Hội nghị Thống Đốc NHTW ASEAN (ACGM) lần thứ 19 và Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMGM) lần thứ 9
Từ ngày 28 – 31/3, Đoàn Công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN và các sự kiện có liên quan tại Bali, Indonesia.
Đây là các sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác tài chính – tiền tệ khu vực ASEAN năm 2023 do Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Indonesia chủ trì.
Tham dự Hội nghị gồm các lãnh đạo đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ của các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC), Hội đồng kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) và Hội đồng kinh doanh ASEAN (ABAC).
Một số trọng tâm hợp tác tài chính ngân hàng khu vực
Trong khuôn khổ chủ đề ưu tiên của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023: “ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”, NHTW và Bộ Tài chính Indonesia đã thông báo một số trọng tâm hợp tác tài chính ngân hàng khu vực gồm: Tái thiết nền kinh tế; nền kinh tế số; phát triển bền vững, được cụ thể hóa theo một số nội dung chính như sau:
(i) Kết hợp các chính sách an toàn vĩ mô: Tăng trưởng kinh tế khu vực đang bị ảnh hưởng bởi nhiều rủi ro tiềm tàng như áp lực lạm phát, căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới… và đặt ra yêu cầu đảm bảo ổn định và an toàn cho khu vực tài chính ASEAN.
Do đó, Indonesia đề xuất các quốc gia trong khu vực nghiên cứu các khuyến nghị của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) về khung ổn định tài chính vĩ mô và IMF về khung chính sách tích hợp trong quá trình xây dựng chính sách vĩ mô trong thời gian tới.
(ii) Kết nối thanh toán khu vực: Tiếp tục thiết lập kết nối thanh toán song phương trong khu vực để thuận tiện hơn cho các giao dịch song phương, hỗ trợ phục hồi du lịch. Nghiên cứu, xúc tiến kết nối thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng đa phương thông qua các biên bản khi nhớ và sáng kiến trong khu vực.
(iii) Tăng cường sử dụng đồng bản tệ trong khu vực: Khuyến khích việc sử dụng các đồng tiền khu vực ASEAN trong thương mại, đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc vào đô la Mỹ, qua đó hạn chế các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến nền kinh tế các nước ASEAN.
Thay mặt NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá cao các đề xuất của NHTW và Bộ Tài chính Indonesia để xử lý những vấn đề cấp bách mà các quốc gia đang phải đối mặt cũng như tiếp tục đưa ra định hướng dài hạn hướng tới tăng trưởng bền vững trong khu vực.
Theo đánh giá của AMRO, khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023 với mức lạm phát khoảng 5,7%. AMRO cho rằng tăng trưởng trong khu vực ASEAN sẽ được hỗ trợ bởi sự cải thiện của cầu nội địa và mở cửa du lịch nhưng sẽ tiếp tục gặp phải các thách thức đến từ tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu và vốn FDI.
IMF đưa ra một số rủi ro tiềm năng mà các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN có thể phải đối mặt trong thời gian tới gồm: lạm phát, mức nợ công tăng cao và tái cấu trúc kinh tế tại Trung Quốc chậm lại. AMRO khuyến nghị các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN xây dựng các chính sách theo hướng cân bằng, đảm bảo ổn định tài chính nhưng vẫn hỗ trợ trăng trưởng.
Đối với các nhận định từ các IFIs, hội nghị ghi nhận ASEAN vẫn là điểm sáng trong khả năng phục hồi, với triển vọng tăng trưởng tốt hơn so với triển vọng toàn cầu u ám. Hội nghị ủng hộ duy trì vị thế của ASEAN như một tâm điểm của tăng trưởng kinh tế trong tương lai và tái khẳng định cam kết duy trì ổn định, tiếp tục thúc đẩy hội nhập tài chính sâu hơn hướng tới hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025.
Tiến trình hội nhập tài chính ngân hàng
Đánh giá về kết quả hội nhập ngân hàng ASEAN năm 2023, các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực của Ủy ban cấp cao về hội nhập ngân hàng ASEAN (SLC) và các Nhóm công tác trong việc tích cực phối hợp và triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác; đồng thời, dành thời gian chỉ đạo định hướng nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành các mục tiêu của AEC 2025.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá cao kết quả đạt được của các Nhóm công tác thời gian qua và đề nghị các nhóm thảo luận về kế hoạch rà soát các mục tiêu đã đề ra tới năm 2025 và chuẩn bị cho quá trình xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2025 – 2035.
Phó Thống đốc yêu cầu Nhóm Công tác tự do hóa tài khoản vốn (WC-CAL) tăng cường thảo luận, chia sẻ thông tin về tình hình dòng vốn và thực tiễn áp dụng chính sách an toàn vĩ mô của các thành viên. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đề nghị Nhóm Công tác về Hội nhập Ngân hàng ASEAN (WC-ABIF) cần có đánh giá, thảo luận về bài học rút ra đối với hoạt động thanh tra giám sát và quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng trong khu vực từ một số trường hợp đổ vỡ ngân hàng diễn ra tại Mỹ và Thụy Sỹ gần đây.
Phó Thống đốc hoan nghênh các hoạt động và sáng kiến do Nhóm Công tác về Hệ thống thanh toán (WC-PSS) triển khai trong thời gian qua để xây dựng mạng lưới liên kết thanh toán xuyên biên giới cũng như nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế thanh toán đa phương trong khu vực ASEAN.
Trong đó, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán QR song phương với Thái Lan và đang phối hợp với NHTW Campuchia để thảo luận kế hoạch kết nối giữa hai nước. Ngoài ra, NHNN đang nghiên cứu khả năng tham gia các dự án, sáng kiến kết nối đa phương trong khu vực.
Hội nghị hoan nghênh việc ban hành Phiên bản lần thứ 2 của Nguyên tắc phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy), bao gồm các hướng dẫn và các trường hợp cụ thể để phân loại các hoạt động xanh. Phiên bản này cũng đã phản ánh nhu cầu cấp thiết của khu vực về chuyển đổi năng lượng. Các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN khuyến khích Ban Điều hành ASEAN Taxonomy tiếp tục hoàn thiện tài liệu này trong nửa cuối năm 2023.
Tại Hội nghị, Thống đốc NHTW, Bộ trưởng tài chính các nước ASEAN và đại diện các Hiệp hội kinh doanh ASEAN, US – ASEAN và EU – ASEAN và Giám đốc Điều hành các định chế tài chính lớn trong khu vực đã thảo luận về các thách thức như kinh tế số, chuỗi cung ứng; biến đổi khí hậu; lạm phát; và căng thẳng địa chính trị. Các cộng đồng doanh nghiệp khuyến nghị các giải pháp như nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng “xanh” để nhằm duy trì sức hút FDI cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường thu hút nguồn vốn để đáp ứng cho nhu cầu cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các Hội đồng cũng mong muốn NHTW và Bộ Tài chính ASEAN xem xét để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế kỹ thuật số; tăng cường kết nối thanh toán xuyên biên giới; bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 sẽ được tổ chức tại Jakarta, Indonesia dự kiến vào tháng 8/2023.