TS. Nguyễn Quốc Hùng: Sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng
Ngày 4-5/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Tradepass tổ chức chuỗi sự kiện Đổi mới tài chính thế giới – (WFIS) Việt Nam 2023.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, tài chính toàn cầu đang chuyển dịch từ các trung tâm truyền thống tại Bắc Mỹ và châu Âu về châu Á. Hầu hết dấu hiệu chỉ ra rằng quá trình dịch chuyển từ Tây - Đông này sẽ là xu hướng trong thời tới.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
“Đó chính là cơ hội, các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính thích ứng với bối cảnh mới nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Hiện tại, một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn.
So với cùng kỳ năm 2022, trong 2 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng, qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức quét mã QR tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua cũng đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ Chính phủ.
Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.
VNPay và MoMo là hai đại diện của Việt Nam trong Top 10 công ty fintech được rót vốn lớn nhất Đông Nam Á. Đạt được kết quả như vậy là do có sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông.…thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sửa đổi dự thảo Luật giao dịch điện tử và xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến sandbox...
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, thời gian tới xu hướng này sẽ còn được tiếp tục tăng tốc. Dự báo của NHNN cho thấy, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính.
“Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm Fintech”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Mặt khác, các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm với kinh nghiệm hoạt động, tài chính đủ mạnh, dữ liệu khách hàng lớn, mạng lưới rộng khắp khắp song lại có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech với ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả.
Do vậy, sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng. Dự kiến thị trường Fintech Việt Nam đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024, đây chắc chắn sẽ là yếu tố khiến cho ngành Ngân hàng có những thay đổi không nhỏ trong tương lai.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra các xu hướng vận động chính của Fintech châu Á như: ngân hàng số neobank; mua trước trả sau; siêu ứng dụng tài chính; dịch vụ tài chính dựa trên AI; ngân hàng mở; quan hệ đối tác thanh toán xuyên biên giới. Và với quy mô dân số tiềm năng lớn, tỷ lệ thuê bao internet, số lượng smartphone, hạ tầng thanh toán, chính sách của Chính phủ, vẫn còn nhiều dư địa cho Fintech Việt Nam phát triển.
Chương trình nghị sự của chuỗi sự kiện được xây dựng đặc biệt để đưa ra những chủ đề cấp bách nhất trong ngành về chuyển đổi số và là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm và tài chính vi mô hàng đầu trong khu vực cùng chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến ngành tài chính - ngân hàng. Đồng thời kết nối thành công các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu…
Các đại biểu cũng sẽ tiếp cận được những kiến thức của các chuyên gia uy tín, dày dặn kinh nghiệm về tham vấn, phản biện chính sách, các chuyên gia về đào tạo năng lực tài chính, về bảo mật dữ liệu, đám mây và các nghiệp vụ tài chính - ngân hàng nói chung…