Công nghệ

Nâng cao vai trò của các dịch vụ tài chính số trong thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia

Minh Ngọc {Ngày xuất bản}

Ngày 5/4, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện với chủ đề Đổi mới tài chính thế giới - WFIS Việt Nam 2023 do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp cùng Tradepass tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ thực tiễn về việc nâng cao vai trò của các dịch vụ tài chính số trong thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

z4239318932830_1e4eae80680a0d256a86e2584e1e09ab.jpg
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, đã trình bày về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai, vai trò của dịch vụ tài chính trong bối cảnh nền kinh tế số và những cơ hội, thách thức cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Bức tranh toàn cảnh

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã đổi mới trong khoảng thời gian dài và có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tốt, khoảng 6,4%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng được kỳ vọng ở mức 6% vào năm 2023, thấp hơn so với năm ngoái ở mức 8% do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Dù vậy, trong 5 năm qua, tăng trưởng ở Việt Nam tiếp tục phát triển với nhiều điểm sáng, lạm phát được kiểm soát tốt, các chỉ số động lực tăng trưởng kinh tế tiêu dùng đang phục hồi và có thể vượt qua những thách thức trong thời gian ngắn.

Mỗi năm, Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ USD về giá trị thương mại và kỳ vọng tiếp tục tăng. Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam (31%), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam (33%), tiếp theo  là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.

Năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự kiến đạt 33 tỷ USD, thấp hơn so với năm 2022 do tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm, với các nhà đầu tư FDI hàng đầu như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ... Đối với kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn trong 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng đạt 6%/năm từ nay cho đến năm 2030. Trong đó, nền kinh tế số đóng vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 20% vào cuối năm 2025 và 30% vào cuối năm 2030.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 (GII 2022), Việt Nam đứng ở vị trí 48/132 nền kinh tế, lực lượng lao động số cũng đã có cải thiện về kỹ năng. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam đang thiếu nhân sự có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng và chuyển đổi số hàng năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam có chỉ số sẵn sàng về kỹ thuật số khá tốt, ngành Tài chính dẫn dầu trong lĩnh vực số hóa và đang phát triển rất nhanh, có nhiều sáng kiến, chiến lược do Nhà nước và các cơ quan quản lý chỉ đạo như Quyết định 810/QĐ-NHNN về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 1484/QĐ-BTC về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là kế hoạch hành động mang tính tổng thể, toàn diện nhằm giúp các đơn vị trong ngành dễ dàng theo dõi, bám sát triển khai có lộ trình cụ thể các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Bảo hiểm tăng nhanh, dịch vụ cho vay ước tính tăng khoảng 56% trong 4 – 5 năm tới cũng như đầu tư vào các phương thức thanh toán sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.

Thương mại điện tử cũng tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 5 năm gần đây và tiếp tục được duy trì. Chỉ số an ninh mạng được cải thiện, xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an ninh mạng toàn cầu và đang tiếp tục được cải thiện.

Về quy mô nền kinh tế Internet năm 2022 và dự báo năm 2030, Việt Nam được dự đoán sẽ dần đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế Internet, khoảng 31%/năm vào năm 2030. Nền kinh tế số tiếp tục tăng trưởng gấp 2 lần đến năm 2030, có đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP.

TS. Cấn Văn Lực đã nêu ra 3 kịch bản về chuyển đổi số:

Kịch bản 1: Chuyển đổi số chậm. Từ nay đến năm 2030, nền kinh tế số đóng góp vào tăng trưởng GDP thấp, khoảng 0,39 – 0,4 điểm phần trăm.

Kịch bản 2: Chuyển đổi số mạnh mẽ. Từ nay cho đến 2025, nền kinh tế số đóng góp 1,15 – 1,35 điểm phần trăm.

Kịch bản 3: Chuyển đổi số đột phá với chiến lược phủ sóng 5G toàn quốc, tăng đầu tư cho đào tạo gắn với chuyển số. Nền kinh tế số đóng góp 1,65 - 1,85 điểm phần trăm từ nay đến năm 2030.

Theo TS. Cấn Văn Lực, cần tập trung vào kịch bản số 2 dựa trên cơ sở tư duy chuyển đổi số, tránh dùng tư duy cũ trong quản lý kinh tế số, nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận cái mới, tăng cường các sandbox cho kinh tế số.

Khó khăn, thách thức và giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức như: sự ngần ngại trong việc thay đổi của các tổ chức tài chính, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng số chưa đầy đủ, kỹ năng và khả năng chấp nhận thay đổi số của người dân chưa cao.... Tương tự như vậy, lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng nhưng chưa hoàn thiện về kỹ năng; các đối tác trong hệ số sinh thái đổi mới còn nhiều hạn chế trong chia sẻ dữ liệu và thông tin...

Do đó, Việt Nam cần xây dựng nhiều khung pháp lý cũng như sandbox và các chiến lược chuyển đổi số, cần tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo, bao gồm: hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo; tăng cường phân bổ nguồn lực cho đào tạo, giáo dục hay các gói hỗ trợ về đào tạo; đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện an ninh mạng cho khu vực công và tư nhân; chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới trong sản xuất cũng như phòng, chống tội phảm rửa tiền và cần hợp tác quốc tế nhiều hơn.

Ông Michal Skalicky - Giám đốc Quan hệ Khách hàng Home Credit Việt Nam cho biết, trong quá trình đổi mới sáng tạo, HomeCredit nhận thấy “điểm nghẽn” của khách hàng trong quy trình cấp khoản vay. Do đó, HomeCredit sẽ tăng tốc mọi quá trình thủ tục, đưa ra giải pháp tiếp cận tín dụng để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

Đại diện Home Credit cũng cho rằng, các tổ chức tài chính cần kết nối sân chơi chung, tạo ra một nền tảng platform để cân bằng lợi ích bên mua và bên bán, tạo sự kết nối cho tăng trưởng hệ sinh thái, tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng và hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, HomeCredit cũng đưa ra hạn mức tín dụng cho khách hàng dựa trên hành vi thanh toán của khách hàng, xây dựng hệ thống cho phép khách hàng onbot trong thời gian ngắn, giải pháp linh hoạt cho lựa chọn về khoản vay và có thêm lựa chọn phi lãi suất, miễn phí các khoản phí dịch vụ...

“Nhờ những giải pháp kịp thời và hiệu quả, HomeCredit đã xây dựng một quy trình eKYC đơn giản để khách hàng có những trải nghiệm nhanh chóng, với tỷ lệ 99% khoản phê duyệt tín dụng khi khách hàng mua hàng. Chúng tôi muốn tạo ra giải pháp linh hoạt, hiệu quả cho khách hàng dựa trên tuân thủ quy định các Thông tư, Nghị định của Chính phủ, tạo ra giao diện thân thiện cho người dùng. Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của Chính phủ về chuyển đổi số tại Việt Nam”, ông Michal Skalicky chia sẻ.

z4239327983857_27a6801b599236ffb82f7f2c984b0a2f.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Quang, CEO Ngân hàng số CAKE cho rằng, trong vòng 10 năm tới, khách hàng sẽ sử dụng các dịch vụ ngân hàng, giao dịch, thao tác hoàn toàn trên Mobile Banking. Do đó, cần tập trung xây dựng các sản phẩm-dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, đầu tư, cho vay tín dụng và thẻ tín dụng... Điều này yêu cầu nhiều nhân tố như xây dựng và phát triển sản phẩm trên nền tảng Mobile Banking.

Bên cạnh đó, công nghệ là lựa chọn hàng đầu để chuyển đổi số thành công nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ thuận tiện cho khách hàng. Nhìn vào đó, cần xác định rõ lộ trình phát triển sản phẩm để phục vụ cho phân khúc khách hàng như thế nào, đồng thời phải tuân thủ pháp lý do cơ quan quản lý ban hành.

Còn bà Ngô Thu Phương, đại diện VietinBank chia sẻ, trong quá trình phát triển sản phẩm trong hành trình số, VietinBank đầu tư rất nhiều vào hệ thống Core Banking với phương châm: Mọi thứ cần phải được số hóa, đơn giản hóa, phát triển sản phẩm với tính nhanh, đơn giản, hấp dẫn và thuận tiện cho khách hàng.

“Chúng tôi có đối tác hệ sinh thái công nghệ tốt và có cơ sở dữ liệu khách hàng tốt. Do đó, chúng tôi mong muốn tăng cơ sở dữ liệu khách hàng thông qua quan hệ đối tác để có thể tiếp cận người dùng, đồng thời cung cấp gói dịch vụ toàn diện cho khách hàng. Chúng tôi không chỉ là ngân hàng mà cũng là đối tác số cho khách hàng của mình”, bà Ngô Thu Phương bày tỏ.

Ông Kanishk - Giám đốc cao cấp Phát triển giải pháp thanh toán, thẻ, vay tín chấp Techcombank nhận định, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển với tăng trưởng GDP lớn, thu nhập người dân tăng cao. Nhiều nhà đầu tư đến với Việt Nam bởi thị trường hấp dẫn, các tổ chức tài chính tìm thấy nhiều cơ hội tốt. Đó là lý do tại sao ngân hàng số hay ngân hàng truyền thống đều có cơ hội đồng đều để đưa ra những đề xuất khác nhau cho khách hàng. Việt Nam cũng mang tính số hóa cao, “đi tắt đón đầu” bỏ qua nhiều bước chuyển đổi so với các quốc gia khác.

“Những năm gần đây, bước tranh tiêu dùng ở Việt Nam đã khác rất nhiều so với nhiều năm trước, ngân hàng đang chuyển đổi do nhu cầu khách hàng ngày càng tăng cao. Và quan hệ đối tác là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số. Nếu chúng ta không đổi mới sản phẩm thì sẽ không vận dụng được những cơ hội đó”, đại diện Techcombank cho biết.

Minh Ngọc