Công nghệ

Chủ nhiệm CLB VietFintech: “Thanh toán vẫn là phân khúc hàng đầu của Fintech Việt Nam và khu vực châu Á”

Lan Anh 06/04/2023 08:16

Tại Hội nghị Tài chính và Kinh doanh Quốc tế IBFC lần thứ 12 khai mạc tại Hà Nội vừa qua với chủ đề “Hàn – Việt mở cửa tài chính kỹ thuật số, vượt xa đổi mới”, ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ nhiệm CLB VietFintech đã tham dự và có những chia sẻ tổng quan về thị trường Fintech Việt Nam và khu vực châu Á.

Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Viện Giám sát tín dụng cùng đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính Hàn Quốc. Về phía Việt Nam có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và các doanh nghiệp Việt Nam.

20h_6739(1).jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: CLB VietFintech

Với chủ đề “Hàn Quốc và Việt Nam cùng nhau phát triển tài chính kỹ thuật số, vượt lên trên sự đổi mới”, IBFC lần này đã chia sẻ các xu hướng và chính sách chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành tài chính toàn cầu, bao gồm cả hai quốc gia và là cơ hội để 2 nước cùng nhìn nhận về định hướng phát triển và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech - đã có bài phát biểu về tổng quan thị trường Fintech châu Á, phát triển của Fintech tại Trung Quốc, Ấn Độ - hai quốc gia có nền kinh tế phát triển của châu Á và có thể coi là những quốc gia dẫn dắt sự phát triển của Fintech châu Á; Fintech tại khu vực Đông Nam Á với 6 quốc gia điển hình như Singapore, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, trong đó Singapore và Indonesia là 2 quốc gia có hệ sinh thái lớn nhất khu vực.

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech cũng không nằm ngoài xu hướng của khu vực, thanh toán vẫn là phân khúc hàng đầu của thị trường Fintech, tiếp theo là lĩnh vực cho vay, Blockchain/Cryptocurrency ....

Ông Nguyễn Đăng Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech

Hoạt động của Fintech tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an…thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng và quy định về việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech …

Theo ông Hùng, trong thời gian tới, Fintech châu Á sẽ vận động theo các xu hướng chính như: Ngân hàng số neobank; Mua trước trả sau; Siêu ứng dụng tài chính; Dịch vụ tài chính dựa trên AI; Ngân hàng mở; Hợp tác xuyên biên giới. Nói chung, Fintech châu Á vẫn còn nhiều dư địa phát triển với quy mô dân số tiềm năng rất lớn, tỷ lệ thuê bao internet, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và ngày càng tăng, hạ tầng thanh toán phát triển mạnh mẽ, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, ….

20h_6760(1).jpg
Ông Nguyễn Đăng Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CLB VietFintech

Với nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương ngày càng nhiều giữa các quốc gia, ông Hùng hi vọng sau hội thảo sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa các công ty Fintech của các nước, đặc biệt là giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Lan Anh