Văn hóa

Tự hào Việt Nam và động lực phát triển

Nguyễn Đức Lệnh 10/04/2023 16:42

Chúng ta luôn có niềm tin và động lực cho phát triển, luôn cảm thấy tự hào Việt Nam.

vietnam.jpg

Chúng ta vừa nhận thông tin nhỏ: bánh mì Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, do các chuyên gia TasteAtlas - trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch trải nghiệm về ẩm thực truyền thống uy tín trên thế giới bình chọn. Thật vui và tự hào, bởi tên đất nước lại được nhắc đến và biết đến với món ăn bình dân, giản dị nhưng đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và để lại dấu ấn trong nền ẩm thực thế giới.

Nhìn lại lịch sử đất nước và những thành quả đất nước ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, thể thao, du lịch,… chúng ta có rất nhiều điều để tự hào. Mỗi khi tên gọi Việt Nam được nhắc đến, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc tràn đầy cảm xúc trào dâng và cảm xúc đó trở thành nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta sống và cống hiến.

Tiếp cận theo ý nghĩa đó, đặt trong mối liên hệ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2023 và nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ công chức ngành Ngân hàng càng nhận thấy cần phải khát khao hơn, quyết tâm hơn và trách nhiệm hơn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao tại mỗi vị trí công tác.

Đối với cán bộ lãnh đạo của các tổ chức tín dụng (TCTD), đó là trách nhiệm phát triển hoạt động ngân hàng, phát triển TCTD theo chiến lược đề ra: an toàn, hiệu quả và bền vững; uy tín và thương hiệu - ở đó, mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng tự hào về ngân hàng mình đã và đang làm việc.

Đó là trách nhiệm thực thi và tuân thủ quy định của pháp luật, thực thi cơ chế chính sách của ngân hàng trung ương, nhất là chính sách về tín dụng, về lãi suất; cụ thể hóa và phát huy hiệu quả chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng của ngân hàng duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần cùng ngành thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đó còn là trách nhiệm chia sẻ và hành động cụ thể để cải cách hành chính, đáp ứng tốt nhất nhu cầu dịch vụ ngân hàng, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí sử dụng vốn, chi phí tài chính để ổn định và phát triển, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng chung từ thị trường thế giới.

Đối với cán bộ nhân viên ngân hàng, đó là trách nhiệm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao ở mỗi vị trí công tác: Luôn là cán bộ tín dụng tận tâm trách nhiệm và sẻ chia đối với khách hàng, với tinh thần “em đi làm tín dụng” trong thời đại phát triển ngân hàng số, góp phần giảm thiểu thời gian giao dịch, giảm thiểu chi phí liên quan trong giao dịch của khách hàng với ngân hàng; luôn là cán bộ nhân viên giỏi, nhiệt tình và chu đáo đối với khách hàng trong giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng đối với người cán bộ, nhân viên ngân hàng ở vị trí giao dịch viên, vị trí “bán hàng”, với tinh thần hỗ trợ tư vấn, thông tin đầy đủ cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, tiện ích nhất, hạn chế những tồn tại phát sinh liên quan đến cung cấp các sản phẩm chéo, sản phẩm liên kết. Trách nhiệm đó gắn với nhiệm vụ xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho TCTD.

Tự hào là cán bộ ngân hàng Việt Nam, là ngành quan trọng với những dấu ấn phát triển gắn liền với lịch sự phát triển đất nước, chúng ta tự hào về “con đường tiền tệ” huyền thoại mà ở đó, sự cống hiến và lòng yêu nước đã tạo động lực mạnh mẽ để vượt qua gian khổ, thách thức; tạo động lực cho sự sáng tạo và phát triển góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Với tinh thần đó, mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng cần luôn phát huy và hành động; luôn chia sẻ và trách nhiệm, truyền cảm hứng từ những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé tới những việc tốt đẹp của đất nước, của thành phố nơi mình sinh sống và ngay tại cơ quan, đơn vị của mình để làm việc, cống hiến cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, của thành phố và cả nước.

Nguyễn Đức Lệnh