Tin hội viên

Đại hội cổ đông ACB: Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ

H.N 13/04/2023 16:00

Ngày 13/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) (HOSE: ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

600x385-v2.png
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) (HOSE: ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023

Theo tài liệu gửi tới cổ đông, đại hội lần này của ACB sẽ thảo luận về một số nội dung chính bao gồm: Tổng kết tình hình kinh doanh của ngân hàng năm 2022 và phương án phân phối lợi nhuận; kế hoạch kinh doanh năm 2023; bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới; một số vấn đề khác liên quan đến tình hình hoạt động và an toàn của ngân hàng.

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo ACB cho biết, trên nền tảng vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được phục hồi và các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả kinh doanh của ngân hàng năm 2022 tiếp tục tăng trưởng, cụ thể: Lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn năm 2022 đạt 17.114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021, hoàn thành 114% kế hoạch đã trình đại hội cổ đông (15.018 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), đạt 26,49%, tăng 2,59 điểm phần trăm so với năm trước; tổng tài sản đạt 608.000 tỷ đồng, tăng 15,18%; dư nợ cho vay ở mức 414.000 tỷ đồng, tăng 14,31%; tỷ lệ nợ xấu ở khống chế ở ngưỡng 0,74%, giảm 0,03 điểm so với năm 2021.

Về nguồn vốn, tính đến cuối năm 2022, tổng tiền gửi khách hàng của ACB là 414.000 tỷ đồng, tăng 8,96% so với năm trước. Ngân hàng cũng phát hành thành công 19.200 tỷ giấy tờ có giá, kỳ hạn bình quân 1,25 năm với chi phí hợp lý, góp phần tăng quy mô nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2022, lượng giấy tờ có giá tại ACB là 44.000 tỷ đồng, tăng 45,03. Vốn chủ sở hữu đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 30,15%.

Với kết quả kinh doanh như trên, ban lãnh đạo ACB đề xuất sử dụng gần 8.444 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia dự kiến là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ đồng.

Về định hướng cho năm 2023, HĐQT ACB cho biết, định hướng hoạt động năm 2023 sẽ là tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng mục tiêu và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Trên cơ sở đó, ACB đề xuất kế hoạch năm 2023 là: Lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2%; tổng tài sản đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10%; tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 495.836 tỷ đồng, tăng 9,7%; dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng 9,7%. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, ACB dự kiến sẽ trích hơn 9.710 tỷ đồng để chia cổ tức. Tỷ lệ chia là 25% (15% cổ phiếu và 10% tiền mặt). Lợi nhuận giữ lại sau chia sẽ hơn 10.308 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2023 và khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết, lợi nhuận quý I/2023 hợp nhất đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động tăng trưởng 2,1% so với cuối năm. Tỷ số LDR đạt 78%; tỷ lệ an toàn vốn ở mức 13,1%; Tăng trưởng tín dụng đạt 0,6%, dù giảm nhẹ nhưng đã khôi phục từ tháng 3/2023; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%.

“Chúng tôi hoàn thành 26% và tự tin hoàn thành kế hoạch cả năm”, ông Từ Tiến Phát khẳng định.

Đại hội đã bầu ra các 9 thành viên Hội đồng quản trị (trong đó,  ông Trần Hùng Huy tiếp tục làm Chủ tịch) và 3 thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2023-2028. Các tờ trình đều được đại hội thông qua với tỷ lệ tán thành trên 95%.

H.N