Bộ Xây dựng đề xuất 6 chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân
Bộ Xây dựng vừa đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, với 6 chính sách trọng tâm.
Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Nghị quyết này chỉ áp dụng thí điểm đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư sau thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành).
Các chính sách lớn được nêu trong dự thảo Tờ trình Nghị quyết liên quan đến 6 chính sách, gồm: (1) Đất để xây dựng nhà ở xã hội; (2) Lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; (3) Quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; (4) Xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; (5) Đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; (6) Phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng cho biết, các nội dung này đã được Chính phủ thông qua và Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển Hồ sơ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại phiên họp thẩm tra ngày 13/3/2023, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thẩm tra ngày 17/3/2023.
Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định đối tượng này là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của các đối tượng này là rất lớn để lo nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp mình.
Theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014: các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 03 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập). Việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 3 điều kiện nêu trên.
Bên cạnh đó, việc quy định điều kiện về cư trú "Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này" để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.
Với những lý do nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng:
Thứ nhất, trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo các điều kiện sau:
Điều kiện về nhà ở: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu 10m2/người.
Điều kiện về thu nhập, gồm: Các đối tượng là người thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
Các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ; các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.
Thứ hai, trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở và thu nhập như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Thứ ba, doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định của Luật Nhà ở. Những doanh nghiệp, hợp tác xã này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.
Căn cứ vào quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sự cần thiết và cấp bách phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất cần phải sớm có Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.