IMF: Chính sách tài khóa có thể thúc đẩy ổn định kinh tế và giải quyết rủi ro đối với tài chính công
Sau việc hỗ trợ đặc biệt trong đại dịch, các quốc gia nên thúc đẩy giảm lạm phát và ổn định tài chính, đồng thời bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương và tài chính công.
Theo Báo cáo Giám sát tài khóa tháng 4/2023: “Trên con đường bình thường hóa chính sách” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, chính sách tài khóa đã đi một chặng đường dài hướng tới bình thường hóa. Các quốc gia đã rút hỗ trợ tài chính đặc biệt, nợ công và thâm hụt ngân sách đang giảm từ mức kỷ lục. Điều đó xảy ra trong bối cảnh lạm phát cao, chi phí vay tăng, triển vọng tăng trưởng yếu hơn và rủi ro tài chính tăng cao. Trong đó, tính bền vững nợ công là nguyên nhân gây lo ngại ở nhiều quốc gia.
Báo cáo thảo luận về các điều kiện kinh tế đặc biệt kể từ đại dịch đã định hình các chính sách tài khóa ra sao. Từ đó, kêu gọi các quốc gia cần có các chính sách nhất quán để đưa lạm phát trở lại mục tiêu, giải quyết các rủi ro tài chính công, đồng thời bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương và giám sát đảm bảo ổn định tài chính.
Kiểm soát những thời điểm biến động
Sau đợt nợ công tăng vọt kỷ lục vào năm 2020 lên gần 100% tổng sản phẩm quốc nội do suy giảm kinh tế và sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, thâm hụt tài khóa kể từ đđ đã giảm nhờ việc chấm dứt các biện pháp tài khóa đặc biệt liên quan đến đại dịch.
Gần 3/4 các quốc gia đã thắt chặt cả chính sách tài khóa và tiền tệ vào năm ngoái. Do đó, trong 2 năm qua, nợ toàn cầu đã giảm mạnh nhất trong 70 năm, ở mức 92% GDP vào cuối năm ngoái - vẫn cao hơn khoảng 8 điểm phần trăm so với các dự đoán trước đại dịch. Thâm hụt chính (thâm hụt hiện tại trừ các khoản lãi phải trả) cũng đang giảm nhanh chóng và tiến gần đến mức trước đại dịch.
Sau khi giảm đột ngột vào năm 2020, GDP danh nghĩa đã tăng mạnh trong 2 năm qua ở nhiều quốc gia, hỗ trợ cho tài chính công. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và gia tăng lạm phát ngoài dự kiến đã thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa và doanh thu thuế cao hơn dự kiến.
Tính trung bình, các nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi (trừ Trung Quốc) đã chứng kiến mức nợ giảm khoảng 2 đến 3% GDP vào năm ngoái, phần lớn nhờ vào những tình huống bất ngờ của lạm phát. Tốc độ thâm hụt và giảm nợ khác nhau tùy thuộc vào việc các quốc gia thoát khỏi đại dịch nhanh như thế nào và bị ảnh hưởng như thế nào trước những cú sốc tiếp theo. Các quốc gia đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hoặc lương thực nghiêm trọng hơn đã dần thắt chặt chính sách, khi các chính phủ chia sẻ gánh nặng bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua các biện pháp có mục tiêu và không có mục tiêu.
Vai trò của lạm phát trong việc giảm nợ được định hình bởi quy mô và thành phần nợ của từng quốc gia. Các quốc gia có mức nợ ban đầu cao, kết hợp với lạm phát lớn bất ngờ và tăng trưởng mạnh, đã giảm nợ đáng kể. Tỷ giá hối đoái giảm, thâm hụt chính và chi phí đi vay cao đóng vai trò quan trọng trong việc định hình động lực giải quyết nợ ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp, hạn chế tác động của lạm phát cao đối với tỷ lệ nợ.
Những ràng buộc chặt chẽ về ngân sách đã khiến các quốc gia có thu nhập thấp gặp khó khăn hơn trong việc giữ cân bằng, cản trở tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Các quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mất an ninh lương thực, làm đình trệ quá trình giảm nghèo trên toàn cầu.
Hỗ trợ ổn định tài chính
Triển vọng ngắn hạn rất phức tạp. Trong bối cảnh lạm phát cao, điều kiện tài chính thắt chặt và nợ tăng cao, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên duy trì chính sách tài khóa nhất quán với chính sách của ngân hàng trung ương để thúc đẩy ổn định tài chính và giá cả.
Nhiều quốc gia sẽ cần một chính sách thắt chặt tài khóa để hỗ trợ quá trình giảm lạm phát đang diễn ra, đặc biệt nếu lạm phát cao kéo dài dai dẳng. Điều này cho phép các ngân hàng trung ương tăng lãi suất ít hơn mức dự kiến, giúp kiềm chế chi phí đi vay và kiểm soát các lỗ hổng tài chính.
Các chính sách tài khóa thắt chặt đòi hỏi phải có các mạng lưới an sinh để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, bao gồm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, đồng thời kiềm chế tăng trưởng chi tiêu chung, khi các quốc gia có thể phải đối mặt với áp lực xã hội để bù đắp cho sự gia tăng chi phí sinh hoạt trong quá khứ.
Tuy nhiên, việc này có thể mang đến rủi ro cao và các nhà hoạch định chính sách cần sẵn sàng phản ứng kịp thời. Nếu bất ổn tài chính biến thành một cuộc khủng hoảng hệ thống, chính sách tài khóa có thể cần phải can thiệp nhanh chóng. Nếu hoạt động kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, chính phủ nên cho phép các cơ chế ổn định tự động phát huy tác dụng (ví dụ, cho phép thâm hụt tăng khi trợ cấp thất nghiệp tăng hoặc doanh thu thuế giảm xuống), đặc biệt là khi áp lực lạm phát được kiểm soát và dư địa tài khóa có sẵn.
Giảm lỗ hổng nợ và xây dựng lại bộ đệm tài khóa theo thời gian là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù dự kiến sẽ thắt chặt tài khóa dần trong những năm tới, IMF dự báo nợ công toàn cầu sẽ tăng lên ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi và tiên tiến. Nhìn chung, mối lo ngại về các khoản nợ đã gia tăng ở nhiều quốc gia dễ bị tổn thương. Ở các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp, chi phí đi vay cao hơn cũng đang đè nặng lên tài chính công, với 39 quốc gia đã hoặc sắp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Các quốc gia này nên tăng cường phát triển các khuôn khổ tài chính dựa trên đánh giá rủi ro để giảm bớt các khoản nợ theo thời gian và xây dựng dư địa cần thiết để xử lý các cú sốc trong tương lai. Các khuôn khổ tài khóa nâng cao có thể kết hợp với việc củng cố thể chế và các quy tắc tài khóa được sửa đổi. Các kế hoạch tài khóa trung hạn nên bao gồm cam kết chính sách đáng tin cậy để đạt được tính bền vững của nợ — nghĩa là công bố các biện pháp hoặc cải cách chi tiêu và doanh thu cụ thể — đồng thời cho phép linh hoạt điều chỉnh trước các cú sốc.
Các nước có thu nhập thấp phải đối mặt với những thách thức đặc biệt nghiêm trọng. Những nỗ lực cải tiến nhằm tăng doanh thu là rất quan trọng để khôi phục tài chính bền vững, đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bất chấp nhiều làn sóng cải cách thuế, nguồn thu vẫn không đủ, dưới mức để Nhà nước có thể thực hiện vai trò của mình trong phát triển bền vững và toàn diện. Hợp tác quốc tế là rất quan trọng để giúp các quốc gia này giải quyết gánh nặng nợ không bền vững một cách trật tự và kịp thời.