Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong xuất bản tạp chí khoa học
Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật đang dần trở thành một phần tất yếu đối với các cơ quan xuất bản nói chung và các tạp chí khoa học nói riêng. Các ứng dụng công nghệ có thể được thực hiện thông qua các phần mềm, hệ thống quản lý bài viết, phát triển trang thông tin website, liên kết xuất bản... Từ đó thúc đẩy nội lực khoa học và công nghệ đối với các tạp chí khoa học, đáp ứng nhu cầu hội nhập của các nhà khoa học trong nước, đồng thời mở rộng diễn đàn và phương tiện g
Ngày 18/4, Trường Đại học Ngoại Thương tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong xuất bản tạp chí khoa học của Việt Nam” để cùng chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến áp dụng công nghệ trong công tác xuất bản tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ đối với các tạp chí khoa học ở Việt Nam là con đường duy nhất để hội nhập quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS. Đào Ngọc Tiến – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương - cho biết: Trong thời gian vừa qua, các tạp chí khoa học của Việt Nam đã có nhiều phát triển cùng với hội nhập quốc tế. Trong đó, các tạp chí khoa học cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số theo Quyết định phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số của báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính Phủ.
Cùng với sự phát triển của chuyển đổi số, cần thiết phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ đối với tất cả các tạp chí khoa học ở Việt Nam. Đây là con đường duy nhất để hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao chất lượng tạp chí, đưa tạp chí khoa học của Việt Nam vào cơ sở dữ liệu quốc tế tốt hơn.
Cần nhận thức rõ vai trò của công nghệ trong thời đại chuyển đổi số
Tại tham luận “Định hướng phát triển của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế: tăng cường công nghệ trong xuất bản”, PGS,TS. Từ Thúy Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế (JIEM) - đã chia sẻ kinh nghiệm, thách thức và các công cụ phần mềm áp dụng mang tính công nghệ trong xuất bản tạp chí.
Đến nay, các công cụ công nghệ đã được ứng dụng trong Tạp chí JIEM bao gồm 5 nhóm: phần mềm quản lý bài viết JIEM áp dụng hệ thống tạp chí mở (OJS), phần mềm kiểm tra đạo văn, phần mềm hỗ trợ hiệu đính ngôn ngữ, phần mềm hỗ trợ thiết kế và công cụ hỗ trợ quảng bá truyền thông.
Thông qua việc sử dụng những phần mềm công nghệ hỗ trợ đó, chất lượng và hiệu quả của xuất bản tăng lên rất nhiều. Trường Đại học Ngoại Thương cũng đang nghiên cứu những phần mềm tiềm năng (như Writefull) và cố gắng nâng cao chất lượng ngôn ngữ trên con đường liên kết xuất bản hay xa hơn nữa.
Bên cạnh đó, PGS,TS. Từ Thúy Anh đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của truyền thông đối với hình ảnh, uy tín của tạp chí. Do đó, những phần mềm hỗ trợ thiết kế và quảng bá truyền thông cần được quan tâm phát triển và sử dụng hơn trong hoạt động của tạp chí như: các phần mềm thiết kế chuyên dụng (Canva), hệ thống emai tự động, kênh truyền thông (Facebook, Zalo, Tiktok)...
PGS,TS. Từ Thúy Anh cho biết, tạp chí của trường Đại học Ngoại Thương đã sử dụng rất nhiều công cụ công nghệ và cảm nhận được sự tiện lợi cũng như mặt tích cực của việc tăng cường công nghệ trong xuất bản tạp chí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt như còn nhiều các phần mềm sẽ phải tiếp tục mua bản quyền để mức độ sử dụng hiệu quả hơn và còn nhiều phần mềm khác cần học hỏi để đưa vào sử dụng. Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, vai trò của công nghệ ngày càng tăng và cần nhận thức rõ điều này.
Năm 2024 – 2025, mục tiêu của Tạp chí là liên kết xuất bản, sử dụng hệ thống ScholarOne thay vì OJS trong quản lý tạp chí. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là hướng đi, quyết tâm lớn của tạp chí và được sự ủng hộ của các lãnh đạo trường.
"Hy vọng những năm tiếp theo, Tạp chí JIEM có thể gia nhập hệ thống Chỉ mục uy tín của Scopus và Web of Science (WoS) – hai cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay về tạp chí khoa học, hội nghị, sách, sáng chế, thông tin nhà xuất bản, thông tin trường/viện, thông tin tác giả,… Cùng với đó là nâng điểm của các tạp chí tiếng Việt và tiếng Anh", PGS,TS. Từ Thúy Anh bày tỏ.
Tạp chí điện tử là xu hướng tất yếu, phù hợp với nền tảng chuyển đổi số
Tại hội thảo, TS. Tạ Quang Tuấn – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý Nhà nước - nhận định: Đứng trước bối cảnh chuyển đổi số và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển báo chí, một trong những hướng để tồn tại và phát triển là chuyển dịch sang tạp chí điện tử. Đây là môi trường tốt để cân bằng, ổn định và phát triển.
Để có những bài viết giá trị cho tạp chí điện tử, cần khuyến khích các cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu sinh... đăng bài để tạo ra nguồn bài tốt. Giao diện cần hướng tới người đọc, hướng tới kênh kết hợp nghe, nhìn.
Về góc độ nhận thức, tạp chí cần phải hướng đến người đọc ở cấp độ cao hơn, đó là giúp cho người đọc không chỉ ở mức độ nhận biết mà còn phải hiểu, vận dụng, phân tích đánh giá và tổng hợp sáng tạo.
TS. Tạ Quang Tuấn chia sẻ, trong tổ chức tạp chí điện tử cần nhóm chuyên sâu tập trung vào mục nghiên cứu trao đổi để nâng điểm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng tham gia hội nhập quốc tế, số lượng cân đối. Tuy nhiên mặt khác, cũng cần hướng đến tính đại chúng và người dân, làm “mềm hóa” những vấn đề học thuật, ưu tiên những bài có tính chất ứng dụng chuyển giao; đặc biệt là những bài có tính kinh nghiệm thực tiễn. Cuối cùng là trao đổi kinh nghiệm từ địa phương với những số liệu thực trạng và khoa học. Khi đó, tạp chí có thể tập hợp và đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của người đọc.
Cần nâng cao năng lực và tiêu chuẩn quốc tế
Thảo luận về xu thế hội nhập quốc tế, GS, TS. Thái Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Journal of Science and Technology) - cho rằng điều tất yếu là xuất bản tiếng Anh để nhanh chóng gia nhập các chỉ mục quốc tế, đồng thời tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng số hóa, áp dụng công nghệ để đưa các tạp chí vào danh mục quốc tế.
GS, TS. Thái Hoàng nhấn mạnh, việc nhanh chóng được công nhận đạt các tiêu chuẩn của Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ACI) là rất quan trọng và cần thiết. Đây là cơ sở quan trọng để vào các chỉ mục quốc tế bởi hệ thống ACI có thể tiến cử các tạp chí tiềm năng gia nhập các hệ thống quốc tế lớn.
Để nâng cao năng lực và tiêu chuẩn quốc tế, cần thành lập một bộ phận có sự chỉ đạo chung và bộ phận chuẩn bị hồ sơ theo hệ thống; sử dụng phần mềm công nghệ phù hợp với khả năng, lộ trình và tài chính của tạp chí hoặc liên kết hợp tác xuất bản với các đơn vị quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về Hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học trích dẫn quốc tế.
"Ngoài ra, cần xây dựng tạp chí trên một hệ sinh thái tổng hòa, giao diện tạp chí cần thân thiện và bắt mắt, nội dung tốt phải đi kèm hình thức dễ đọc, dễ hiểu thì sức thuyết phục sẽ cao hơn", GS, TS. Thái Hoàng chia sẻ.