Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022

Ngô Hải 19/04/2023 14:42

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với số điểm là 91,77%. Đây là lần thứ 7, NHNN dẫn đầu bảng xếp hạng.

Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

img8291-1681868281905897240406.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PAR INDEX 2022 của NHNN đạt 91,77%

Báo cáo cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC cho biết, năm 2022 có 2 đơn vị có Chỉ số CCHC trên 90% là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%. Đây là lần thứ 7 NHNN đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014-2020), riêng năm 2021 xếp vị trí thứ 3.

Báo cáo cũng cho biết, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2022 là 84,05%, giảm 2,02% so với năm 2021 (giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ là 86,07%). Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030” được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022, với nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mới được đưa vào đánh giá để phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như các chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC. Theo đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân các bộ chưa đạt kết quả cao trong Chỉ số CCHC năm 2022.

Có 11/17 bộ có Chỉ số CCHC năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Trong đó, NHNN đạt chỉ số cao nhất, còn Bộ Ngoại giao đạt chỉ số thấp nhất (với giá trị là 72,65%).

NHNN cũng là một trong ba đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, tiếp đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phân tích các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, NHNN đứng đầu chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC" với điểm chỉ số 98,28%. Đây là điểm số cao trong bối cảnh giá trị trung bình chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC" giảm so với năm 2021 với giá trị giảm 4,43% (từ 96,31% năm 2021 xuống còn 91,88% năm 2022). Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu (NHNN) với đơn vị đứng cuối là 1,4 lần. Đáng nói, NHNN là đơn vị duy nhất đạt số điểm tối đa tại các tiêu chí thành phần thuộc Tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Tiêu chí thành phần “Chất lượng cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của bộ” thuộc Tiêu chí “Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức” được đánh giá thông qua điều tra xã hội học, NHNN đạt được tỷ lệ điểm số cao nhất với giá trị 83,42%.

Các tiêu chí khác như xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; cải cách chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy đứng thứ 2 trong các bảng xếp hạng chỉ số thành phần....

CCHC trong ngành Ngân hàng rất trúng

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, thành quả CCHC của ngành Ngân hàng có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tất cả các chương trình kế hoạch CCHC cùng với cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ.

“Chúng tôi thấy việc áp dụng các chương trình kế hoạch CCHC trong ngành Ngân hàng rất trúng” Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua NHNN đã tập trung vào giải quyết 2 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, cụ thể:

Một là, tăng cường tăng chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế trong điều kiện rất khó khăn vừa qua, nhất là những năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tác động rất lớn từ nền kinh tế thế giới, các chính sách tiền tệ quốc tế và những khó khăn thực tại của nền kinh tế Việt Nam với doanh nghiệp.

Từ mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai 6 lĩnh vực CCHC của NHNN đều hướng tới tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận, tăng sự chủ động cho các doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt khó, ổn định và phát triển.

Ngoài việc điều hành chung, việc tăng cường cải thiện chỉ số này còn được NHNN thông qua việc cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là chỉ đạo các TCTD, NHTM, mặc dù không phải là cơ quan nhà nước nhưng bản chất cũng là một doanh nghiệp có tính chất phục vụ thực hiện nhiệm vụ chung của CCHC để giảm bớt các thủ tục tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn và dịch vụ thanh toán đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.

Kết quả của việc triển khai rất tích cực việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của ngành Ngân hàng đã đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu trong chỉ số tiếp cận tín dụng trong ASEAN. Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong các nước ASEAN về thủ tục tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

“Đây là đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế. Tôi cho rằng đâu đó vẫn có thể vẫn còn có doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận tín dụng, tuy nhiên về tổng thể thì các TCTD đã có bước tiến rất lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ và cung ứng các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng được nhu cầu cũng như giảm bớt chi phí đi lại, các chi phí không cần thiết có thể cải cách được thông qua ứng dụng công nghệ", Phó Thống đốc chia sẻ và cho biết: "NHNN cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để nguồn vốn đến được với doanh nghiệp và người dân trên cơ sở ban hành những chính sách về mặt kinh tế và các biện pháp hành chính. Như vậy nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng là nội dung rất quan trọng làm giảm chi phí đầu vào của người dân và doanh nghiệp".

Hai là, triển khai nâng cao hiệu lực hiệu quả trong điều hành, quản lý lĩnh vực ngân hàng, trong đó NHNN đóng vai trò trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước từ đó tạo ra sự thông thoáng cũng như thống nhất triển khai, thực hiện chung toàn ngành. Vì thế trong thời gian vừa qua, khi Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương về nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, thì thông qua hoạt động điều hành, quản lý và phương thức của mình, NHNN đã sớm đưa chính sách vào cuộc sống, đồng thời tập trung xử lý các vấn đề theo yêu cầu đặt ra.

Để xây dựng một nền hành chính hiệu quả, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề xuất một số vấn đề cần đổi mới, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hơn nữa biện pháp, giải pháp, trách nhiệm thực thi, phối hợp trong các đơn vị và trong mỗi một cơ quan bộ, ngành, chính quyền điạ phương; và trách nhiệm thực thi, phối hợp để giải quyết chính sách, triển khai chính sách, thực hiện nhiệm vụ với các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, tăng cường dữ liệu; kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu; công khai số liệu thông qua các trung tâm dữ liệu của quốc gia, ngân hàng, chính phủ để thực hiện Đề án 06 đồng thời tiết kiệm cả nguồn lực kinh phí cho hoạt động quản lý điều hành, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đề nghị xem xét tạo sự chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương trong tuyển dụng cán bộ để bổ nhiệm thêm nguồn cán bộ có tính chất đặc thù, tính chất riêng biệt của ngành nghề. Đây là những vấn đề cần đổi mới không chỉ riêng của NHNN mà là câu chuyện nhiều bộ ngành và địa phương mong muốn để nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành, thực thi chính sách.

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách TTHC, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, một lần nữa biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC. Nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ; việc thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với NHNN Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách TTHC, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy việc hấp thụ vốn trong điều kiện hiện nay.

Sau cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2023.

Ngô Hải